Với lĩnh vực chính là kinh doanh than, quặng sắt, các khoản phải thu (chủ yếu là ngắn hạn) của Việt Phát với đối tác mua hàng luôn duy trì ở mức khá cao. Đáng chú ý, tìm hiểu cho thấy không ít đối tác kể trên là những bên liên hệ/liên quan với Việt Phát.
Với đặc thù kinh doanh của mình, khoản phải thu của Việt Phát luôn chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tài sản. Ảnh: VPG
Chốt phiên giao dịch 21/8, cổ phiếu VPG của CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát đạt 13.150 đồng/CP, tăng 2,3% so với mốc tham chiếu. Nếu tính trong hơn nửa tháng trở lại đây (từ phiên 5/8), VPG đã tăng 9,13%, vượt mức tăng của VN-Index (+6,1%). Đây là hiệu suất ấn tượng của VPG sau khi cổ phiếu này đã “tạo đáy” ở phiên 5/8 (là 12.000 đồng/CP).
Nhiều công ty chứng khoán nhận định tích cực về triển vọng kinh doanh của Việt Phát.
Chẳng hạn, CTCP Chứng khoán Vietcap kỳ vọng doanh số bán quặng sắt và quặng vê viên và than cốc của Việt Phát sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành thép vào năm 2024. Cụ thể, Vietcap ước tính doanh thu từ than cốc của công ty trong năm 2024 là khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng (tăng 132% so với năm 2022). Ngoài ra, vào tháng 10/2023, Việt Phát cũng ký hợp đồng nhập khẩu quặng sắt trị giá 7,3 nghìn tỷ đồng đến hết tháng 1/2026 (tương đương 14 lần doanh thu quặng sắt năm 2022).
Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần Việt Phát đạt hơn 6.533 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 83% so với cùng kỳ năm trước và thậm chí còn tăng 3% so với số cả năm 2023. Đáng chú ý, đây cũng là con số doanh thu cao nhất của Việt Phát kể từ khi niêm yết. Tuy vậy, sau khi trừ giá vốn và các chi phí, lợi nhuận công ty lại giảm sâu gần 94% xuống 3,8 tỷ đồng.
Như đã từng đề cập, tình trạng doanh thu nghìn tỷ, lãi “bé hạt tiêu” đã kéo dài ở Việt Phát suốt từ năm 2022 đến BCTC 6 tháng đầu năm 2024.
Đáng chú ý, tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy câu chuyện tại Việt Phát không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh doanh chưa thực sự tích cực.
Những đối tác nợ “kín tiếng” của Việt Phát
Là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh than, quặng sắt (vật liệu xây dựng nói chung), các khoản phải thu (chủ yếu là ngắn hạn) của công ty với đối tác mua hàng luôn duy trì ở mức khá cao. Tại ngày 30/6/2024, các khoản phải thu của Việt Phát lên đến 2.442 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng tài sản công ty.
So sánh nhanh với các doanh nghiệp trong ngành, tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản vào cuối quý II/2024 của những HMC, TNA, DHM cũng duy trì từ 27% đến 50,7%.
Ảnh: Huy Ngọc.
Với riêng Việt Phát, tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy nhiều đối tác nợ của Việt Phát ít nhiều có mối liên quan/liên hệ đến nhà chủ của doanh nghiệp này.
Cái tên đầu tiên là CTCP Đầu tư Sài Gòn MIA – doanh nghiệp sau nửa đầu năm 2024 ghi nhận nợ Việt Phát 273,7 tỷ đồng. Trước đó, công ty trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến 23/11/2022 đã bán cho Sài Gòn MIA một số lượng quặng sắt với tổng giá trị được xác định gần 485 tỷ đồng, phía Sài Gòn MIA giai đoạn này cũng trả Việt Phát gần 486 tỷ đồng.
Sài Gòn MIA tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Quỳnh Lưu ra đời từ năm 2014 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Hiền nắm 90%. Đến đầu năm 2017, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Minh Anh, bà Hiền đồng thời cũng giảm sở hữu tại đây xuống còn 10%, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (10%) và bà Nguyễn Thị Ngọc xuất hiện nắm 80% vốn. Tháng 11/2020, công ty này đổi tên thành Sài Gòn MIA và đến tháng 3/2021 có vốn điều lệ 360 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tháng 9/2021, Việt Phát đã chi 54 tỷ đồng để mua lại 15% cổ phần của Sài Gòn MIA từ bà Nguyễn Thị Hiền (10%) và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (5%). Tuy nhiên đến tháng 11/2022, công ty đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này và thu về gần 56 tỷ đồng.
Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, bà Nguyễn Thị Ngọc – cổ đông lớn nhất, kiêm CEO Sài Gòn MIA, còn là cổ đông sáng lập CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh (bên liên quan Việt Phát).
"Sợi dây" liên hệ giữa một số đối tác nợ của Việt Phát (bôi đậm) với công ty. Ảnh: Huy Ngọc.
Tiên Thanh hồi năm 2022 cũng được Việt Phát ứng 300 tỷ đồng tiền mua quặng sắt. Tuy nhiên, do giá cả biến động, công ty không đủ lượng hàng để cung cấp, Tiên Thanh đã hoàn trả số tiền này.
Ngoài ra, bà Ngọc còn là Người đại diện theo pháp luật tại CTCP Tập đoàn Việt Phát – pháp nhân được sáng lập vào năm 2018 bởi 5 cá nhân gồm: ông Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch HĐQT Việt Phát) 55%, ông Nguyễn Xuân Trường 12,5%, ông Mai Quang Hợp (cựu Phó Tổng Giám đốc Việt Phát) 10,5%, ông Nguyễn Văn Đức (Thành viên HĐQT Việt Phát) 9,5%, bà Lê Thị Thanh Lệ - vợ ông Bình (Thành viên HĐQT Việt Phát) 12%.
Ngoài Sài Gòn MIA, Việt Phát còn ghi nhận hơn 280,1 tỷ đồng tiền trả trước cho người bán ngắn hạn với Công ty TNHH Thương mại Vận tải Âu Việt. Trong năm 2021, Âu Việt đã phát sinh giao dịch mua than cốc từ Việt Phát (số dư nợ tại ngày 31/12/2021 là 46,7 tỷ đồng).
Ít ai biết, Âu Việt tại thời điểm tháng 6/2017 từng được nhóm Việt Phát nắm giữ với 2 cổ đông chiếm chi phối là bà Lê Thị Thanh Lệ (vợ Chủ tịch HĐQT Việt Phát) nắm 40%, Việt Phát (30%).
Cập nhật tại thời điểm tháng 8/2023, cơ cấu cổ đông Âu Việt gồm: Trần Văn Phương (80%) và Phạm Văn Trường (20%). Trong đó, ông Trường từng là Giám đốc/Người đại diện pháp luật Âu Việt vào tháng 6/2017 – thời điểm nhóm Việt Phát chi phối Âu Việt như vừa đề cập.
Từng có một cựu nhân sự cấp cao của Việt Phát là lãnh đạo tại Âu Việt, đó là ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1987). Theo tìm hiểu, ông từng là Giám đốc chi nhánh Hải Dương Việt Phát giai đoạn 2013-2015. Sau đó, ông trở thành Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật Hải Âu (2015-2016); ông cũng từng là cổ đông lớn nắm 66,67% vốn Âu Việt, trước khi thoái hết vốn, nhường cho nhóm Việt Phát (tháng 6/2017).
Rời Hải Âu, ông Dũng trở thành Thành viên HĐQT Việt Phát (giai đoạn 2016 – tháng 4/2018). Ngoài ra, ông cũng từng nắm hơn 5% vốn Việt Phát, song đã không còn là cổ đông lớn từ tháng 7/2019.
Đáng chú ý, ông Dũng hiện còn đứng tên tại CTCP Thương mại Thép Hùng Cường – đơn vị có số dư trả trước cho người bán ngắn hạn 104,4 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/6/2024, trên BCTC của Việt Phát.
Việt Phát cho biết các khoản trả trước với Hải Âu, Thép Hùng Cương phản ánh khoản tạm ứng cho nhà cung cấp theo phương án kinh doanh đã được Tổng giám đốc phê duyệt và các hợp đồng mua bán than cốc và quặng sắt để phục vụ hoạt động kinh doanh công ty. Thời gian giao hàng dự kiến là trong quý III và quý IV/2024.
Ngoài ra, đó còn là CTCP Đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh tại thời điểm cuối quý II/2024 nợ Việt Phát 358,7 tỷ đồng. Tìm hiểu cho thấy, 2 cổ đông sáng lập Hưng Thịnh là ông Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Hữu An là các cá nhân có hộ khẩu thường trú cùng xã với ông Nguyễn Văn Dũng – cựu Thành viên HĐQT Việt Phát.
Bình luận (1)