Cũng trong năm nay, doanh nghiệp của ông đã bàn giao giải pháp robot AMR Pallet Mover cho Nhà máy Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT).
Kết thúc năm 2024, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Vicostone (mã: VCS) đứng thứ 11 trong số những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 8.930 tỷ đồng. Con số này đã tăng 1.500 tỷ đồng so với năm 2023.
Ông Hồ Xuân Năng hiện đang trực tiếp nắm giữ gần 6 triệu cổ phiếu VCS. Ngoài ra, ông còn gián tiếp sở hữu hơn 134,6 triệu cổ phiếu VCS thông qua Phenikaa Group - doanh nghiệp do ông sở hữu.
Ông Năng sinh ra tại Nam Định, heo học đại học và tiếp tục học lên Tiến sỹ kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ, ông Hồ Xuân Năng làm cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhưng sau đó, ông đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam.
Năm 1999, ông Năng gia nhập Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT, sau là Phó Chánh Văn phòng Tổng công ty Vinaconex.
Tháng 7/2004, ông Hồ Xuân Năng được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex. Năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty này. Đây cũng là tiền thân của Vicostone. Năm 2014, ông Hồ Xuân Năng làm bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Vicostone.
Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Vicostone
Tên tuổi của ông Hồ Xuân Năng gắn liền với Phenikaa Group - tập đoàn do ông sáng lập vào năm 2010. Hiện Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của Phenikaa Group là ông Hồ Xuân Năng.
Tập đoàn Phenikaa xây dựng và phát triển Hệ sinh thái bền vững theo định hướng đổi mới sáng tạo trên cơ sở mối liên kết chặt chẽ theo mô hình “Ba Nhà”: “Nhà” Sản xuất Kinh doanh, “Nhà” Giáo dục và “Nhà” Khoa học; hoạt động trong các lĩnh vực chính: Công nghiệp, Công nghệ, Giáo dục Đào tạo và Chăm sóc Sức khỏe.
Trong đó, Phenikaa Chemical hiện là nhà sản xuất nhựa polyester không no (UP) duy nhất ở Việt Nam, với năng lực sản xuất cho giai đoạn 1 là 25.000 tấn/năm. Sản lượng này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu cả nước.
Nhựa UP không chỉ là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất đá nhân tạo mà còn được sử dụng trong các ứng dụng như thân thuyền, bồn tắm và ván lướt sóng, cùng nhiều ứng dụng khác.
Được biết, đây là kết quả từ công trình "Nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa polyester không no công suất 25.000 tấn/năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh" của tác giả PGS.TS. Hồ Xuân Năng, GS.TSKH. Trần Vĩnh Diệu và các cộng sự thuộc Tập đoàn Phenikaa.
Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm 2018 mà Tập đoàn đăng ký và được Bộ KH&CN giao thực hiện, được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế số 25362 ngày 29/7/2020.
CTCP Vicostone năm 2024 đã thông tin về kế hoạch nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án "Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết, ứng dụng trong sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh và vật liệu compozit khác" thông qua việc nhận chuyển nhượng Nhà máy Hóa chất Phenikaa của Phenikaa Chemical.
Bên cạnh đó, tháng 4/2024, Phenikaa-X, thành viên của Tập đoàn Phenikaa đã bàn giao giải pháp robot AMR Pallet Mover cho Nhà máy Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT). Nhờ đó, SEVT trở thành nhà máy Samsung Electronics đầu tiên trên toàn thế giới triển khai robot AMR Pallet Mover vào hoạt động.
AMR Pallet Mover có khả năng chịu tải trọng lên đến 1.000 kg, không cần bất cứ ai điều khiển, chúng có thể hoàn toàn tự động tìm đường đi, lấy và chuyển hàng. ThS. Khổng Minh - Trưởng phòng Robotics của Phenikaa X - chia sẻ, 1 robot AMR Pallet Mover có thể thay thế cho 6 lao động, có thể làm việc liên tục 8-10 tiếng, sau đó mất 2 phút rưỡi để thay pin và tiếp tục hoạt động.
Bình luận (3)