Những cổ phiếu HAG, BIO, SIC từng tạo sóng trên thị trường chứng khoán khi có mức tăng giá gấp hàng chục lần, kèm sau đó là rất nhiều vấn đề của doanh nghiệp.
Cổ phiếu SIC "thoát xác" và sống lại
Cổ phiếu SIC của Công ty Cổ phần ANI (trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà) là thành viên của Tập đoàn Sông Đà hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư các thủy điện vừa và nhỏ.
Cổ phiếu SIC từng có thời gian gây chú ý khi có chuỗi liên tiếp 16 phiên giảm sàn (từ ngày 3/1/2017 đến hết 20/1/2017), rơi từ mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu về 6.500 đồng/cổ phiếu.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà đổi tên thành Công ty Cổ phần ANI. Sau khi Sông Đà thoái thành công toàn bộ 36,72% vốn cổ phần, SIC cũng “lột xác” với một cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo. Sau đó, doanh nghiệp này đã phát hành tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng.
Vì từng là công ty con của Tổng công ty Sông Đà, SIC được hưởng lợi thế về quỹ đất lớn. Năm 2017, SIC nói đầu tư trên 500 tỷ đồng triển khai dự án Khu dân cư Sông Đà IDC Tower (diện tích 2,4ha tại quận Gò Vấp) và trên 1.000 tỷ đồng cho Dự án Sông Đà Riverside (2,4ha tại quận Thủ Đức). Ngoài ra, SIC còn có 2 dự án là dự án khu dân cư đô thị Sông Đà rộng 43ha tại Đồng Nai, dự án khu dân cư Đan Phượng Hồng Thái rộng 40ha tại Hà Nội.
SIC cho rằng, trong 3-5 năm tới, bất động sản tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển của công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới để tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông.
Những năm gần đây, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của SIC tăng mạnh lần lượt từ 131 tỷ đồng và 13 tỷ đồng (năm 2021) lên 1.022 tỷ đồng và 110 tỷ đồng (năm 2022). Tỷ suất lợi nhuận ròng cũng tăng từ 5% (năm 2021) lên 9% (năm 2022).
Tổng tài sản của SIC cũng tăng mạnh qua các năm, từ 589 tỷ (năm 2020) lên 1.590 tỷ đồng (năm 2021) và 2.078 tỷ đồng (2022).
Thời gian gần đây, cổ phiếu SIC cũng đã tăng khá mạnh so với đáy năm 2017 vì kết quả kinh doanh có sự khởi sắc. Từ tháng 8 đến đầu tháng 12/2022, cổ phiếu này đã vượt đỉnh cũ, thậm chí có thời điểm vượt ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ tháng 12/2022 đến nay, cổ phiếu SIC đã giảm sâu xuống quanh vùng 20.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, mã này đang được giao dịch với mức giá 24.700 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu BIO từng "nổi sóng" vì vắc xin
Cổ phiếu BIO của Công ty Cổ phần Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco, UpCOM) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vaccine, huyết thanh và các chế phẩm sinh học dùng cho người. Bên cạnh đó, công ty cũng sản xuất thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Cổ đông lớn của BIO là Công ty Cổ phần Dược phẩm Bến Tre.
Dù lên sàn UPCOM từ năm 2018 nhưng mãi đến 22/4/2021, BIO mới ghi nhận giao dịch đầu tiên với 100 cổ phiếu khớp lệnh. Chỉ trong 1 tháng, thị giá cổ phiếu BIO "nổi sóng" tăng giá từ 9.500 đồng/cổ phiếu lên đỉnh 161.000 đồng/cổ phiếu (phiên 27/5/2021), tức tăng gần 1.600% (gấp 17 lần).
Cổ phiếu BIO tăng mạnh nhờ "sóng" vắc xin
Cổ phiếu BIO nổi sóng vì liên quan đến câu chuyện vắc xin Covid-19. Cụ thể, tháng 6/2021, Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, bao gồm vắc xin Covid-19. Trong số 36 đơn vị này có Dược phẩm Bến Tre (DBT). Dù BIO không góp tên trong danh sách được cấp phép mà chỉ có tổ chức liên quan là Dược phẩm Bến Tre nhưng cổ phiếu BIO và DBT đều tăng mạnh mẽ.
