Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có văn bản thông báo về trạng thái chứng khoán của cổ phiếu CTCP Sông Đà 12 (UPCoM: S12).
Theo đó, HNX cho biết tiếp tục duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu S12 theo quyết định ngày 13/06 do tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm 2022. Đồng thời, cổ phiếu S12 cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 16/06, do có BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Theo BCTC kiểm toán năm 2022, S12 lỗ sau thuế 14 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 4.5 tỷ đồng. Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, quy mô tài sản S12 xấp xỉ 115 tỷ đồng, nợ phải trả gần 279 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 164 tỷ đồng.
Cũng tại báo cáo này, Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính và một số khoản công nợ phải trả chưa có đối chiếu.
Về vấn đề Công ty kiểm toán không có sơ sở để đưa ra ý kiến đối với khoản trích lập dự phòng đầu tư vào CTCP Sông Đà 12 Nguyên Lộc số tiền hơn 4.5 tỷ đồng. S12 cho biết trong các năm gần đây không liên lạc được với CTCP Sông Đà 12 Nguyên Lộc theo địa chỉ hoạt động tại khu đô thị mới Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Do đó, S12 không thu thập được BCTC năm 2022 và nhiều năm trước của Công ty này. S12 đã đánh giá khoản đầu tư này tổn thất toàn bộ và đã trích dự phòng trong năm 2019 theo dự kiến tổn thất đã dự kiến.
Về một số khoản công nợ phải trả chưa có đối chiếu với tỷ lệ còn chưa đối chiếu như sau: Đầu tư dài hạn tỷ lệ 77% (7.89 tỷ đồng), phải thu khách hàng tỷ lệ 48% (16.88 tỷ đồng), người mua trả tiền trước tỷ lệ 92% (tương ứng 4.23 tỷ đồng), phải trả người bán tỷ lệ 46% (tương ứng 26.59 tỷ đồng), phải thu khác tỷ lệ 45% (tương ứng 64.5 tỷ đồng), phải trả khác tỷ lệ 21% (tương ứng 26.98 tỷ đồng), trả trước cho người bán tỷ lệ 50% (tương ứng 2.53 tỷ đồng), vay và nợ thuê tài chính tỷ lệ 39% (tương ứng 2.84 tỷ đồng).
S12 cho biết sau khi kết thúc niên độ kế toán, đã gửi biên bản đối chiếu công nợ phải trả cho các nhà cung cấp và các đối tượng khác. Tuy nhiên, các khoản công nợ này phát sinh từ rất nhiều năm trước, thông tin về khách hàng có nhiều thay đổi nên việc đối chiếu gặp nhiều khó khăn. Một số nhà cung cấp không có phản hồi, một số thư bị trả về do không tìm được địa chỉ, một số khách hàng không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh…Việc này dẫn tới đơn vị kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ đối với các khoản công nợ phải trả chưa có đối chiếu trên.