Hãy là người đầu tiên thích bài này
Những DN ‘gốc’ quân đội nghìn tỷ trên sàn chứng khoán

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng VietnamFinance nhìn lại dấu ấn của những doanh nghiệp 'gốc' quân đội trên sàn chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần lớn mạnh cả về chất và lượng. Trong bức tranh sôi động ấy, các doanh nghiệp "gốc" quân đội nổi bật với những dấu ấn riêng.

Mang trong mình "chất lính" kiên cường và kỷ luật, họ không chỉ hiện diện với tư cách là những "ông lớn" trên sàn mà còn trở thành biểu tượng của sự bền bỉ và bản lĩnh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

“Chiến binh” trên “mặt trận” quốc tế Viettel Global

Trên sàn chứng khoán, Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) hiện đang là đơn vị “giàu có” nhất trong danh sách các doanh nghiệp có yếu tố quân đội.

Tính đến ngày 20/12/2024, cổ phiếu VGI đạt 95.900 đồng/cp. Theo đó, giá trị vốn hoá thị trường của Viettel Global ghi nhận ở mức 291.901 tỷ đồng, cao thứ hai toàn thị trường, chỉ xếp sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB).

Viettel Global có tiền thân là Ban Quản lý dự án Đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam. Đơn vị này bắt đầu thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài từ tháng 3/2006 với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng cho Tập đoàn Viettel.

Đến tháng 10/2007, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Quốc tế Viettel (tên cũ của Viettel Global) chính thức ra đời, mang theo sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người”, hiện thực hoá giấc mơ “Go Global” của tập đoàn mẹ. Sau 18 năm phát triển, đến nay, Viettel Global là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Được ví như một “chiến binh thiện xạ” của Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp hiện vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia, phục vụ gần 100 triệu khách hàng quốc tế sử dụng dịch vụ di động, internet băng rộng, điện thoại cố định và không dây, đồng thời cung cấp dịch vụ ví điện tử tại tất cả các thị trường.

Theo báo cáo thường niên 2023, Viettel Global chiếm vị trí số một về thị phần tại 6 thị trường nước ngoài với các thương hiệu: Lumitel tại Burundi, Telemor tại Đông Timor, Metfone tại Campuchia, Mytel tại Myanmar, Unitel tại Lào và Natcom tại Haiti. Gần đây nhất, tháng 5/2024, doanh nghiệp cho biết đã vươn lên dẫn đầu thị phần tại thứ trường thứ bảy là Mozambique với sự thành công của thương hiệu Movitel.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2024, Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt 25.724 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.477 tỷ đồng, tăng tới 343%.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VGI đã xác lập đà tăng 270% trên sàng chứng khoán. Còn so với mức giá chào sàn 15.000 đồng/cp ghi nhận năm 2018, mã này đã tới 539%.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Viettel Global đạt mức 59.663 tỷ đồng, quá nửa là tiền. Hiện tại, Tập đoàn Viettel vẫn đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,03%. Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp là Thượng tá Đào Xuân Vũ.

“Ngân hàng của người lính” MBBank

Sau Viettel Global, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HoSE: MBB) hiện là đơn vị “gốc” quân đội có giá trị cao thứ hai trên thị trường chứng khoán.

Lên sàn từ năm 2011 nhưng cổ phiếu MBB không tạo được con sóng nào khiến nhà đầu tư náo nức. Mãi đến tháng 5/2017, mã này mới thật sự bứt phá, đưa vốn hoá thị trường của MB Bank vượt ngưỡng 38.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp quân đội lớn nhất sàn chứng khoán thời điểm đó. Tiếp đà tăng trưởng, cổ phiếu MBB miệt mài thiết lập đỉnh mới. Tuy nhiên, đến tháng 4/2018, mã này bước vào chu kỳ giảm giá và phải mất đến 3 năm mới bước vào “con sóng” mới. Lần này, “con sóng” chỉ kéo dài được khoảng một năm. Sau khi lập đỉnh mới vào đầu năm 2022, cổ phiếu MBB bắt đầu lao dốc và đến đầu năm nay mới bắt đầu hồi phục.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12/2024, cổ phiếu MBB đóng cửa ở mức 24.000 đồng/cp, đưa vốn hoá của MBBank đạt 127.352 tỷ đồng. So với “chân sóng” hồi đầu năm, mã này ghi nhận mức tăng trưởng 31,52%. Đây được xem là “món quà” trọn vẹn, giúp sinh nhật “tuổi 30” của MBBank thêm phần ý nghĩa.