Sau đó, Dược phẩm Bến Tre đã bán ra toàn bộ gần 4,4 triệu cổ phiếu (tương đương 51,06% vốn tại BIO từ ngày 5 - 6/5/2021). Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trong hai ngày 5 - 6/5/2021 đạt gần 69 tỷ đồng, tương ứng trung bình 15.800 đồng/cổ phiếu. Bán với mức giá này, chắc hẳn Dược phẩm Bến Tre sẽ tiếc nuối khi cổ phiếu BIO sau đó tăng lên mức 161.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi Dược phẩm Bến Tre thoái vốn, BIO còn chứng kiến làn sóng "thoái lui" đến từ người nội bộ là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc... Cổ phiếu BIO đã rơi từ đỉnh giá 161.000 đồng (phiên ngày 27/5/2021) xuống mốc 20.700 đồng (phiên ngày 13/3/2023).
Theo tìm hiểu, từ năm 2017 - 2021, doanh thu và lợi nhuận gộp của của BIO cũng chỉ đạt lần lượt từ 33-38 tỷ đồng và 8-11 tỷ đồng.
Chính vì vậy, sau khi hết đợt sóng vắc xin, cổ phiếu này đã gần như đi ngang từ nửa cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.
Sự trở lại của HAG và những tồn tại cần giải quyết
Tháng 12/2008, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HAG ) chính thức niêm yết trên sàn TP. Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán HAG. Với việc nắm giữ 55% cổ phần (109 triệu cổ phiếu HAG) trị giá 6.160 tỷ đồng, Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán năm đó.
Những năm 2014, 2015 và 2016, câu chuyện của HAG khiến thị trường dậy sóng. Cổ phiếu HAG từ mức giá xấp xỉ 25.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2014, HAG đã giảm về mức đáy là 4.930 đồng/cổ phiếu ngày 16/9/2016.
Trung tâm điều hành của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Việc cổ phiếu HAG "lao dốc" về đáy do các mảng kinh doanh chính của công ty gặp khó khăn. Đặc biệt là đọng vốn mảng cao su do giá cao su giảm mạnh, chăn nuôi bò không hiệu quả như đã từng công bố trước đó, áp lực nợ vay lớn… khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm mạnh.
Tại một buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Bầu Đức đã phải thừa nhận, việc từ bỏ bất động sản sang làm nông nghiệp là sai. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, Bầu Đức đã nỗ lực không ngừng để vực dậy HAG.
Cũng tại thời điểm tháng 1/2023, HAG đã có thông báo khẳng định đã vượt qua được kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2022.
HAG đặt kế hoạch và tham vọng đạt được mục tiêu lợi nhuận lên đến 1.120 tỷ đồng trong năm 2022 (gấp 10 lần năm 2021). Nếu đạt được mức lợi nhuận này, HAG sẽ quay lại mức lãi nghìn tỷ đồng kể từ năm 2014.
Do đó, từ tháng 11/2021 đến đầu năm 2022, cổ phiếu HAG đã tăng mạnh từ vùng đáy 5.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 15.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu HAG trong những năm gần đây
Bước sang năm 2022, cổ phiếu HAG cũng có những biến động và giảm giá khá mạnh. Lý do một phần đến từ việc HAG vẫn còn gặp khó khăn từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh và câu chuyện huy động dòng tiền và trả nợ trái phiếu. HAG sẽ sử dụng tiền từ nguồn thu hồi nợ của HAGL Agrico (HNG) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi để đảm bảo kế hoạch trả nợ đã thỏa thuận với trái chủ.
Theo kế hoạch của HAG, từ năm 2024, HAG sẽ sử dụng dòng tiền tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện đúng kế hoạch trả nợ và dự kiến trái phiếu sẽ được tất toán vào ngày 30/12/2026.
Đối với vấn đề trái phiếu, trước đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã ra thông báo xin dời lịch thanh toán một phần tiền gốc và lãi trái phiếu với tổng giá trị 1.021 tỷ đồng cho mã trái phiếu HAGLBOND16.26. Thời hạn trả nợ lô trái phiếu này vào ngày 30/12/2022 (số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng). Tuy nhiên, HAG phải xin dời thời hạn thanh toán sang quý 2/2023.
Tính đến tháng 10/2022, Hoàng Anh Gia Lai cho biết chỉ còn 2 khoản trái phiếu thường. Cụ thể, khoản trái phiếu 5.271 tỷ đồng phát hành 30/12/2016, được đáo hạn 30/12/2026. Tiếp đó, là lô trái phiếu 300 tỷ đồng được phát hành 18/6/2012, đáo hạn 30/9/2023.
Trước ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán và vấn đề nội tại của Hoàng Anh Gia Lai, thị giá cổ phiếu của HAG từ nửa cuối năm 2022 đã giảm về dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu HAG đóng cửa ở mốc 7.490 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, hiện nay cổ phiếu HAG đang nằm trong diện bị cảnh báo.
Bình luận (8)