Thị giá PHN chốt phiên 12/11 giảm nhẹ về 85.000 đồng/cp, tương ứng mất hơn 10% chỉ sau 1 tuần lên đỉnh. Dù vậy, mức thị giá này vẫn cao gấp đôi vùng giá hồi đầu năm.
Công ty Cổ phần Pin Hà Nội (mã: HNX) vừa công bố Nghị quyết HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Cụ thể, Pin Hà Nội quyết định điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ còn 370 triệu viên pin các loại, so với kế hoạch cũ 386,3 triệu viên (tương ứng giảm hơn 4%). Do giảm sản lượng khiến tổng doanh thu dự kiến chỉ 469,4 tỷ đồng, giảm 14,1 tỷ đồng so với kế hoạch cũ (giảm gần 3%).
Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế bất ngờ tăng hơn 8% lên gần 77 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 7 tỷ đồng so với kế hoạch cũ.
Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của Pin Hà Nội đến sau khi bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 không có sự tăng trưởng. Doanh thu kỳ vừa qua sụt nhẹ so với cùng kỳ còn gần 125 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 18% về mức 15 tỷ đồng.
Chủ hãng pin con thỏ lý giải doanh thu bán hàng nội địa sụt giảm vì ảnh hưởng tiêu cực của bão Yagi trong tháng 9, cộng thêm việc tăng 8% đơn giá tiền lương so với cùng kỳ đã góp phần làm giảm lợi nhuận chung.
Tính chung từ đầu năm, Pin Hà Nội ghi nhận doanh thu thuần gần 342 tỷ đồng và lãi trước thuế khoảng 62 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 28% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ kết quả khả quan đầu năm. So với kế hoạch mới, công ty đã thực hiện được gần 81% mục tiêu lợi nhuận (nếu so với kế hoạch cũ là 89%).
Sang năm 2025, công ty sản xuất pin đặt mục tiêu doanh thu gần 507 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch mới điều chỉnh, do tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ lên 392,5 triệu viên pin các loại. Chỉ tiêu lãi trước thuế dự kiến giảm 27% về 561 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Pin Hà Nội tiền thân là Nhà máy pin Văn Điển được thành lập từ đầu năm 1960, nổi tiếng với sản phẩm pin mang nhãn hiệu con thỏ. Công ty niêm yết toàn bộ hơn 7,25 triệu cổ phiếu PHN trên sàn HNX từ tháng 3/2019 đến nay.
Hiện, GP Batteries International Limited là cổ đông chiến lược nắm giữ đến 49% vốn điều lệ. Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Nghĩa sở hữu 5% và Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 2% cổ phần, còn lại 44% thuộc sở hữu của các nhà đầu tư khác.
Nhờ tiên phong trong việc đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị tiên tiến hiện đại, tính đến nay, sản lượng sản xuất pin của CTCP Pin Hà Nội đạt hơn 200 triệu pin/năm. Sản phẩm của công ty cũng ngày càng đa dạng, trong khi năng suất lao động được tăng lên nhiều lần. Các sản phẩm của Pin Hà Nội hiện được xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Á, châu Phi, Đông Âu và Nam Mỹ. Ngoài ra, công ty có tuổi đời hơn 60 năm cũng có thị phần tốt tại các thị trường như Lào và Campuchia.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PHN sau khi lập đỉnh lịch sử 96.000 đồng/cp (4/11) bất ngờ quay đầu giảm mạnh. Thị giá PHN chốt phiên 12/11 giảm nhẹ về 85.000 đồng/cp, tương ứng mất hơn 10% chỉ sau 1 tuần lên đỉnh. Dù vậy, mức thị giá này vẫn cao gấp đôi vùng giá hồi đầu năm.