Hãy là người đầu tiên thích bài này
Nên gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán?

Đến hết tháng 7, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng ở mức khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, con số này tăng hơn 300.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Tiền gửi dân cư vào ngân hàng cao kỷ lục

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 7, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng ở mức khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, con số này tăng hơn 300.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể theo số liệu thống kê mới nhất liên quan đến tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế vào hệ thống tổ chức tín dụng, tiền gửi của dân cư 7 tháng đầu năm nay tăng gần 4,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, con số lũy kế tuyệt đối là cao nhất từ trước đến nay, nhưng tốc độ tăng lại thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ hai năm trước, lần lượt là 8,9% và 6,2%. Giá trị tăng thêm hơn 300.000 tỷ đồng cũng thấp hơn so với con số tăng thêm cùng kỳ của hai năm trước.

Ngoài ra trong khi tiền gửi dân cư tăng, lượng tiền gửi của các tổ chức giảm nhẹ 1,07% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 6,7 triệu tỷ đồng.

Người dân tìm kiếm kênh đầu tư

Một lượng tiền gửi lớn vào ngân hàng phản ánh xu hướng người dân đang ưu tiên tìm kiếm sự an toàn cho dòng tiền, khi nhiều kênh đầu tư khác vẫn còn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu rủi ro. Hơn nữa, lãi suất tiết kiệm đang hấp dẫn hơn trong nhiều tháng gần đây. Cụ thể trong vòng nửa năm qua, mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng đã tăng từ 5% lên 6,2%/năm.

Tính đến giữa tháng 9, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống tăng thêm 0,3-0,5% so với mức đáy vào cuối tháng 4. Dù một số kỳ hạn vẫn thấp hơn khoảng 0,1-0,3% so với thời điểm này năm ngoái, song ưu tiên an toàn là tâm lý dễ thấy của nhiều khách hàng.

Anh Nguyễn Anh Quân - Quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Trước đây, tôi dành 40% đầu tư các kênh khác vì khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên có tính rủi ro cũng lớn nên hiện nay, tôi giảm xuống còn 20%. Và tôi cũng nhận thấy, với chính sách lãi suất tiết kiệm của ngân hàng đang ngày một nhích tăng, tôi vẫn tin tưởng lựa chọn".

Tính đến hết tháng 9, lượng tiền gửi dân cư gửi vào hệ thống này tăng khoảng 18% - tức là cao gấp gần 4 lần mức tăng chung của toàn ngành. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (gọi tắt là Casa) đã tăng cao giúp ngân hàng chủ động cân đối được giá vốn đầu vào và đầu ra.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) chia sẻ: "Với lượng tiền gửi Casa thì cũng tăng liên tục, chiếm khoảng 40% trong cơ cấu tiền gửi của dân cư tại MB. Do đó, chúng tôi cũng có được giá vốn phù hợp để cung cấp được tín dụng với giá cả phải chăng cho những người có nhu cầu vay vốn".

Nhiều nhà đầu tư đang trông đợi vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III và những điều chỉnh mới sẽ mang lại sự sôi động cho thị trường chứng khoán

Dù đem lại hiệu ứng tích cực cho ngân hàng, song điều này cũng cho thấy: ngoài gửi tiết kiệm, người dân dường như đang có khá ít kênh đầu tư để lựa chọn. Đơn cử như với trái phiếu, hiện là sân chơi dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Còn trên thị trường chứng khoán,chỉ số VN-Index gặp khó khăn trước ngưỡng 1.300 điểm. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên giảm 8,5% so với tháng trước và giảm 24% so với mức bình quân 5 tháng. Số tài khoản cá nhân trong nước mở mới giảm một nửa chỉ trong một tháng. Nhiều nhà đầu tư đang trông đợi vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III và những điều chỉnh mới sẽ mang lại sự sôi động cho thị trường.

Anh Nguyễn Thiện An - Quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu ý kiến: "40% tôi sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng để đảm bảo an toàn cũng như hưởng mức lãi suất ổn định, 60% còn lại tôi sẽ mang đi đầu tư vào chứng khoán".

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định: "Chính phủ hiện tại đang có những nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, bao gồm những việc như cố gắng nâng hạng thị trường, đẩy mạnh tính minh bạch trên thị trường chứng khoán để thị trường có thể phát triển ổn định".

