Hãy là người đầu tiên thích bài này
Những mỏ cát đầu tiên ở Đồng Tháp, An Giang phục vụ cao tốc hiện ra sao?

Theo cơ chế đặc thù, nhiều mỏ cát được Đồng Tháp và An Giang lần lượt giao cho nhà thầu thi công cao tốc trục dọc và trục ngang miền Tây trực tiếp khai thác.

Mỏ cát ở Đồng Tháp xin dừng khai thác

Mỏ cát đầu tiên được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành. 

Mỏ cát này có diện tích 20,04ha, tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 547.798m3.

Bảy mỏ cát ở Đồng Tháp đến nay có hai mỏ xin dừng khai thác.

Công suất khai thác là 547.798m3/năm. Thời gian hoạt động là 18 tháng, trong đó thời gian khai thác là một năm và thời gian cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ là 6 tháng.

Mỏ cát bắt đầu khai thác ngày 13/10/2023 và tạm dừng khai thác từ trước tết Nguyên đán đến nay. Nguyên nhân là do nhà thầu thực hiện việc khai thác quá nhanh.

Theo tính toán, từ ngày bàn giao cho tới ngày tạm dừng mới chỉ bốn tháng, nhưng phía Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP đã khai thác 65% trữ lượng được phép khai thác tại mỏ cát này.

Ông Vũ Văn Bình, Trưởng phòng Khai thác, Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp - đơn vị phối hợp với nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết, mỏ cát được nhà thầu xin dừng khai thác.

"Công ty cũng đã đưa phương tiện và số công nhân làm việc tại mỏ cát này về vì nhà thầu đã ngưng khai thác và xin đóng cửa mỏ. 

Tuy nhiên, việc đóng cửa mỏ phải hết thời hạn theo quy định mới thực hiện được", ông Bình cho biết thêm.

Như vậy, trong số 7 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thì đến nay đã có hai mỏ xin dừng khai thác. 

Ngoài mỏ cát nói trên còn một mỏ thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò được giao cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn.

Các mỏ còn lại vẫn đang hoạt động bình thường. Riêng mỏ cát do Công ty TNHH Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh trực tiếp khai thác thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, diện tích gần 37ha đã khắc phục xong sự cố sạt lở nhưng vẫn chưa được khai thác trở lại.

An Giang cần cấp thêm mỏ cát cho nhà thầu

Trong khi đó, nhằm đảm bảo cho việc thi công hai tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang ở miền Tây, tỉnh An Giang đã cấp 10 mỏ cát cho các nhà thầu, với tổng trữ lượng 15,2 triệu m3.

Mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân là những mỏ cát đầu tiên được tỉnh An Giang cấp cho Công ty CP Hải Đăng trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

 

Ông Huỳnh Bảo Châu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Hải Đăng cho biết, mỏ cát này có diện tích 51,67ha, trong đó, khu I có diện tích 35,16ha và khu II có diện tích 16,51ha được nhà thầu bắt đầu khai thác ngày 6/4/2024.

"Đến nay, nhà thầu đã khai thác được 150.000m3 cát. Tất cả đều được đưa về phục vụ thi công gói thầu cao tốc trục dọc miền Tây do Công ty CP Hải Đăng phụ trách", ông Châu cho biết thêm.

Cũng theo ông Châu, mỏ cát được tỉnh An Giang bàn giao khai thác phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có khối lượng được phép khai thác là 1.113.774m3.

Công suất khai thác là 891.019m3/năm. Trong đó, năm thứ nhất (12 tháng) với công suất là 891.019m3/năm và năm thứ hai (3 tháng) với công suất là 222.755m3/năm.

Như vậy, với mỏ cát này, trữ lượng khai thác được nhà thầu thực hiện từ 2.000-3.000m3 cát/ngày. 

Theo đánh giá, tuy có lẫn chút tạp chất, nhưng sau khi được nhà thầu xử lý, chất lượng cát vẫn cơ bản đảm bảo cho việc thi công cao tốc.

"Số lượng được phép khai thác mỗi ngày tại mỏ cát này kết hợp với mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao sắp được nâng công suất thì vẫn đủ để nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau", ông Châu thông tin.

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng được tỉnh An Giang cấp mỏ cát đầu tiên thuộc thị trấn Cái Dầu, xã Bình Long, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân.

Mỏ cát này có diện tích khu vực khai thác là 22,489ha, tổng khối lượng được phép khai thác là 1.228.775m3. Công suất được phép khai thác là 702.157 m3/năm. Trong đó, năm thứ nhất là 702.157m3 và năm thứ hai là 526.618m3.

Thiếu tá Nguyễn Phan Minh, Phó giám đốc điều hành mỏ cát, Ban Điều hành Trường Sơn 10, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, mỏ cát bắt đầu khai thác ngày 12/4 đến nay, nhà thầu khai thác được 180.000m3.

Gói thầu thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công có tổng chiều dài 19,5km, cần 2,5 triệu m3 cát đắp nền.

Với mỏ cát được tỉnh An Giang cấp cho nhà thầu có số lượng khai thác mỗi ngày khoảng 3.700m3 cát/ngày. Số lượng này chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu thi công hiện tại trên công trường.

"Gói thầu thi công cao tốc trục ngang miền Tây do nhà thầu phụ trách thi công cần 6.000m3 cát/ngày. 

Với số lượng hiện có, việc thi công của nhà thầu cũng chưa được thuận lợi", thiếu tá Minh chia sẻ.

Cũng theo thiếu tá Minh, theo kế hoạch thi công, đến tháng 5/2025, gói thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện phải hoàn thành việc gia tải mới đảm bảo tiến độ theo quy định.

"Nếu như mỏ cát hiện đang khai thác không được nâng công suất, nhà thầu cần thêm khoảng hai mỏ cát nữa, với tổng trữ lượng 800.000m3 cát mới đảm bảo cho việc thi công gói thầu cao tốc trục dọc miền Tây", thiếu tá Minh thông tin.

LINK GỐC

Bình luận (2)

Ctrinh ko có tiền, đứng xựng hết. Đợi vài hôm coi sao. T buôn bán vlxd nên biết!
14:44
 1
thảm rồi
19:46

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long