Những năm vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem - MCK: PVC) ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, PVChem đang tập trung các nguồn lực, thực hiện các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa để tạo nên sự đột phá, giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2024.
Trong năm 2024, PVChem đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh hóa chất khai thác, hóa chất khoan, hóa chất lọc hóa dầu, hóa chất công nghiệp khác và phân phối/kinh doanh các sản phẩm hóa dầu, kinh doanh nội địa và quốc tế; tìm kiếm cơ hội kinh doanh các sản phẩm mới mang lại hiệu quả, lợi nhuận cho Tổng công ty.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn và đoàn công tác thăm và làm việc tại PVChem
Trong đó, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 của PVChem đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chấp thuận tại Nghị quyết số 8000/NQ-DKVN ngày 30/11/2024. Các chỉ tiêu hợp nhất toàn Tổng công ty năm 2024 gồm: Tổng doanh thu đạt 3.050 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 62 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước là 130 tỷ đồng; Chỉ tiêu đầu tư của Công ty mẹ là 222 tỷ đồng; Dự kiến tỷ lệ chia cổ tức là 5,5%.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, PVChem tiếp tục tổ chức quản lý, điều hành và kiểm soát việc sản xuất các sản phẩm truyền thống đảm bảo chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm; nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm mới có hiệu quả kinh tế nhằm phát huy công suất của Nhà máy Hóa phẩm Dầu khí Cái Mép;
Đồng thời, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ dung dịch khoan, dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ công nghiệp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường; tìm kiếm cung cấp các dịch vụ khảo sát và sửa chữa hệ thống chống ăn mòn cho các công trình dầu khí của các nhà máy lọc dầu, các nhà máy đạm,...; mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt và O&M cho các dự án trong và ngoài ngành; tìm kiếm cơ hội cung cấp dịch vụ cho dự án mới của Petrovietnam.
Đặc biệt, PVChem đã nghiên cứu đưa vào thử nghiệm thành công hệ dung dịch khoan của Tổng công ty với các giếng của Liên doanh Vietsovpetro; nghiên cứu phương án triển khai các giải pháp tăng cường thu hồi dầu với từng điều kiện cụ thể của các giếng khai thác. Các giải pháp này đã được Vietsovpetro đánh giá cao, thu lại lợi nhuận cao cho các bên tham gia.
Mặt khác, PVChem tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Tập đoàn như BSR, PVEP, PV GAS, PV Power, NSRP, PVCFC, các JOC,... thực hiện tốt các chuỗi liên kết, hợp tác có hiệu quả để tìm kiếm công việc, các phương án hợp tác, kinh doanh, cung cấp các dịch vụ thường xuyên, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Tổng công ty tập trung tối đa nguồn lực để triển khai các chuỗi liên kết đã được hình thành, ký kết trong thời gian qua.
Đáng lưu ý, trong năm 2024, PVChem đang phối hợp với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nghiên cứu cơ hội đầu tư mỏ CaCO3/đất hiếm tại Yên Bái và Lào Cai.
Bên cạnh các nhiệm vụ chính về sản xuất kinh doanh, PVChem đang nỗ lực hoàn thiện quản trị doanh nghiệp về các mặt công tác như: Quản lý tài chính, tăng cường thu hồi công nợ; Giám sát hàng tồn kho và có giải pháp xử lý kịp thời hàng chậm luân chuyển, kém phẩm chất, đảm bảo hàng tồn kho ở mức an toàn; Khai thác sử dụng hiệu quả các tài sản trong toàn Tổng công ty, bảo toàn và phát triển vốn của các cổ đông, duy trì và nâng cao các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động tài chính của Tổng công ty.
PVChem được các đối tác đánh giá cao về năng lực, công nghệ dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa.
Triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu theo Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 do Tập đoàn phê duyệt tại Nghị quyết số 6298/NQ-DKVN ngày 01/11/2022, trong đó tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PVChem theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm thiểu các bộ phận quản lý, tăng cường bộ phận trực tiếp sản xuất kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng phương án thành lập các công ty cổ phần, liên doanh, liên kết để triển khai các dự án đầu tư và tổ chức quản lý vận hành các nhà máy, công trình hình thành từ các dự án đầu tư.
Cùng với đó, PVChem liên tục thực hiện rà soát, tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung công tác triển khai chuyển đổi số, hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP; triển khai theo lộ trình Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030 của PVChem và tích cực triển khai công tác tái tạo văn hóa doanh nghiệp, tái tạo văn hóa kinh doanh tại PVChem.
Cần phải nói thêm rằng, một trong những lĩnh vực được đánh giá có thể tạo nên đột phá của PVChem là dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các công trình Dầu khí với việc thực hiện thành công các gói thầu lớn, hàm lượng kỹ thuật cao tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Đạm Phú Mỹ... đã được các đơn vị, đối tác ghi nhận về năng lực, công nghệ. Đây là lĩnh vực được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam định hướng cần phải sớm tập trung nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, hướng đến hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, PVChem sẽ là một trong những đơn vị chủ lực, tận dụng kinh nghiệm, đầu tư thiết bị, công nghệ trong dịch vụ này. Để hiện thực hóa điều này, cần một sự phân định rõ ràng các chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí và hơn hết là sự sẻ chia giữa các đơn vị trong Tập đoàn theo tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu” để mang lại hiệu quả tổng thể cao nhất, nâng cao năng lực trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa các công trình Dầu khí của Petrovietnam.
Bùi Công