Hãy là người đầu tiên thích bài này
PTL: Victory Capital thay Tổng giám đốc lần thứ 5 trong 3 năm

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa chỉ giữ chức Tổng Giám đốc trong thời gian ngắn ngủi, chưa đầy 9 tháng kể từ cuối tháng 11/2023.

Công ty Cổ phần Victory Capital (mã: PTL) vừa công bố quyết định miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Thoa khỏi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Anh vào vị trí này từ ngày 26/8. Đáng chú ý, chỉ 5 ngày trước đó, ông Tuấn Anh đã từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị độc lập tại PTL.

Ông Nguyễn Tuấn Anh ngoài cùng bên phải. (Nguồn: Victory Capital).

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa chỉ giữ chức Tổng Giám đốc trong thời gian ngắn ngủi, chưa đầy 9 tháng kể từ cuối tháng 11/2023. Thực tế, từ năm 2021 đến nay, PTL đã liên tục thay đổi vị trí Tổng Giám đốc đến 5 lần, và tương tự như bà Thoa, các vị tiền nhiệm của bà cũng không giữ chức vụ quá 1 năm trước khi bị thay thế.

Lịch sử thay đổi nhân sự ở vị trí này bắt đầu từ ngày 10/6/2021, khi ông Nguyễn Phú Hùng được bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Quang Hưng. Đến ngày 28/3/2022, ông Nguyễn Thanh Tuấn tiếp tục được bổ nhiệm vào vị trí này, và chỉ 1 năm sau, ngày 27/3/2023, bà Ngô Viết Ngọc Thanh lại thay thế ông Tuấn. Sau đó, ông Lê Văn Vũ tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc vào ngày 4/5/2023, và giữ vị trí này cho đến khi bà Thoa được bổ nhiệm vào ngày 27/11/2023.

Không chỉ riêng vị trí Tổng Giám đốc, Hội đồng Quản trị của Victory Capital cũng liên tục xáo trộn. Tháng 4/2024, ông Nguyễn Tấn Thụ từ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Lê Hào được bầu thay thế. Ngoài ông Thụ, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, ba thành viên Hội đồng Quản trị khác là ông David Maurice Jackson, ông Rainer Frey, và ông Lê Văn Vũ cũng đồng loạt từ nhiệm với lý do cá nhân. Đầu tháng 4/2024, ông Phan Anh Quân cũng từ chức sau khi chỉ mới được bổ nhiệm chưa đầy 2 tháng.

Sự thay đổi liên tục ở cấp lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh Victory Capital tiếp tục gặp khó khăn tài chính, ghi nhận khoản lỗ ròng gần 28 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, mặc dù doanh thu thuần tăng đáng kể lên gần 88 tỷ đồng, gấp 8,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này, theo PTL, là do chi phí phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp hợp đồng quản lý tòa nhà Victory Tower với Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim, theo bản án ngày 06/05/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Do tiếp tục thua lỗ, cổ phiếu PTL vẫn bị giữ nguyên trong diện cảnh báo theo quyết định ngày 08/07/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, với khoản lỗ lũy kế gần 566 tỷ đồng tính đến Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024.

Trước tình hình này, PTL cho biết đang tiến hành tái cấu trúc tài sản, thu hồi các khoản vay và cơ cấu lại tín dụng. Công ty cũng hoàn tất việc mua lại cổ phần của CTCP VictoryCons và CTCP DBFS, nhằm củng cố hệ sinh thái bất động sản của mình.

Với chiến lược mới, PTL sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực cốt lõi: đầu tư phát triển bất động sản, dịch vụ nhà phát triển dự án, tổng thầu xây dựng và khai thác bất động sản cho thuê. Công ty cũng đang đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, bao gồm cả việc khởi kiện các công ty có số dư nợ phải thu lớn.

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long