Hãy là người đầu tiên thích bài này
PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích lý do nhiều ngân hàng, công ty bất động sản đóng góp ngân sách lớn và điều đáng lo của khu vực tư nhân hiện nay

 

Tại Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 diễn ra mới đây, một vài con số đáng chú ý về đóng góp của khu vực này gồm: gần 45% GDP, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước... Ông có nhận xét gì từ những con số này?

Để có thể đưa ra nhận định chính xác, chúng ta cần so sánh dữ liệu này trên hai khía cạnh: lịch đại và đồng đại, trong đó, so sánh lịch đại là đánh giá sự thay đổi của kinh tế tư nhân theo dòng thời gian. Nếu so với trước thời điểm đổi mới (1986), kinh tế tư nhân còn chưa được phép phát triển, kinh tế Nhà nước chiếm vị thế tuyệt đối thì giờ tư nhân trong nước đã có bước nhảy vọt.

Họ đóng góp tới 45% GDP, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, thể hiện chúng ta đã chuyển đổi sang phương thức sản xuất hoàn toàn khác, có sự hiện diện rất rõ ràng của khu vực tư nhân. Đặc biệt, việc tạo ra tới 85% việc làm cho thấy ảnh hưởng của họ tới công ăn việc làm và thu nhập của người dân Việt Nam.

Thế nhưng, ở góc độ so sánh đồng đại – so sánh khu vực tư nhân Việt Nam với các khu vực khác, như khu vực doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) hay doanh nghiệp nhà nước chẳng hạn thì lại thấy một số điểm khác. Khu vực doanh nghiệp FDI cũng được xem là khu vực tư nhân, nhưng họ đóng góp tới 22-25% GDP.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ đóng góp khoảng 10% GDP – một tương quan khá dị thường, nếu đặt trong quá trình phát triển kinh tế thị trường kéo dài, ít nhất cũng đã gần 40 năm, nếu chỉ tính từ khi nước ta bắt đầu đổi mới. Con số 10% cũng là quá nhỏ nếu đặt nó bên cạnh con số thể hiện tỷ trọng GDP của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân: hơn 40%.

Một nền kinh tế thị trường mà bộ phận tư nhân cá thể, thực lực vốn nhỏ, yếu, kém phát triển, lại sản xuất phần lớn nhất của GDP (khoảng 35%), trong khi bộ phận doanh nghiệp tư nhân bản địa chỉ sản xuất 10% GDP thì quả thật là rất có "vấn đề", thật sự đáng lo ngại.

Từ những con số này, có thể thấy dù khu vực tư nhân trong nước nói chung, lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt nói riêng, đã thay đổi lớn kể từ khi đổi mới, nhưng vẫn chưa thực sự đến tầm, chưa tạo động lực phát triển mạnh mẽ xứng tầm cho nền kinh tế quốc gia.

Phân tích thêm nữa, có thể thấy việc tạo ra khối lượng việc làm lớn vượt trội (85%) so với tỷ trọng đóng góp GDP đồng nghĩa với tình trạng thâm dụng lao động quá lớn (sử dụng nhiều lao động chất lượng thấp), yếu về vốn và kém về công nghệ của khu vực kinh tế tư nhân "quốc tịch Việt".

Thực trạng đó cộng với xu thế sự phát triển mấy năm gần đây bị chậm lại, gặp nhiều khó khăn – có thể nói là ít thấy kể từ khi đổi mới - của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đang đưa một tín hiệu cảnh báo đáng lo ngại.

Nhìn sang Hàn Quốc, sau 30 năm phát triển theo đường lối thị trường – mở cửa, "hướng vào xuất khẩu" kể từ đầu thập niên 1970, khu vực doanh nghiệp tư nhân Hàn đã đóng góp gần 70-80% GDP, với nhiều doanh nghiệp đầu đàn, có vị thế quốc tế, giúp tạo dựng một chân dung kinh tế quốc gia hoàn toàn mới. Đây là một mô hình rất đáng để học hỏi.

Trong danh sách 100 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam năm 2024 được CafeF thống kê, nhóm doanh nghiệp tài chính - bất động sản vẫn chiếm phần lớn, bên cạnh đó là số ít hơn doanh nghiệp sản xuất (thép, ô tô…). Ông thấy gì từ điều này?

Trước tiên, cần thấy rằng, thông thường những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất cũng là những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất. Mức đóng góp ngân sách là chỉ số phản ánh trách nhiệm xã hội của họ với đất nước.

