Mới đây, CTCP Tập đoàn PAN (HSX: PAN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm 2024. Theo đó, kết quả kinh doanh quý III của Tập đoàn tăng trưởng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Mảng thủy sản đóng góp 60% doanh thu quý III của Tập đoàn PAN (Ảnh minh họa).
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Trong quý III/2024, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 5.083 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế, sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ tăng trưởng mạnh lần lượt là 66%, 78% và 89% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho cổ đông Công ty mẹ lần lượt đạt tương ứng 11.917 tỷ đồng và 363 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 32% về doanh số và 80,6% về lợi nhuận.
Về cơ cấu doanh thu quý III theo từng lĩnh vực kinh doanh, thủy sản đóng góp 59%, nông nghiệp đóng góp 28% và thực phẩm đóng gói đóng góp 13% vào doanh thu hợp nhất quý.
Doanh thu lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững với mức tăng 20% khi mảng nông dược tăng 19%, mảng giống và lương thực tăng 17%, cộng với việc hợp nhất thêm doanh thu của Công ty Atani (công ty con mới của PAN Farm).
Lợi nhuận trước thuế lĩnh vực này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 263 tỷ đồng, với đóng góp của mảng giống cây trồng và gạo 39 tỷ đồng (+24,5% yoy) và mảng nông dược, khử trùng 205 tỷ đồng (+146% yoy).
Mảng giống đã và đang khai thác hiệu quả các sản phẩm bản quyền mới với biên lợi nhuận tốt và tạo điều kiện gia tăng thị phần. Mảng nông dược và khử trùng tiếp tục có tăng trưởng cao ấn tượng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi khi lợi nhuận sau thuế quý III, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Ngoài ra, VFC còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ việc giải quyết xong tranh chấp về hợp đồng liên doanh tại Công ty TNHH Hải Yến (theo quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đã công bố thông tin ngày 29/8/2024).
Thủy sản là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng doanh thu khi tăng 56% so với cùng kỳ, thể hiện sự hồi phục trong đơn hàng xuất khẩu của mảng tôm và cá tra trong quý III. Mức tăng trưởng này tới nhiều hơn từ sản lượng trong khi giá bán cải thiện chậm hơn.
Lợi nhuận lĩnh vực thủy sản quý III tăng trưởng ở mức 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá bán phục hồi chậm, thêm vào đó các đơn hàng xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ phải đóng thuế dự phòng cho 2 vụ kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá đang trong quá trình xem xét, điều tra. Tuy vậy, việc đơn hàng và sản lượng trở lại là tín hiệu tích cực bước đầu cho sự phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Doanh thu lĩnh vực thực phẩm đóng gói tăng trưởng hơn 12%, tương đồng với mức tăng trưởng tại các mảng kinh doanh chủ yếu: bánh kẹo (+12%); hạt và snacks (+13%) trong khi mảng nước mắm tăng trưởng nhẹ 1 con số. Mảng cà phê đạt doanh số gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ so với mặt bằng chung.
Lợi nhuận trước thuế lĩnh vực này tăng 48% so với cùng kỳ, đạt 65 tỷ đồng, trong đó bánh kẹo tăng trưởng 31%, cao hơn so với mức tăng doanh thu 12%, là kết quả của việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm, tập trung kinh doanh các sản phẩm bánh tươi, kẹo dẻo có biên lợi nhuận tốt, cũng như quản trị tốt giá nguyên liệu đầu vào.
Trong khi đó, mảng hạt và trái cây sấy đạt 17 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III (tăng 146% yoy) khi tận dụng được lợi thế hàng tồn kho giá thấp tích trữ từ trước để sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả tốt hơn về lợi nhuận.
Xét đến lợi nhuận sau thuế cho cổ đông Công ty mẹ, quý III/2024, PAN đạt 187 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ. Ngoài đóng góp nêu trên từ các mảng kinh doanh thì hoạt động tài chính tại Tập đoàn cũng có đóng góp tốt vào tăng trưởng lợi nhuận cho cổ đông Công ty mẹ.
Lợi nhuận mảng hạt và trái cây sấy tăng 146% nhờ tồn kho giá thấp (Ảnh minh họa).
Tiến rất gần kế hoạch năm
Tăng trưởng cao liên tục từ hoạt động kinh doanh cốt lõi được duy trì từ quý I tới quý III, cộng thêm lợi nhuận từ việc hoàn tất ghi nhận khoản đầu tư vào công ty liên kết tại VFC đã mang lại kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cao nhất từ trước tới nay của Tập đoàn. Nếu không tính khoản lợi nhuận ghi nhận thêm tại VFC, thì lợi nhuận 9 tháng đầu năm của Tập đoàn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với mức tăng trưởng trên 70%.
Với kết quả này, sau 9 tháng, Tập đoàn đã hoàn thành 81% kế hoạch cả doanh thu và lợi nhuận thuần cho cổ đông Công ty mẹ. Với quý IV là quý kinh doanh cao điểm nhất hàng năm ở tất cả các mảng chính, PAN kỳ vọng sẽ duy trì được tăng trưởng cao trong kết quả kinh doanh năm 2024.
Với những kết quả ấn tượng này, PAN Group đang hướng tới tương lai với nhiều kế hoạch đầu tư và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Tập đoàn đã thể hiện cam kết của mình đối với việc phát triển bền vững thông qua việc đầu tư vào công nghệ mới và cải thiện quy trình sản xuất.
Sự phát triển mạnh mẽ của PAN Group không chỉ đóng góp tích cực vào nền kinh tế mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tập đoàn cũng đang tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường và gia tăng giá trị cho cổ đông.
Kết quả kinh doanh quý III của PAN Group phản ánh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Tập đoàn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Với chiến lược phát triển rõ ràng và khả năng thích ứng tốt với biến động thị trường, PAN Group hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những thành công ấn tượng trong thời gian tới.
Bình luận (4)