Hãy là người đầu tiên thích bài này
PGI: Cổ phiếu giảm mạnh, điều gì đang diễn ra ở Bảo hiểm PJICO?

Cổ phiếu PGI giảm gần 6% trong bối cảnh nhóm bảo hiểm phiên 6/5 diễn biến tích cực khi toàn ngành tăng 1,77%, với nhiều mã tăng tốt như BVH, PVI

Cổ phiếu PGI của PJICO bất ngờ giảm điểm mạnh trong phiên 6/5 với thanh khoản tăng đột biến. Ảnh: Internet.

Ngày giao dịch 6/5 đã chứng kiến phiên thứ hai tăng điểm liên tiếp của VN-Index, chỉ số chính của sàn HoSE tăng 0,15% leo lên 1.241,95 điểm. Trước đó, VN-Index phiên 5/5 cũng tăng 1,12%. Dù tâm lý thị trường vẫn thận trọng, song nhìn chung lực mua trên HoSE có phần nhỉnh hơn với 166 mã tăng và 148 cổ phiếu giảm điểm.

Dù vậy, cổ phiếu PGI của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) gây chú ý khi chốt phiên giảm 5,9% xuống 21.650 đồng/CP, thậm chí có thời điểm PGI trong phiên chạm mức giá giảm hết biên độ (21.400 đồng/CP). Thanh khoản PGI cũng tăng đột biến lên đến 72.300 cổ phiếu, con số cao nhất trong 52 tuần trở lại đây.

Cổ phiếu PGI giảm trong bối cảnh nhóm bảo hiểm phiên 6/5 diễn biến tích cực khi toàn ngành tăng 1,77%, chỉ xếp thứ hai thị trường sau nhóm viễn thông (2,54%). Nhiều mã bảo hiểm giao dịch tích cực như BVH (3%), BIC (1,9%), PVI (1,8%), MIG (1,5%)…

PJICO kinh doanh ra sao?

Được thành lập vào giữa năm 1995, PJICO là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên hoạt động theo mô hình CTCP với vốn điều lệ ban đầu là 53 tỷ đồng và 5 chi nhánh trực thuộc.

Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, công ty tại cuối năm 2024 ghi nhận có 63 đơn vị trực thuộc hạch toán và gần 1.600 nhân viên. Vốn điều lệ công ty tại ngày 31/12/2024 đạt gần 1.247 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (40,95%), Samsung Fire and Marine Insurance Company Ltd (20%), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (8,09%).

PJICO đến cuối năm 2024 chiếm 5,5% quy mô doanh thu bảo hiểm gốc và xếp thứ 6 toàn thị trường.

Các lĩnh vực kinh doanh chính của PJICO gồm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ/tài sản hỗn hợp, bảo hiểm hàng không, và bảo hiểm dự án kỹ thuật. Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới được PJICO coi là nghiệp vụ xương sống và có độ phủ 100% các đơn vị thành viên.

Doanh thu thuần phí bảo hiểm của PJICO trong quý I/2025 đạt hơn 1.167 tỷ đồng, tăng gần 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc bảo hiểm xe cơ giới đạt 409,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 36,5% cơ cấu doanh thu. Trước đó, mảng này trong năm 2024 có tỷ trọng là 37,3%.

Bên cạnh đó, mảng BH sức khỏe và tai nạn 227,2 tỷ đồng (chiếm 20,29%), BH tài sản và thiệt hại 123,6 tỷ đồng (chiếm 11,04%), BH cháy nổ 139,3 tỷ đồng (chiếm 12,44%)…

Việc không có mảng doanh thu nào chiếm tỷ trọng quá lớn là định hướng phát triển an toàn của PJICO trong nhiều năm. Chia sẻ tại AGM năm 2025, ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị PJICO nhấn mạnh quan điểm của HĐQT không bỏ sót lĩnh vực nào trong kinh doanh bảo hiểm, nhưng phải đánh giá rủi ro để có được chất lượng doanh thu tốt nhất, đem lại nhiều giá trị cho cổ đông.

Với việc phí nhượng tái bảo hiểm 386,7 tỷ đồng, tăng hơn 15%, và hoa hồng chuyển nhượng tái bảo hiểm và doanh thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm 113,9 tỷ đồng (tăng gần 4,5%), doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm công ty đạt 894,3 tỷ đồng, gần như đi ngang so với quý I/2024.

Trừ đi các chi phí, lãi trước thuế PJICO còn 89,2 tỷ đồng, tăng hơn 5,4% và hoàn thành gần 30% kế hoạch lợi nhuận năm được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản PJICO tại ngày 31/3/2025 đạt gần 8.490 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,77% so với số đầu năm. Trong đó, gần một nửa cơ cấu tài sản là đầu tư ngắn hạn 4.140 tỷ đồng (chiếm chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn 4.088 tỷ đồng).

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả (6.622 tỷ đồng) cao gấp 3,5 lần so với vốn chủ sở hữu, chiếm hơn 70% nợ PJICO là dự phòng nghiệp vụ 4.640 tỷ đồng gồm: Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (2.320 tỷ đồng), dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (1.913 tỷ đồng), dự phòng dao động lớn (406,8 tỷ đồng).

Tổng Giám đốc PJICO là ai?

Tổng giám đốc PJICO hiện nay là bà Nguyễn Thị Hương Giang, người đã có gần 28 năm gắn bó với doanh nghiệp và 3 năm đảm nhiệm vai trò điều hành cao nhất tại công ty bảo hiểm này.

Sinh năm 1975 tại Hải Dương, bà Giang có bằng cử nhân Nga văn, Anh văn tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thạc sỹ Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm tại Đại học Nantes, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh rút gọn tại Đại học Andrews.

Bà Giang gia nhập PJICO từ tháng 7/1997 với vị trí Chuyên viên phòng Bảo hiểm tài sản kỹ thuật, sau đó từng bước đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như: Phó Trưởng phòng Tái bảo hiểm, Trưởng phòng Bảo hiểm tài sản kỹ thuật, rồi Phó Tổng giám đốc.

Tháng 3/2022, bà Nguyễn Thị Hương Giang được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Pjico, kế nhiệm ông Đào Nam Hải - người sau đó trở thành Tổng giám đốc Petrolimex. Đến tháng 4/2022, bà Giang tiếp tục được giao trọng trách thành viên HĐQT tại công ty bảo hiểm này.

Ngoài vai trò tại Pjico, từ tháng 5/2022 đến nay, bà Nguyễn Thị Hương Giang còn là Thành viên HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR).

Link gốc

Bình luận (1)

Cơ quan công an đã phong toả ! Điều gì xảy ra ???
07:00

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long