Việc trong danh sách Top 100 Private có nhiều doanh nghiệp tài chính, bất động sản, bên cạnh một số ít doanh nghiệp ô tô, hàng tiêu dùng… phản ánh xu thế phát triển ngành và cơ hội thực tế của các lĩnh vực trong nền kinh tế.

Với nhóm doanh nghiệp bất động sản – tài chính chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách xếp hạng quy mô và đóng góp, dễ nhận thấy xu hướng đầu cơ trội bật trong nền kinh tế đang chuyển sang thị trường của Việt Nam. Tôi cho rằng đây là xu thế không thể coi là bình thường, nhất là đối với nền kinh tế đi sau, mở cửa – hội nhập mạnh và có khát vọng "tiến kịp" thế giới – thời đại.

Xu thế đó chứng tỏ hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân trong nước Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng hướng và đúng tầm. Chỉ một số ít làm công nghiệp chế biến, chế tạo, trong khi các tập đoàn công nghệ, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đúng nghĩa là của hiếm.

Theo ông, điểm sáng ở danh sách Top 100 Private với nhiều doanh nghiệp tài chính – bất động sản là gì?

Thực tế nhiều doanh nghiệp bất động sản, tài chính có quy mô lớn, đóng góp lớn cho ngân sách, như tôi nói ở trên, phản ánh xu thế và cơ hội phát triển ngành. Nhưng từ góc độ doanh nhân, nó cũng phản ánh tầm nhìn, năng lực chớp thời cơ và độ nhạy bén kinh doanh của các doanh nghiệp Việt hoạt động ở những lĩnh vực này. Chính năng lực "tìm đúng chỗ, chọn đúng người, làm đúng việc" đã giúp họ lớn nhanh, tạo thế và lực tốt.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn, từ nền tảng bất động sản, nhờ tích lũy được vốn lớn, đã chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác, có giá trị khai mở ngành, tiên phong công nghệ, có tác động rất tích cực. Có thể nêu nhiều ví dụ điển hình phát triển theo hướng này, như Vingroup, Intracom Group, TNT hay Masan Group...

Ở đây, cũng phải nhìn nhận rõ rằng, bất động sản là một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế. Nếu thị trường này đóng băng hoặc gặp khó khăn lớn thì rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ rất cao. Vì thế, việc giúp họ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phù hợp cho họ phát triển lành mạnh là cần thiết. Còn việc làm sao để giảm bớt yếu tố đầu cơ trong lĩnh vực này, giúp thị trường cân bằng về mặt dài hạn lại là một việc lớn khác, Nhà nước phải có cơ chế điều tiết khác.

Vậy còn những nhân tố khác trong Top 100 Private?

Trong danh sách có những tập đoàn lớn, mạnh mà hoàn toàn không bắt nguồn bất động sản như Tập đoàn Hòa Phát, FPT. Họ luôn kiên định với lĩnh vực lõi của mình (FPT với ngành công nghệ thông tin – hiện nay mở biên sang chip bán dẫn - và Tập đoàn Hòa Phát là thép) mà không rẽ ngang sang các lĩnh vực khác và vẫn phát triển rất tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếc và nghĩ rằng: giá như chúng ta, hàm ý Nhà nước, có thể hỗ trợ cho những công ty tư nhân như vậy mạnh hơn thì họ có thể lớn hơn rất nhiều.

Và những Tập đoàn lớn như Masan Group, Thaco - hoạt động ở nhiều mảng sản xuất khác nhau, đã tạo ra những thương hiệu trong nước có khả năng cạnh tranh quốc tế, với nỗ lực vươn lên đẳng cấp cao nhất trên thị trường.

Nhân nói về cơ hội, thời gian gần đây, Việt Nam được chú ý vì tiềm năng thu hút FDI trong những ngành có tính chất công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu, bán dẫn… hay các lĩnh vực chuyển đổi xanh như xe điện, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh. Doanh nghiệp tư nhân có khả năng đóng vai trò như thế nào trong những làn sóng này?

Người Việt Nam có năng lực thích nghi, và khả năng nhanh nhạy rất cao. Doanh nhân Việt Nam lại càng là biểu tượng của điều này. Điều đấy thể hiện rất rõ khi Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá chuyển sang kinh tế thị trường, một thế hệ các doanh nhân nhạy bén người Việt đã bùng lên nhờ sự chuyển đổi này.

