Nhằm vượt qua các thách thức và thành công với nghề nông, rất nhiều nông dân giỏi đã mạnh dạn ứng dụng những giải pháp hay trong canh tác. Không chỉ giúp “đánh thức” những mùa vàng, điều này còn góp phần đắc lực cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.
Từ những thách thức từ tự nhiên
Tuy đất nông nghiệp chiếm khoảng 85% diện tích đất của cả nước, nhưng ngoài một số khu vực đất phì nhiêu như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, các khu vực canh tác còn lại của Việt Nam đều có chất lượng đất chưa cao. Một số khu vực cằn cỗi tự nhiên, nhiễm phèn, mặn hoặc bị biến đổi, suy thoái. Đặc biệt, tại khu vực đồi núi phía Bắc, đất bị suy giảm dinh dưỡng hoặc xói mòn trầm trọng, rất khó để phát triển nông nghiệp song song với tạo ra giá trị kinh tế ổn định.
Ngoài đặc thù về chất lượng đất, khí hậu tại Việt Nam cũng có nhiều điểm bất lợi tại các tỉnh phía Bắc do yếu tố gió mùa thay đổi trong năm, khiến mùa vụ thường xuyên bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài ra, vì việc phát triển cây trồng bị tác động theo mùa vụ rõ rệt nên việc thu hoạch nông sản của bà con cũng gặp nhiều khó khăn.
Chuyến xe “Thức giấc với mùa vàng” kết nối bà con.
Tới những giải pháp canh tác hay để “đánh thức” những mùa vàng
Để vượt qua thách thức của tự nhiên, rất nhiều bà con nông dân giỏi đã có những sáng kiến canh tác, ứng dụng hiệu quả để “đánh thức” thành công những mùa vàng bền vững tại các khu vực còn nhiều khó khăn. Hàng loạt câu chuyện canh tác đã được chương trình “Thức giấc với mùa vàng” do Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau) phối hợp cùng VTV triển khai và phát sóng. Mỗi tập phát sóng là một mô hình canh tác thành công của nhà nông giỏi, cùng góp ý từ chuyên gia uy tín và sự theo dõi của hàng triệu bà con trên truyền hình.
Trong những số phát sóng của chuyến xe “Thức giấc với mùa vàng” tại khu vực đồi núi, trung du phía Bắc, Hợp tác xã Nông sản an toàn Yên Thủy (xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hoà Bình) là điểm dừng đặc biệt bởi nơi đây tập trung tỷ lệ cao đồng bào người Mường. Nhằm ứng phó với khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh và thiên tai, Hợp tác xã đã sử dụng công nghệ nhà màng cùng những kỹ thuật hiện tại gồm tưới nước - gieo hạt tự động, làm đất, thu hoạch đúng thời điểm. Nhờ chủ động áp dụng những giải pháp hay để nâng cao giá trị kinh tế, xã Hữu Lợi là một trong những điểm sáng của huyện Yên Thủy trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới.
NPK Cà Mau là dòng phân bón được nhiều bà con nông dân tin chọn.
Một điểm dừng ấn tượng khác của chuyến xe “Thức giấc với mùa vàng” tại khu vực miền Bắc là huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa phương có địa hình đồi núi đá vôi, độ pH trung tính nên rất khó để lựa chọn giống cây trồng chuyên canh phù hợp. Tuy nhiên, nhờ sự cần mẫn tìm kiếm giải pháp, người dân Chi Lăng đã phát hiện ra giống na thích hợp với thổ nhưỡng đặc thù tại đây. Nhờ vậy, na Chi Lăng có mùi vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Trước đây, na chín tập trung trong vòng 1 tháng nên tạo áp lực tiêu thụ rất lớn cho người nông dân. Nhờ sáng kiến tỉa cành, tỉa trái và canh tác rải vụ song song với sử dụng dây để định hình cành na và phương pháp chăm bón dinh dưỡng đúng kỹ thuật, thời gian thu hoạch na đã kéo dài hơn, nâng cao giá trị kinh tế và đem về nguồn thu thuận lợi.
Hàng loạt giải pháp canh tác hay của những bà con nông dân giỏi đang được phát sóng tại chương trình “Thức giấc với mùa vàng” định kỳ lúc 5h40 Chủ Nhật hàng tuần. Cùng với sự tham gia của các chuyên gia uy tín và sự theo dõi của đông đảo bà con cả nước, đây là chương trình bổ ích, góp phần cho nền nông nghiệp phát triển bền vững - thịnh vượng.
N.Duyên