Chứng khoán Tiên Phong muốn chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, qua đó huy động hơn 2.000 tỷ đồng bổ sung cho hoạt động kinh doanh.
Chứng khoán Tiên Phong thuộc hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).
Công bố thông tin trên HoSE, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã chứng khoán ORS) cho biết ngày 23/12/2024, HĐQT công ty đã thông qua việc triển khai thực hiện đợt phát hành quyền mua để tăng vốn điều lệ của công ty.
Cụ thể, HĐQT TPS thông qua việc không triển khai thực hiện đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty trong năm 2024.
Thứ hai, HĐQT TPS thông qua việc triển khai thực hiện đợt phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của công ty.
Tổng số cổ phiếu công ty đã phát hành và đang lưu hành là gần 336 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ gần 3.360 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền của đợt phát hành quyền mua là 2:1,2, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua 1,2 cổ phiếu mới.
Như vậy, số cổ phiếu dự kiến phát hành thêm tối đa là gần 201,6 triệu đơn vị; qua đó TPS sẽ nâng vốn lên gần 5.376 tỷ đồng.
Đợt phát hành quyền mua dự kiến thực hiện từ quý 1/2025 cho đến hết quý 3/2025, sau khi có thông báo của UBCKNN về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành. Số cổ phiếu được phát hành thêm do cổ đông/nhà đầu tư thực hiện quyền mua sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Với giá phát hành 10.000 đồng/cp, TPS dự kiến thu tối đa gần 2.016 tỷ đồng từ đợt phát hành, dùng để bổ sung cho các hoạt động kinh doanh.
Trên thị trường, cổ phiếu ORS đang giao dịch ở vùng giá 14.350 đồng/cp, cao hơn 44% so với mức giá TPS dự kiến chào bán cho cổ đông.
Chứng khoán Tiên Phong tiền thân là CTCP Chứng khoán Phương Đông, chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 4/2019. Từ sau đó, kết quả kinh doanh của công ty bắt đầu có sự cải thiện tích cực.
Năm 2023, công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục 229 tỷ đồng, so với năm 2018 âm 11 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2024, công ty đạt gần 1.580 tỷ đồng từ doanh thu hoạt động, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ chi phí được tiết giảm nên lợi nhuận của TPS vẫn tăng 81%, đạt 308 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của TPS tính đến cuối quý 3/2024 đạt 11.400 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.269 tỷ đồng, dư nợ cho vay 2.336 tỷ đồng. Ngược lại, nợ phải trả cũng tăng 72% so với đầu năm, lên mức 7.551 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ tài chính với trái phiếu phát hành dài hạn 3.000 tỷ đồng.
Bình luận (31)