Và 5 năm trở lại đây, khi Việt Nam chuyển sang kinh tế tri thức và bắt nhịp với làn sóng đổi mới sáng tạo thì các doanh nhân của chúng ta cũng bắt nhịp vô cùng nhanh. Nhưng thực lực không chỉ bao gồm mỗi sự nhanh nhạy, nhìn ra thời cơ, mà còn phải có năng lực hiện thực hóa các cơ hội đó thì chúng ta lại yếu.

Trong làn sóng chuyển dịch này, doanh nghiệp tư nhân nên có vai trò dẫn dắt, song những điều kiện để định hình vai trò này lại chưa thật sự rõ ràng.

Trước đây, hình mẫu được coi là kinh điển là game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, chỉ là một cá nhân nhưng bắt nhịp được với làn sóng cực lớn của game mobile toàn cầu và đạt được thành công rất lớn. Nhưng thời gian cho sự phát triển cực thịnh của Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird không được kéo dài, có lẽ một phần do cách thức ứng xử của cấu trúc xã hội chúng ta lúc đó chưa hỗ trợ cho cậu ấy.

Còn ở mô hình công ty lớn, tầm cao, chuyển đổi nhanh, vững có FPT, VNG (2 doanh nghiệp công nghệ tiên phong cũng nằm trong Top 100 Private). Nếu như thể chế, môi trường kinh doanh chung hỗ trợ tốt hơn thì Việt Nam sẽ có nhiều hơn những doanh nghiêp tầm cỡ như vậy vươn ra thế giới.

Gần đây, một mô hình khác là ô tô điện VinFast, cho thấy người Việt Nam có khát vọng lớn, có thể tham gia vào làn sóng lớn của toàn cầu, và cũng có thể thành công. Đây là chưa kể nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khác liên quan đến công nghệ thông tin, kinh tế số…

Điều này hàm ý rằng, nếu chúng ta tạo ra đủ sự kích thích, cơ chế hỗ trợ kiểu tạo không gian về mặt chính sách tốt hơn nữa thì với khu vực tư nhân sẽ phát triển hơn rất nhiều. Chúng ta tạo cơ hội khá tốt về mặt nguyên tắc nhưng lại chưa tốt trong việc chuẩn bị năng lực để hiện thực hoá cơ hội, đặc biệt là những điều kiện về thể chế.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, một số doanh nghiệp tư nhân đang làm rất tốt nhưng quy mô cũng như sự tham gia của họ vào những dự án lớn nhất chưa thể so sánh với các khu vực kinh tế khác như Nhà nước hay FDI. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Đúng là gần đây có một số doanh nghiệp tư nhân còn làm tốt hơn doanh nghiệp Nhà nước trong một số dự án về cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như Sơn Hải hay Đèo Cả. Có ai xuất sắc hơn Sơn Hải về chất lượng làm đường, ai xuất sắc hơn Đèo Cả về đào hầm?

Đây là những ví dụ cực kỳ điển hình chứng minh rằng nếu như chúng ta hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân bằng cách tạo điều kiện để họ tham chiến, tham gia vào các dự án quan trọng, thì những doanh nghiệp này sẽ cho thấy những kết quả vô cùng xuất sắc.

Ông từng nhận định rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất giỏi nhưng không lớn được, "tuổi thọ" rất thấp. Vậy nút thắt đang cản trở sự phát triển của họ là gì, thưa ông?

Câu chuyện vẫn nằm ở thể chế thôi! Đầu tiên là nguyên nhân tự thân: chúng ta đang thiếu động lực cạnh tranh thị trường cho khu vực tư nhân. Chúng ta có thị trường nhưng vẫn nặng cơ chế "xin – cho". Doanh nghiệp tư nhân vẫn phải bám theo Nhà nước nhiều.

Lấy thị trường đất đai làm ví dụ, nếu vẫn là xin cho, tranh chấp không có lối ra, thì sẽ rất khó giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản. Tương tự với thị trường tài chính tiền tệ. Doanh nghiệp tư nhân vốn đã nhỏ, yếu, lại đang khó khăn mà mặt bằng lãi suất cứ cao như hiện nay thì làm sao họ có thể cạnh tranh và vươn lên được.

Thứ hai, không ít quy định hiện hành đang chưa khuyến khích, thậm chí làm giảm động lực phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ như các ưu tiên, ưu đãi vẫn dành phần nhiều cho thành phần kinh tế Nhà nước. Đây là chưa kể xu hướng hình sự hoá các quan hệ dân sự cũng là yếu tố làm giảm động lực của khối tư nhân.

