Central Retail là một trong các doanh nghiệp Thái Lan liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Hàng loạt thương hiệu về tay người Thái như chuỗi siêu thị Big C, Nguyễn Kim, Sabeco, Nhựa Duy Tân, Nhựa Bình Minh... Trên thực tế trong số đó, nhiều doanh nghiệp đã trở thành “gà đẻ trứng vàng”.
Nô nức đến “miền đất hứa”
"Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN" do HSBC công bố hồi đầu tháng 4/2024 cho thấy ở hầu hết thị trường Đông Nam Á, hơn nửa công ty tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh. Trong đó, Thái Lan nằm trong top 3 các doanh nghiệp tự tin về khả năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam ở mức 93%, đứng sau doanh nghiệp sở tại (98%) và Singapore (94%).
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối quý 1/2024, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam, rót tổng cộng hơn 14 tỷ USD, cao hơn Malaysia gần 1 tỷ USD. Từ năm ngoái đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan liên tục công bố các kế hoạch hàng triệu đến hàng tỷ USD để củng cố hoạt động ở Việt Nam. Tháng 8/2023, Kasikornbank (KBank) - ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan công bố ý định rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam đến 2027.
Tháng 12/2023, SCGP - một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan) chi gần 700 tỷ đồng mua lại 70% vốn của CTCP Starprint Việt Nam (SPV). Đây là nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu tại Việt Nam, với các hàng lớn như Unilever, Colgate, Nestle, Heineken, P&G, Walmart, Trung Nguyên... SCGP cũng là tập đoàn đứng sau hàng loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nhựa, bao bì trước đó như Nhựa Duy Tân, Bao bì Biên Hòa (SVI)...
Cuối tháng 2/2024, ngân hàng lớn thứ tư Thái Lan là The Siam Commercial Bank Public Company (SCB) công bố sẽ mua lại toàn bộ vốn góp tại Home Credit Việt Nam, với giá khoảng 800 triệu euro (khoảng 866 triệu USD).
Nhựa Duy Tân đã trở thành thành viên của SCG Group.
Nhìn lại lịch sử, người Thái đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam từ khá lâu. Central Retail chính là một trong những cái tên nổi bật nhất. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ - mảng kinh doanh quan trọng nhất của Central Group, thuộc gia đình tỷ phú Thái Chirathivat.
Gia nhập Việt Nam năm 2012 với tư cách là nhà bán lẻ thời trang, chỉ với một vài chi nhánh nhưng đến nay, đại gia Thái này đã chi hàng tỷ USD cho các thương vụ mua bán sáp nhập. Nổi tiếng nhất chính là thương vụ năm 2016, khi Central Retail mua lại Big C Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino của Pháp. Giá trị giao dịch khoảng 920 triệu euro, tương đương 1,05 tỷ USD. Big C sau đó đổi tên các siêu thị thành Tops Market, đại siêu thị thành Go!.
Central Retail còn mua lại hệ thống siêu thị Lan Chi Mart, chuỗi điện máy Nguyễn Kim... Mặc dù không công bố số liệu tài chính định kỳ nhưng Central Retail đã xác định thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ khi công bố đầu tư 50 tỷ Baht (khoảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam từ năm 2023 đến 2027 để tăng tốc sự hiện diện của mình.
Ông lớn này cũng không giấu giếm tham vọng khi đặt mục tiêu doanh thu 150 tỷ baht (4,3 tỷ USD) sau 5 năm, trở thành nhà bán lẻ đa kênh hàng đầu Việt Nam vào năm 2027. Kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam còn bao gồm mục tiêu tăng gấp đôi số cửa hàng lên 600, có mặt tại 57 trong số 63 tỉnh, thành cả nước. Trước đó, Central Retail Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu nhảy vọt từ 300 triệu baht (8,7 triệu USD) vào năm 2014 lên 38.592 triệu baht (1,12 tỷ USD) vào năm 2021.
TCC Holdings của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng sở hữu hàng loạt khoản đầu tư đáng chú ý trên thị trường bất động sản và bán lẻ Việt Nam. Năm 2015, Berli Jucker - đơn vị thành viên của TCC đã mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD. Chuỗi bán lẻ này đã đổi tên thành MM Mega Market.
Thông qua Fraser & Neave (F&N), TTC cũng gián tiếp sở hữu 17,69% cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM). Còn ThaiBev - thành viên khác trong hệ sinh thái của tỷ phú Charoen cũng chi ra 5 tỷ USD để sở hữu 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát (Sabeco, mã SAB).
Giá trị thực sự phía sau những khoản cổ tức
“Trái ngọt” mà các nhà đầu tư Thái Lan thu được thể hiện rõ nhất qua hai thương vụ M&A doanh nghiệp trên sàn. Đó chính là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát (Sabeco, mã chứng khoán SAB) và CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP).