Thành lập ngày 4/11/1994, MBBank khởi đầu với số vốn ít ỏi 20 tỷ đồng nhưng mang theo một “trọng trách” lớn lao là trở thành tổ chức tín dụng phục vụ doanh nghiệp quân đội trong thời kỳ tiền hội nhập. Với định hướng của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, “ngân hàng của những người lính” đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng của quân đội.

Năm 2010, MBBank bắt đầu nghiên cứu xây dựng chiến lược giai đoạn mới 2011-2015, với kỳ vọng lọt vào top 3 ngân hàng thương mại cổ phần không do Nhà nước chi phối. Đây được xem là bước ngoặt cho sự phát triển của nhà băng này. Trong giai đoạn hết sức khó khăn của nền kinh tế, dưới sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ của ngành ngân hàng nội địa, với tinh thần “chiến binh”, kiên định với chiến lược đã đề ra, nhà băng này thậm chí hoàn thành mục tiêu nằm tlọt top 3 trước 2 năm (năm 2013).

Đến nay, MBBank đã trở thành tập đoàn tài chính đa năng, hoạt động trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, tài chính tiêu dùng, quản lý quỹ và quản lý tài sản. Xuất phát từ mục tiêu ban đầu là phục vụ các tổ chức, cá nhân trong lực lượng quân đội, MB đã phục vụ rộng rãi cộng đồng xã hội với hơn 30 triệu khách hàng. Đáng chú ý, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, nhà băng này đã được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất vì thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thanh toán thương mại quân sự và nhiệm vụ kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Với số tiền nộp ngân sách đạt hơn 7.500 tỷ đồng, MBBank thuộc top 3 ngân hàng có đóng góp ngân sách cao nhất trong năm 2023. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2024, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của toàn tập đoàn đạt gần 6.200 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 20.736 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó riêng ngân hàng đạt 20.030 tỷ đồng, tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, MBBank đang góp mặt trong nhóm doanh nghiệp có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng.Tính đến ngày 30/9/2024, danh sách cổ đông lớn của MBBank ghi nhận sự góp mặt của Tập đoàn Viettel (9%), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (9,83%), Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam – Công ty TNHH (8,43%), Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (7,09%). Chủ tịch HĐQT là Đại tá Lưu Trung Thái.

“Cỗ xe tăng” Viettel Post

Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post, HoSE: VTP) là cái tên “làm mưa làm gió” thị trường chứng khoán thời gian gần đây, đồng thời cũng là doanh nghiệp “gốc” quân đội sở hữu cổ phiếu “đắt đỏ” nhất.

Sau khi lập đỉnh lịch sử ở mức 150.900 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 4/12/2024, cổ phiếu VTP đang bước vào nhịp điều chỉnh nhẹ. Tính đến ngày 20/12/2024, mã này dừng ở mức 142.000 đồng/cp, giá trị vốn hoá thị trường của Viettel Post tương ứng đạt 17.293 tỷ đồng. Hiện tại, cổ piếu VTP đang là cổ phiếu “gốc” quân đội duy nhất nằm trong “câu lạc bộ” thị giá “3 chữ số” trên sàn chứng khoán.

So với thời điểm chuyển sang sàn HoSE hồi tháng 3 năm nay, mã này đã tăng hơn 70%. Đặc biệt, trong hơn 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu VTP đã có một “cú phi nước đại” thần tốc khi ghi nhận thêm 60% thị giá.

Đà tăng này được hỗ trợ bởi thông tin chính thức vận hành Công viên Logistics Lạng Sơn vào ngày 11/12 cùng kế hoạch ra mắt sàn thương mại điện tử VIPO Mall. Cần biết, Công viên Logistics Lạng Sơn tổng vốn đầu tư lên tới 3.300 tỷ đồng, là trung tâm logistics lớn và hiện đại nhất Việt Nam, được dự báo đêm về cho Viettel Post hàng nghìn tỷ đồng doanh thu trong thời gian tới. Trong khi đó, VIPO Mall là sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên tại Việt Nam.

