Hãy là người đầu tiên thích bài này
Ngay đầu năm, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư sang quốc gia láng giềng, dự án lớn nhất lên đến 1 tỷ USD

Mới đây, tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chứng kiến các cơ quan, đối tác giữa hai nước trao các giấy phép, văn kiện, thỏa thuận hợp tác triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD.

Có 3 công ty Việt Nam đầu tư tại Lào nhận giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, trong đó, dự án nhà máy điện gió Savan1 của Công ty Điện gió SDVIC tăng vốn đầu tư lên 32 triệu USD; CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với dự án tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào tăng vốn đầu tư lên 85,2 triệu USD.

Ngân hàng Quân đội (MB) với dự án Ngân hàng MB Lào tăng vốn lên 229,9 tỷ kíp Lào; MB cũng trao thỏa thuận với các đối tác về việc thu xếp vốn cho các dự án Nhà máy điện gió Savan1, Nhà máy nhiệt điện Xekong.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao phụ lục hợp đồng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với dự án khai thác bauxite và xây dựng nhà máy chế biến alumin tại Lào, dự án có công suất thiết kế 1 triệu tấn alumin 1 năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Bộ này cũng trao hợp đồng phát triển 5 dự án thủy điện nhỏ ở huyện Ka Lưm, tỉnh Sekong (tổng công suất 180 MW) cho Tập đoàn Việt Phương với vốn đầu tư 197 triệu USD.

Bộ Năng lượng và Mỏ Lào trao giấy phép xây dựng cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali, vốn đầu tư 522,4 triệu USD.

Trong số các thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác, đáng chú ý là Tập đoàn Sovico và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải trao hợp đồng tư vấn khảo sát, lập quy hoạch tổng thể dự án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay tại Lào giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Bộ Giao thông công chính Lào và Tổng công ty Cảng hàng không Lào.

Tập đoàn Sovico và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải trao hợp đồng tư vấn khảo sát, lập quy hoạch tổng thể dự án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay tại Lào giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Bộ Giao thông công chính Lào và Tổng công ty Cảng hàng không Lào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vietnam Airlines và Lao Airlines cũng trao biên bản ghi nhớ về việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác song phương.

Cục Chăn nuôi và Thủy sản Lào và Công ty cổ phần Tập đoàn Nông sản Việt – Lào trao thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển chuỗi nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại các hồ thủy điện của Lào.

Viện Khoa học phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế (IHC) và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) và Hội Doanh nghiệp trẻ Lào (YEAL) trao thỏa thuận hợp tác ba bên đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Lào.

Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, trong năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 164 dự án mới và 26 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 664,8 triệu USD (tăng 57,7% so với năm 2023).

Trong đó, có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (chiếm 28,8% vốn, tăng 62,2% so với năm 2023); Indonesia (chiếm 20,7% vốn, gấp 227 lần năm 2023); Ấn Độ (chiếm 13,5% vốn, gấp 59,7 lần cùng kỳ);…

Lũy kế đến hết năm 2024, Việt Nam đã có 1.825 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,59 tỷ USD. Trong đó, các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (gần 5,7 tỷ USD, chiếm 25,1% vốn); Campuchia (gần 2,94 tỷ USD, chiếm 13% vốn); Venezuela (gần 1,83 tỷ USD, chiếm 8,1% vốn);…

Giang Anh-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long