Hãy là người đầu tiên thích bài này
Phân bón Cà Mau: Nuôi chí bền với sứ mệnh chữ “An”

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Phân bón Cà Mau) đã và đang khẳng định được vai trò trụ cột đối với nền nông nghiệp nước nhà, góp phần tích cực vào giữ vững an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị dầu khí

Trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nếu thăm dò khai thác là nền tảng thì ngành chế biến dầu khí là "đỉnh" của chuỗi giá trị dầu khí. Sản phẩm của ngành chế biến dầu khí như xăng dầu, hóa chất, nhựa, xơ sợi… được đánh giá là những mặt hàng thiết yếu có giá trị cao cho nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, công nghệ chế biến dầu khí đã góp phần sản xuất ra hàng triệu tấn phân đạm, ure chất lượng cao, bảo đảm hỗ trợ người nông dân có những vụ mùa vàng bội thu và bền vững.

Đặt tham vọng trở thành cường quốc về nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, với vai trò là một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng có đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung nhằm bình ổn an ninh lương thực toàn cầu trước các thách thức.

Phân bón Cà Mau cùng nhà nông kiến tạo nông nghiệp Việt bền vững hơn, thịnh vượng hơn

Thực hiện sứ mệnh tiên phong trong đảm bảo chữ An, Petrovietnam chính là cổ đông sáng lập và sở hữu 2 nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất nước ta hiện nay, gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC). Hai nhà máy sản xuất phân bón nói trên thuộc khâu cuối trong chuỗi giá trị dầu khí - chế biến dầu khí - một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Petrovietnam, mắt xích cuối cùng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò - khai thác - chế biến - phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí.

Trên thực tế, hằng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20-25% tổng doanh thu của toàn Petrovietnam. Một minh chứng rõ rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất an, đặc biệt, kể từ khi xảy ra xung đột quân sự Nga - Ukraine, giá khí (nguồn cung đầu vào của sản phẩm phân đạm) tăng cao đã dẫn đến khủng hoảng giá, nguồn cung phân bón trên thị trường và hệ lụy là khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhưng với sự phát triển ổn định và bền vững của lĩnh vực chế biến dầu khí nói chung và sản xuất phân bón dầu khí nói riêng, Petrovietnam vẫn duy trì được chữ An. Petrovietnam đã chỉ đạo các Công ty trong lĩnh vực phân bón ổn định nguồn cung, duy trì nguồn phân bón chất lượng cao, giá thành phù hợp với tinh thần hỗ trợ bà con nông dân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giúp đời sống hàng chục triệu nông dân Việt Nam ngày càng ấm no, thịnh vượng. Bằng những việc làm thiết thực, các Công ty phân bón đã thực sự trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của Petrovietnam.

Tròn vai với sứ mệnh an ninh lương thực

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011, nơi cực Nam của Tổ quốc, Nhà máy Đạm Cà Mau - mảnh ghép cuối cùng của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau công suất thiết kế 800.000 tấn/năm với sản phẩm urê hạt đục hiện đại. Đây là một dự án lớn, quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tạo sự chủ động cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng - vựa lúa lớn nhất của cả nước.

Đến nay, trải qua hơn 13 năm phát triển, PVCFC đã nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của thị trường. Ngoài urê hạt đục, thương hiệu Phân bón Cà Mau còn có N.Humate+TE và N46.Plus... và cả những sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao nổi tiếng như OM CAMAU.

Năm 2022, PVCFC đưa vào vận hành nhà máy sản xuất NPK với công suất thiết kế 300 nghìn tấn phân bón NPK/năm với giá cạnh tranh, góp phần ổn định trên thị trường phân bón. Đặc biệt, từ ngày 1/4/2024, PVCFC đã hoàn tất thương vụ M&A Nhà máy NPK thuộc sở hữu của Tập đoàn Taekwang-Huchems (nay là Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt do PVCFC nắm giữ 100% vốn điều lệ) nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế thị trường về dài hạn đối với các dòng sản phẩm phân bón chất lượng cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị cũng như tận dụng lợi thế kho bãi, logistics và gia tăng doanh thu cho Công ty.

Tính đến nay, tổng sản lượng sản xuất của PVCFC đạt hơn 10,76 triệu tấn đạm, nộp ngân sách Nhà nước đạt 2,15 nghìn tỉ đồng. Cùng với các đơn vị trong cụm, Phân bón Cà Mau đã góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động trong tỉnh Cà Mau và khu vực, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò công trình trọng điểm quốc gia, từ giai đoạn xây dựng đến khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, công tác an sinh xã hội (ASXH) tại tỉnh Cà Mau luôn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong cụm quan tâm, tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể như hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà chính sách; hỗ trợ đầu tư nâng cấp xây dựng trường học, trạm y tế; xây dựng cầu giao thông nông thôn; trao học bổng Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng...

Đáng nói, kể từ khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào vận hành thương mại (năm 2012) đến nay, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, PVCFC cũng đã tham gia và đóng góp tích cực cho các hoạt động ASXH. Ban Lãnh đạo PVCFC xác định, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là ý thức chia sẻ, quan tâm đến cộng đồng, đặc biệt nơi Nhà máy đứng chân. Riêng tại tỉnh Cà Mau, PVCFC đã hỗ trợ công tác ASXH cho tỉnh với tổng kinh phí gần 80 tỉ đồng; khoảng 500 tỉ đồng đối với cả nước.

Nhà máy Đạm Cà Mau

Sau 13 năm phát triển, Phân bón Cà Mau đã mạnh mẽ vươn lên như cây đước, cây tràm của vùng miền Tây Nam Bộ và đạt những thành tựu đáng tự hào, góp phần tích cực giữ vững an ninh nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cực Nam Tổ quốc nói riêng và cả nước nói chung.

Dù thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, áp lực gia tăng dân số và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến nền nông nghiệp và khả năng đảm bảo an ninh lương thực, trong đó có ĐBSCL, nhưng, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Petrovietnam, với nỗ lực không ngừng của Phân bón Cà Mau, sứ mệnh chữ An và mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp bền vững luôn được Petrovietnam nói chung, Phân bón Cà Mau nói riêng đồng lòng, bền chí nuôi dưỡng và thực hiện.

“Thông qua quản trị hiệu quả trên cơ sở thực hiện đồng bộ chuyển đổi số, quản trị biến động, quản trị danh mục đầu tư, quản trị chuỗi liên kết; Tập đoàn đã thực sự trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng (thăm dò khai thác, chế biến dầu - khí), an ninh lương thực (sản xuất, cung ứng phân bón phục vụ nông nghiệp), an ninh kinh tế (đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia) và cả cho an ninh quốc phòng (tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển).

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định

Hoàng Trang

Link gốc

Bình luận (2)

Gõ thiếu chữ w rồi
22:02
Rất chịu khó lên bài. Mà lên bài nhiều thì cp cắp đầu.
08:48

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long