Tự ví mình như “cỗ xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập”, trên thương trường, Viettel Post luôn thể hiện tinh thần tiên phong. Được biết, doanh nghiệp có tiền thân là trung tâm phát hành báo chí trực thuộc quân đội được thành lập năm 1997. Sau gần 30 năm phát triển, với sự nỗ lực không ngừng, Viettel Post đã trở thành một đơn vị chuyển phát hàng đầu Việt Nam, hướng tới trở thành doanh nghiệp logistics tiên phong tại Việt Nam.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Viettel Post ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, vượt 14% chỉ tiêu cả năm. Do ảnh hưởng từ sự suy giảm trong hai quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 252 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 68%.

Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Viettel Post đạt xấp xỉ 5.974 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp có hai cổ đông lớn là Tập đoàn Viettel (60,84%), Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital (16,96%).

MB Securities

Công ty CP Chứng khoán MB (HNX: MBS) có tiền thân là Công ty TNHH Chứng khoán Thăng Long, được thành lập từ năm 5/2000 bởi Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Đây là một trong số sáu công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam – những “người lính” tiên phong “hành quân” trên hành trình đầy gian nan của thị trường chứng khoán non trẻ.

Năm 2007, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và hoạt động rất năng động trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù để lại không ít dấu ấn nhưng do phát triển nhanh với tham vọng lớn, cùng với việc thiếu kinh nghiệm quản trị rủi ro nên khi thị trường chứng khoán lao dốc theo sự suy thoái của kinh tế toàn cầu giai đoạn 2011-2013, công ty đã lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: tài sản mất an toàn lớn, nguy cơ tiềm ấn cao, nội bộ mất ổn định.

Vào thời điểm đó, bằng “chất lính” và tinh thần không khuất phục của ngân hàng mẹ, doanh nghiệp đã hợp nhất thành công với Công ty CP Chứng khoán VIT, tái cấu trúc toàn diện, đồng thời đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán MB. Đây cũng là thương vụ M&A đầu tiên của ngành chứng khoán tại Việt Nam.

Sự trở lại của hai chữ “MB” trong tên gọi được xem là một lời khẳng định về ý chí kiên cường và tinh thần “chiến binh” của công ty, đưa MB Securities bền bỉ vươn lên.

Kết quả cho sự bền bỉ đó là những con số biết nói. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, MBS ghi nhận doanh thu 2.363 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 724 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế là 578 tỷ đồng, đồng loạt tăng 41%. Trên bảng xếp hạng thị phần, MBS liên tục góp mặt trong top 10 tại cả hai sở giao dịch HoSE và HNX.

Trên sàn chứng khoán, tính đến ngày 20/12/2024, cổ phiếu MBS đạt 28.700 đồng/cp. Vốn hoá của MB Securities tương ứng 16.439 tỷ đồng, là doanh nghiệp có yếu tố quân đội lớn thứ tư trên thị trrường. Hiện tại, MBBank đang nắm 79,94% vốn của doanh nghiệp.

“Lính công trình” Viettel Construction

Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction), tiền thân là Xí nghiệp Khảo sát thiết kế và Xí nghiệp Xây lắp Công trình thuộc Tập đoàn Viettel, được thành lập ngày 30/10/1995 với nhiệm vụ xây dựng, sản xuất, lắp đặt, sửa chữa công trình cho các tuyến thông tin quân sự.

Năm 2005, sau khi làm tốt các nhiệm vụ của đất nước, đơn vị này đổi tên thành Công ty Công trình Viettel, bắt tay vào kiến tạo những công trình dân sự và đến năm 2010 thì tiến hành cổ phần hoá. Sau đó 7 năm, Công ty CP Công trình Viettel chính thức trở thành đơn vị đầu tiên thuộc Tập đoàn Viettel niêm yết trên sàn chứng khoán với mã CTR.

