Hãy là người đầu tiên thích bài này
Ngành phân bón phục hồi mạnh

Thay vì phân hóa trong cùng kỳ năm trước, diễn biến phục hồi đồng đều ở toàn ngành phân bón trong quý III cũng như chín tháng đầu năm nay.

Giá phân bón Ure hiện vẫn giao dịch quanh mức 320USD/tấn, vẫn cách khá xa so với vùng giá giao dịch 800 - 1.000USD/tấn trong giai đoạn “đỉnh cao” đầu năm 2022.

Tuy nhiên, giá phân bón hiện tại đã có sự phục hồi đáng ghi nhận khoảng 15-20% so với vùng đáy 275USD/tấn thiết lập nửa đầu năm nay, theo thông tin cập nhật từ Trading Economics.

Giá phân Ure dần phục hồi từ mức nền tích lũy. Ảnh: Trading Economics

Sự phục hồi nhẹ của giá phân bón trên thị trường thế giới đã góp phần kéo giá phân bón trong nước tăng theo. Nhờ đó, lợi nhuận quý III/2024 của các doanh nghiệp phân bón có sự cải thiện so với cùng kỳ dù kết quả doanh thu chưa thực sự phục hồi rõ nét.

Đáng chú ý, xu hướng tích cực trong cả trung dài hạn, sự phục hồi được lan tỏa đồng đều cả toàn ngành.

Sự dẫn dắt từ các “ông lớn”

Duy trì vị thế hàng đầu trong ngành, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đã công bố doanh thu thuần giảm gần 13%, đạt 2.634 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán được tiết giảm mạnh giúp biên lợi nhuận gộp của công ty tăng mạnh từ 6% lên 14%, qua đó lãi gộp của Đạm Cà Mau trong kỳ đã tăng gần gấp đôi lên 375 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp phân bón này ghi nhận 121 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 64% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau thu về 9.242 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.056 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 133% kế hoạch lợi nhuận nhờ kết quả “bùng nổ” trong hai quý đầu năm.

Trong khi đó, những nỗ lực trong duy trì thị phần đã giúp Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) giữ được vị thế số 1 về doanh thu trong ngành với hiệu quả kinh doanh tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, quý III/2024, doanh thu thuần của công ty đạt 3.077 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ.

Bù lại, doanh thu tài chính tăng gần năm lần lên 159 tỷ đồng nhờ các khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay. Trong khi đó, các chi phí hoạt động chỉ tăng khoảng 20-30%.

Kết quả, Đạm Phú Mỹ lãi trước thuế tăng 26% lên gần 95 tỷ đồng và lãi ròng tương đương mức cùng kỳ do công ty hạch toán hoàn chi phí thuế trong năm ngoái.

Tính chúng ba quý, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 10.490 tỷ đồng và lãi ròng 570 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 25% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, công ty đã sớm vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Một “ông lớn” khác trong ngành là Công ty CP DAP – Vinachem cũng ghi nhận doanh thu 761 tỷ đồng trong quý III/2024, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ chi phí bán hàng giảm một nửa, lợi nhuận của Vinachem tăng tới 183% lên gần 25,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Vinachem đạt tổng doanh thu thuần 2.468 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãi ròng tăng đột biến lên gần 111 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần so với cùng kỳ năm 2023, qua đó vượt kế hoạch lợi nhuận năm

Doanh nghiệp nhỏ đồng pha

Thay vì phân hóa như tình hình trong cùng kỳ năm ngoái với sự “thụt lùi” của các “ông lớn”, diễn biến phục hồi được nhận thấy đồng đều ở toàn ngành phân bón trong quý III cũng như cả chín tháng đầu năm nay.

Công ty CP Phân bón Bình Điền công bố doanh thu suy giảm 25% do tác động lớn bởi theo xu hướng chung khi qua cao điểm vụ Hè Thu. Dù vậy, công ty vẫn ghi nhận lãi ròng tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.

Nhờ hai quý đầu năm “tỏa sáng”, tính chung lũy kế 9 tháng, Phân bón Bình Điền vẫn tăng doanh thu 8%, đạt gần 6.900 tỷ đồng; lãi ròng 285 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Qua đó, doanh nghiệp gần hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và vượt tới 94% mục tiêu lợi nhuận năm.

Là “điểm sáng” trong ngành, Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý III.

Doanh thu thuần đạt hơn 812 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm nữa, nhờ giá vốn hàng bán giảm gần 2% so diễn biến tích cực từ giá nguyên liệu đầu vào giúp lợi nhuận gộp tăng 12%, đạt 125 tỷ đồng.

Kỳ này, doanh thu tài chính tăng mạnh gần bốn lần từ 893 triệu đồng lên gần 3,6 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tiền gửi và cho vay. Khấu trừ chi phí, công ty ghi nhận 33 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý III/2024, tăng 14% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm, Supe Phốt Phát và hóa chất Lâm Thao ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.862 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, cũng như doanh thu tài chính tăng giúp công ty đạt 152 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 62%.

Tiếp diễn xu hướng phục hồi

Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo nhu cầu tiêu thụ phân Ure tăng 6% trong giai đoạn 2024 – 2028.

Riêng tại Việt Nam, AgroMonitor dự báo nhu cầu tiêu thụ Ure trong 2024 tăng khoảng 13% so với niên vụ 2022 – 2023 nhờ xuất khẩu nông sản Việt Nam kỳ vọng tích cực, giúp gia tăng lượng phân bón tiêu thụ trong khi nguồn cung xuất khẩu gạo thế giới chưa cải thiện.

Theo phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset, giá phân Ure tiếp tục kỳ vọng phục hồi sau giai đoạn tích lũy quanh vùng giá thấp. Thêm nữa, giá dầu và than cốc đang ở quanh vùng thấp nhất trong 3 năm, tạo thuận lợi cho chi phí đầu vào.

Ngoài ra, một trong những nội dung được ngành phân bón mong chờ nhất là dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng nếu thông qua, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này sẽ giúp các doanh nghiệp phân bón được hoàn thuế đầu vào.

Tổ chức này tính toán lợi nhuận năm 2025 của Đạm Cà Mau hay Vinachem có thể tăng tới 20% nếu không thông qua luật (áp thuế VAT 5%); thậm chí lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ có thể tăng gần gấp đôi lên mức 1.668 tỷ đồng so với 956 tỷ đồng.

Ở một góc nhìn tổng quan, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng nhu cầu phân bón tiếp tục được tăng cao khi Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 3,2 - 4% trong năm 2024, với lĩnh vực trồng trọt dự kiến tăng 2 - 2,2%. Điều này dự báo nhu cầu phân bón sẽ tiếp tục gia tăng để đáp ứng kế hoạch canh tác.

Bên cạnh đó, xuất khẩu phân bón dự báo sẽ phục hồi, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường sang Châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn.

Đáng chú ý, trong bối cảnh tỷ giá biến động khó lường, doanh nghiệp trong ngành it chịu áp lực về rủi ro tỷ giá vì dư nợ vay USD thấp. Thay vào đó, yếu tố giá Ure trong nước và xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dũng Phạm

Link gốc

Bình luận (1)

phục hồi mà giá cổ như đống ***
15:37
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long