Hãy là người đầu tiên thích bài này
S4A: Bất ngờ báo lỗ, cổ phiếu chịu áp lực chốt lời

Công ty CP Thủy điện Sê San 4A (HOSE: S4A) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với mức lỗ trước thuế 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty vẫn ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13 tỷ đồng.

Trong kỳ, S4A ghi nhận doanh thu thuần lao dốc tới 54% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn hơn 38 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 9,6 tỷ đồng, giảm 71% so với quý 2/2023. Khoản lợi nhuận khác của S4A đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 3,3 tỷ đồng.

Hình minh họa.

Doanh thu hoạt động tài chính đóng góp không đáng kể trong bức tranh lợi nhuận của S4A, chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính trong kỳ ghi nhận ở mức 13,7 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay chiếm hơn 8,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận ở mức 1,7 tỷ đồng, trong kỳ không phát sinh chi phí bán hàng.

Theo đó, S4A ghi nhận lỗ sau thuế gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước doanh nghiệp vẫn ghi nhẫn có lãi gần 11 tỷ đồng.

Theo giải trình, S4A cho biết doanh nghiệp chủ yếu hoạt động sản xuất điện thương phẩm, doanh thu bán hàng từ sản xuất điện, nguồn nguyên liệu chính phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước thiên nhiên. Trong quý 2 này, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn dẫn đến sản lượng điện giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế kỳ này giảm sâu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, S4A ghi nhận doanh thu đạt gần 52 tỷ đồng, giảm khoảng 50% và lợi nhuận sau thuế đạt 18,3 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của S4A ở mức 956 tỷ đồng, giảm 44 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương ứng bị thu hẹp gần 5%), trong đó giảm mạnh ở các khoản phải thu ngắn hạn và ở tài sản cố định hữu hình do giá trị hao mòn lũy kế.

Ở bên kia bảng cân đối kế toàn, tổng nợ phải trả tăng nhẹ 4%, lên mức gần 429 tỷ đồng, trong đó nợ thuê và vay tài chính chiếm tới khoảng 406 tỷ đồng, các khoản vay không được doanh nghiệp này nêu chi tiết trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu S4A đang chịu áp lực chốt lời các phiên gần đây sau khi đi ngang ở vùng đỉnh lịch sử, Tính đến thời điểm 12h30 phiên giao dịch ngày 16/7, cổ phiếu S4A đang được giao dịch ở mức 39.000 đồng/cp, giảm tới khoảng 9% chỉ sau 5 phiên, tuy vậy thị giá cổ phiếu của Thủy điện Sê San 4A hiện vẫn đang tăng 18% so với thời điểm hồi đầu năm.

Triển vọng ngành thủy điện trong năm 2024

Trong báo cáo triển vọng ngành điện mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy điện toàn hệ thống giảm 24% còn 19,1 tỷ kWh và tỷ lệ huy động từ nguồn thủy điện cũng giảm so với giai đoạn 2020 – 2022 do yếu tố thời tiết El Nino không thuận lợi.

Thống kê kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các doanh nghiệp thủy điện, VDSC nhận thấy doanh thu nhìn chung giảm từ 30 - 60%, bên cạnh nguyên nhân sản lượng sụt giảm còn do giá bán điện bình quân giảm. Biên lợi nhuận gộp của các công ty giảm từ 20 - 35 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Theo quan điểm của VDSC, các công ty thủy điện sẽ hưởng lợi trong năm 2025 so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng tích cực khi chu kỳ chuyển pha La Nina đang diễn ra, giá bán điện bình quân khó có khả năng giảm so với 2024 và có khả năng tăng khi tình hình tài chính của EVN được cải thiện.

Sản lượng thương phẩm của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10-20%. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và giá bán điện của các công ty thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện. Cụ thể, chi phí sản xuất điện/kWh đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức 1.100 - 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than.

Do áp lực khi chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ điện trong giai đoạn 2021 - 2023, EVN đã kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí sản xuất điện bình quân trong năm 2024, thông qua việc điều tiết tỷ lệ alpha (sản lượng hợp đồng/sản lượng thực phát) giữa các loại hình phát điện. Theo đó, tỷ lệ alpha của các nhà máy thủy điện được điều chỉnh lên mức 98%, là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành. Ở mức alpha cao như trên, các nhà máy thủy điện khó có khả năng tăng hiệu quả vận hành ở những thời điểm giá điện thị trường cao (điển hình là giai đoạn nắng nóng trong 5 tháng đầu năm). Điều này tạo sức ép đối với kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện - vốn phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh để cải thiện hiệu quả hoạt động.

Do vậy, mặc dù pha La Nina đang có xác suất cao sẽ diễn ra từ tháng 8/2024, VDSC cho rằng hiệu quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp thủy điện sẽ chưa thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, tỷ lệ alpha 98% là tỷ lệ đỉnh mà EVN có thể áp cho nhóm thủy điện. Trong kịch bản thận trọng là tỷ lệ này sẽ duy trì trong năm 2025 thì sự cải thiện của nhóm thủy điện được kỳ vọng sẽ đến từ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina.

Đối với kịch bản tích cực, VDSC cho rằng hiệu quả kinh doanh năm 2025 của nhóm thủy điện sẽ cải thiện mạnh nhờ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina và tỷ lệ alpha giảm khi EVN có khả năng chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động của giá nhiên liệu và các nguồn điện đầu vào.

Đình Tư-Link gốc

Bình luận (2)

ko cớ thanh khoản mà nói như đúng rồi đúng báo đời
15:38
11:37

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long