Vào cuối năm 2017, Vietnam Beverage – thành viên thuộc Thaibev đã chi đến 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng) mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB từ đợt thoái vốn của Bộ Công Thương, qua đó chính thức nắm quyền chi phối Sabeco. Với khoản chi trên, tính ra nhà đầu tư Thái Lan đã phải bỏ ra 320.000 đồng cho mỗi cổ phần Sabeco.
Khoản đầu tư của Thaibev luôn trong tình trạng “tạm lỗ” vì giá cổ phiếu sau đó liên tục giảm, thậm chí thời điểm đầu năm nay còn lui về vùng đáy dưới 60.000 đồng/cp do sự khó khăn của ngành bia và ảnh hưởng của kết quả kinh doanh giảm sút. Tuy nhiên không thể chỉ nhìn vào giá cổ phiếu để đánh giá hiệu quả đầu tư của Thaibev, vì chắc chắn khi chi ra số tiền lớn, họ nhắm tới mục tiêu dài hạn.
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi - người đứng sau nhiều thương vụ M&A đình đám.
Thực tế, Sabeco đang nắm giữ thị phần lớn nhất nhì tại quốc gia hơn 100 triệu dân, có mức độ tiêu thụ bia lớn. Từ năm 2016 đến nay, hãng bia Sài Gòn luôn duy trì lợi nhuận sau thuế ở mức 4.000 tỷ đồng đến trên 5.000 tỷ đồng. Sabeco cũng là một trong 30 doanh nghiệp nằm trong VN30 - nhóm uy tín và có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán. Tổng tài sản của công ty tại thời điểm cuối quý 1/2024 đạt hơn 32.000 tỷ đồng, trong đó hơn 20.000 tỷ đồng là tiền mặt. Doanh nghiệp vay nợ rất ít, với con số chưa tới 1.000 tỷ đồng.
Cơ cấu tài chính lành mạnh chính là cơ sở để mang về cho Thaibev khoản lợi nhuận đều đặn mỗi năm. “Đại gia” Thái Lan nhận tiền mặt "đều như vắt tranh" từ hãng bia Việt Nam. Tính cả đợt cổ tức lần 2 năm 2023 sắp tới (20%), số tiền Thaibev bỏ túi tính ra lên tới hơn 10.600 tỷ đồng.
Mặc dù trước mắt, Sabeco đang gặp khó khăn do mức tiêu thụ ngành bia chững lại do khó khăn của nền kinh tế và ảnh hưởng bởi việc việc áp dụng quy định cấm nồng độ cồn. Tuy nhiên về lâu dài, đây vẫn là ngành hàng tiềm năng khi Việt Nam có cơ cấu dân số đông và trẻ. Sabeco cũng đang thực hiện các chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng như “đánh” vào phân khúc phổ thông và cận cao cấp, sản xuất bia không cồn...
Trường hợp của Nhựa Bình Minh mới thực sự là “gà đẻ trứng vàng” cho nhà đầu tư Thái Lan. Nawaplastic - thành viên của Tập đoàn SCG trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó.
Sau đó, công ty này liên tục tăng sở hữu tại Nhựa Bình Minh, lớn nhất là đợt “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018. Hiện, cổ đông Thái Lan nắm hơn 45 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng 55% vốn của doanh nghiệp nhựa. Tính chung, tổng số tiền SCG chi ra cho thương vụ “thâu tóm” Nhựa Bình Minh vào khoảng 2.800 tỷ đồng.
Sau khi về tay SCG, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh cải thiện qua từng năm. Năm 2023, công ty đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục 1.041 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022 và vượt kế hoạch. Cùng với mức cổ tức hậu hĩnh, cổ phiếu BMP nhanh chóng leo lên vùng giá trên 100.000 đồng, giúp khoản đầu tư của SCG hiện có giá trị thị trường lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi 2.300 tỷ đồng.
Phần lợi nhuận đã hiện thực hóa thấy rõ nhất chính là khoản cổ tức SCG thu về. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào Nhựa Bình Minh “quên” chia cổ tức bằng tiền. Năm 2023, tổng tỷ lệ cổ tức mà Nhựa Bình Minh chi trả lên tới 126% (1 cổ phiếu nhận 12.600 đồng). Năm 2022, doanh nghiệp này cũng dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84%.
Ngoài những khoản tiền thu về thấy rõ thì điều quan trọng mà ThaiBev hay Nawaplastic đã làm được là tạo ra giá trị cộng hưởng cho công ty, được mua bằng cách đưa vào sản phẩm mới, hệ thống phân phối/bán lẻ rộng khắp, thay đổi quản trị công ty nhằm tăng hiệu quả kinh doanh… Tức là 1+1 bằng 3, 5, 10, thậm chí bằng cả trăm chứ không phải là 1+1=2.
Bình luận (32)