Sau nhiều lần chuyển đổi tên giao dịch, đến tháng 9/2018, Công trình Viettel chính thức mang tên Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction) như hiện tại. Trải qua 29 năm hoạt động, từ đơn vị xây lắp thuần túy, trở thành Tổng Công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng kĩ thuật, công nghệ với quy mô gần 11.000 người.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 11 tháng đầu năm, Viettel Construction ước đạt hơn 11.685 tỷ đồng doanh thu và 609 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 12% và 2% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 92% chỉ tiêu doanh thu và 91% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Tính đến ngày 20/12/2024, cổ phiếu CTR đạt 122.500 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hoá 14.012 tỷ đồng. Hiện tại, Tập đoàn Viettel đang nắm 65,66% vốn của Viettel Construction.

“Bộ đội xuất ngũ” Hà Đô

Trong số các doanh nghiệp có yếu tố quân đội trên sàn chứng khoán, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô được ví như “bộ đội xuất ngũ”.

Doanh nghiệp có tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng, được thành lập năm 1990, với nhiệm vụ gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ làm kinh tế. Năm 1993, Xí nghiệp Xây dựng được Bộ Quốc phòng chuyển đổi thành Công ty Xây dựng Hà Đô, do Đại tá Nguyễn Trọng Thông dẫn dắt. Năm 2004, Hà Đô tiến hành cổ phần hoá và đến năm 2010 thì niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HDG và đổi tên thành Tập đoàn Hà Đô như hiện nay.

Năm 2017, sau khi Bộ Quốc phòng thoái toàn bộ vốn ở Hà Đô theo đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp quân đội, Tập đoàn này chính thức “xuất ngũ”.

Sau gần 34 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Hà Đô được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM. Từ năm 2006, tập đoàn này bước chân vào lĩnh vực năng lượng. Đến nay, doanh nghiệp này đã có 2 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió và 5 dự án thủy điện. Dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Trọng Thông, Hà Đô vẫn đều đặn mang về hàng nghìn tỷ doanh thu và gần nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Trong năm 2024, Hà Đô đặt kế hoạch doanh thu 2.896 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 1.964 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 544,8 tỷ đồng, không biến động quá nhiều so với cùng kỳ dù kết quả kinh doanh tại quý III/2024 tăng vọt. Nguyên do bởi hai quý đầu năm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan đã ảnh hưởng tới kết quả chung.

Tính đến ngày 20/12/2024, cổ phiếu HDG của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô đạt 30.200 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hoá 10.157 đồng.

Bảo hiểm Quân đội MIC

Cái tên còn lại trong danh sách doanh nghiệp “gốc” quân đội nghìn tỷ trên sàn chứng khoán là Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC). Tính đến ngày 20/12/2024, cổ phiếu MIG của doanh nghiệp này đạt 18.150 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hoá 3.134 tỷ đồng.

MIC tiền thân là Công ty CP Bảo hiểm Quân đội được thành lập theo Quyết định số 871/BQP ngày 22/2/2007 của Quân uỷ Trung ương và Giấy phép số 43GP/KDBH ngày 08/10/2007 của Bộ Tài chính. Ra đời vào thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, MIC trở thành nhân tố quan trọng trong mạng lưới doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, góp phần phát triển ngành bảo hiểm từ những giai đoạn đầu.

Năm 2011, sau 4 năm hoạt động, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tổ chức thành Tổng Công ty như hiện nay, đồng thời tăng vốn điều lê lên mức 400 tỷ đồng. Cột mốc quan trọng tiếp theo là năm 2017, khi MIC được cấp phép hoạt động tại nước ngoài, đồng thời có hợp đồng bảo hiểm hàng không hơn 163 triệu USD.

Ba năm sau, MIC tiếp tục ghi dấu ấn khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE, đồng thời cán mốc doanh thu 3.000 tỷ đồng. Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, MIC được trao Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh và cung cấp sản phẩm đặc thù phục vụ lĩnh vực an ninh quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Bước sang năm 2024, dù gặp một số thách thức, MIC vẫn duy trì kết quả kinh doanh ấn tượng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 2.589 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng, giảm 7,4%. Những con số này phản ánh nỗ lực không ngừng của MIC trong việc duy trì vị thế và tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường bảo hiểm đầy cạnh tranh.

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long