Chúng ta thường nói Nhà nước có vai trò như bà đỡ cho một hệ thông kinh tế mới ra đời nhưng tình trạng phân biệt đối xử với khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn còn. Đảng và Nhà nước cũng nhìn ra được vấn đề này và nhiều lần đề cập, nhận định nhưng tháo gỡ được vấn đề này quả thật rất khó. Cho đến giờ, vấn đề này đã có những bước tiến nhưng chưa đủ.

Cuối cùng, những điều kiện căn bản cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân còn yếu. Ví dụ như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Với mặt bằng như vậy, khu vực tư nhân muốn thành lập và phát triển những doanh nghiệp bậc cao cũng vô cùng khó.

Tất nhiên, cũng phải nói rằng vì chúng ta mở cửa mạnh mẽ và đi sau so với thế giới nên phải đương đầu với hội nhập, cạnh tranh quốc tế quá khốc liệt. Khi so sánh tương quan giữa khu vực tư nhân Việt Nam và khu vực FDI, mặc dù cơ hội đều như nhau nhưng chúng ta không tận dụng tốt bằng họ vì nền tảng thấp, lại chưa biết cách bồi dưỡng thực lực để nắm bắt thời cơ.

Vậy chúng ta nên làm gì để gỡ những nút thắt đó, giúp doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước?

Tôi nghĩ là Đảng và Chính phủ đã đưa ra định hướng giải quyết giải quyết khá rõ ràng, nhưng khi biến nó thành thể chế, cơ chế để thực thi thì không dễ. Lý do là các chính sách chồng chéo, xung đột, rối rắm kinh khủng: gỡ được cái này thì vướng cái kia. Cũng vì thế, theo tôi, cách để tháo gỡ chính sách như hiện nay có lẽ là không ổn. Chậm lắm!

Có lẽ chúng ta phải bỏ đi từng khối cơ chế chính sách cũ để thay bằng khối cơ chế chính sách mới, chứ không sửa từng cái một được. Tất nhiên, đây cũng không phải là câu hỏi mà chúng ta có thể trả lời được ngay, mà cần có nhiều người, nhiều cơ quan cùng chung tay làm.

Bên cạnh đó, phải nhớ rằng chúng ta đang đặt ra một nhiệm vụ lớn cho khu vực tư nhân nhưng không chỉ là tháo gỡ cho cái cũ mà còn phải đương đầu với những thách thức mới như kinh tế số, kinh tế xanh, đô thị thông minh, AI…. Đây là những vấn đề đang đến rất nhanh, cần có cơ chế chính sách mới chứ không thể dùng cái cũ được.

Những cơ chế chính sách mới cho lực lượng sản xuất mới sẽ dần trở thành nhân tố chủ đạo trong thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cũng vì thế, các lãnh đạo Đảng và Chính phủ của chúng ta cũng đang có cách tiếp cận mới: lực lượng sản xuất mới gắn với thời đại mới thì cần có cơ chế chính sách mới chứ không phải điều chỉnh từ cái cũ.

Nếu chỉ tập trung vào việc tháo gỡ cãi cũ thôi, chúng ta thậm chí có thể bị văng ra khỏi quỹ đạo của sự phát triển hiện đại mà chúng ta đang hướng tới.

PRIVATE 100 – Top Doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam là danh sách được CafeF thu thập từ những nguồn công khai hoặc các số liệu có thể xác thực, phản ánh toàn bộ số thực nộp ngân sách của doanh nghiệp, bao gồm các khoản thuế, phí, các khoản phải nộp. Các doanh nghiệp có số nộp ngân sách trong năm tài chính gần nhất từ 100 tỷ đồng trở lên đều có thể được tham gia vào danh sách. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong danh sách năm 2024, thể hiện số thực nộp của năm tài chính 2023, có thể kể đến như ACB; DOJI; HDBank; LPBank; Masan Group; MoMo; OCB; PNJ; SHB; SSI; Techcombank; TPBank; Tập đoàn Hòa Phát; Tân Á Đại Thành; Vingroup, VNG; VPBank; VIB, Vietbank, VPS…(xếp theo thứ tự bảng chữ cái)

Bài:Quỳnh Anh - Hoàng Ly
Ảnh:Việt Hùng

Thiết kế:Hương Xuân

Link gốc

Bình luận (4)

DNTN nhỏ lẻ bị chèn ép với lại phí bôi trơn lớn nên khó có thể phát triển lành mạnh được, tỷ lệ chết yểu cao, ko sẽ bị tập đoàn lớn thâu tóm…
13:58
 2
Toàn bds chứ làm gì có mấy doanh nghiệp ra hồn ra người
15:51
Trần thì nói chuyện
19:11

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long