SSI Research dự kiến nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024. Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Cổ phiếu ngành thép đã ghi nhận hiệu suất vượt trội hơn so với VN-Index trong nửa đầu năm 2024, chủ yếu nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng đã giảm dần trong nửa cuối năm, do tăng trưởng lợi nhuận chậm lại và một số công ty bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với quý trước hoặc thậm chí ghi nhận lỗ trong quý III.
Theo báo cáo của SSI Research, nhu cầu thép xây dựng của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,9 triệu tấn trong 11 tháng của năm 2024. Mảng thép ống khá ổn định, với mức tăng trung bình là 4,8%.
Trong khi đó, sản lượng HRC duy trì ổn định, khi doanh số nội địa phục hồi 28% đã bù đắp cho mức giảm 31% trong kênh xuất khẩu. Nhu cầu nội địa có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. (Ảnh: ST)
SSI Research dự kiến nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023).
Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn bao gồm các tuyến cao tốc (cả Bắc Nam, và cả Đông-Tây để kết nối tốt hơn), các sân bay và cảng biển (như Cần Giờ ở TP HCM và cảng Nam Đồ Sơn ở Hải Phòng) và đường sắt.
Dù vậy, SSI cho rằng, ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, nhiều siêu cường kinh tế thế giới đang gia tăng các rào cản thuế, điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu thép Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1,2% trong năm 2025 sau khi giảm 0,9% trong năm 2024.
Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 2% đến 3,5% so với cùng kỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, xuất khẩu thép có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chính sách bảo hộ trên toàn cầu.
Một trong những vụ việc đáng chú ý là cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác.
Hiện tại, Hoa Kỳ chiếm 14,4% xuất khẩu thép của Việt Nam, đứng sau Châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%). Ngoài ra, sự cạnh tranh từ Trung Quốc cũng đang gây sức ép tới ngành thép Việt Nam.
SSI dự báo, năm 2025, lợi nhuận của ngành thép Việt Nam có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng tích cực nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2024.
Trong đó, HPG có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách bảo hộ.
Ngoài ra, thép xây dựng và HRC ít phụ thuộc vào xuất khẩu khi tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 20% và 35% tổng sản lượng trong 11T2024, so với mức 56% đối với thép mạ kẽm.
Lợi nhuận của HSG dự kiến sẽ tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định sau khi lỗ lớn.
Động lực tăng trưởng dự kiến đến từ từ sự phục hồi của giá thép và sản lượng tiêu thụ nội địa cao hơn (mang lại biên lợi nhuận cao hơn so với xuất khẩu).
Ngược lại, lợi nhuận của NKG dự kiến sẽ đi ngang do phụ thuộc nhiều hơn vào kênh xuất khẩu và mức nền lợi nhuận cao trong năm 2024.
Bình luận (17)