Việc phát triển cân đối các kênh đầu tư trên thị trường vốn giúp người dân có thêm lựa chọn phù hợp cho mục tiêu đầu tư của mình. Đồng thời giúp giảm áp lực với hệ thống ngân hàng khi đầu ra vẫn đang chưa như kỳ vọng.

Tín dụng vào mùa tăng trưởng

Trong lúc chờ đợi những kênh huy động khác đang phát huy sức hấp dẫn, trước mắt, các ngân hàng vẫn sẽ khai thác tối ưu hơn 14 triệu tỷ đồng tiền gửi hiện có của cá nhân và tổ chức để phát triển nền kinh tế. Đồng thời phải cân đối chi phí hoạt động, làm sao để tăng lãi suất huy động nhưng không làm tăng lãi suất cho vay, tránh gây áp lực trả nợ với người dân và doanh nghiệp.

Bởi quý IV cũng là thời điểm mùa vụ tín dụng được dự báo là sẽ tăng mạnh. Việc hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, tối ưu hoá hiệu quả dòng vốn đang được tích cực triển khai, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành của ngân hàng năm nay đạt 15% trong cả năm nay.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế đang cải thiện rõ rệt qua từng tháng

Vừa ký thêm được một loạt hợp đồng mới cho quý IV, doanh nghiệp này nhanh chóng vay thêm hàng chục tỷ đồng mua sắm thiết bị, phục vụ cho việc sản xuất phát điện công suất lớn. Doanh nghiệp rất vui vì lãi suất giờ đây đã thấp hơn khoảng 1-2% so với đầu năm, giải ngân lại nhanh chóng và vay tín chấp cũng được chấp thuận.

Ông Trần Thành Trọng - Tổng Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai nhận định: "Hiện nay, chúng tôi vay gói thấp nhất là khoảng 6,5%, gói cao nhất là 10,5%, tùy tỷ lệ tín chấp".

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế đang cải thiện rõ rệt qua từng tháng. Điều này giúp tốc độ giải ngân vốn tín dụng của nhiều ngân hàng trong quý III cũng được cải thiện mạnh mẽ. Như ngân hàng này, mức tăng tín dụng đã đạt gần 14% và khả năng sẽ phải xin thêm hạn mức để cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TP Bank cho biết: "Chúng tôi đã tăng trưởng tín dụng được 13,9%. Theo như cách phân bổ vốn tín dụng mới của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi được 18%. Chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng hết hạn mức này và nếu được tăng thêm, chúng tôi hoàn toàn có khả năng tăng được thêm".

Không chỉ sản xuất, tín dụng tiêu dùng mà đặc biệt lĩnh vực bất động sản cũng đang thu hút được dòng vốn. Không chỉ lãi suất vay đã ở mức dễ chịu hơn mà nhiều ngân hàng cũng hỗ trợ thủ tục nhanh gọn hơn cho khách hàng .

Ông Nguyễn Văn Hương - Quyền Tổng Giám đốc PG Bank đưa ra nhận định: "Lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng sẽ duy trì ở mức thấp. Đây là một điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp đặc biệt là nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh tích trữ hàng hóa, phục vụ cho Tết Nguyên đán sắp tới, nhóm khách hàng cá nhân thứ hai là nhóm tiêu dùng, mua xe ô tô đi lại và mua nhà".

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TP Bank cho biết: "Các phân khúc vay tiêu dùng, mùa cuối năm cũng thường là mùa tiêu dùng tăng lên. Chúng tôi sẽ có thể có những dư địa để tăng trưởng được. Ngoài ra, những khách hàng sản xuất, kể cả những khách hàng doanh nghiệp lớn đến nay họ cũng có những phát sinh nhu cầu tín dụng khá lớn nên hoàn toàn có dư địa cho ngân hàng tăng tín dụng".

Mặt bằng lãi suất thấp, có nghĩa là giá vốn rẻ, sẽ kích thích nhu cầu vay vốn. Dịp cuối năm cũng là mùa mua sắm, tiêu dùng, giao thương sôi động nhất trong năm. Nên nhu cầu về vốn chắc chắn sẽ tăng mạnh. Và tín dụng vì thế càng có cơ hội để tăng tốc.

Link gốc

Bình luận (10)

Gửi tk cho khoẻ
17:18
 2
nên mua vàng, ko nên giữ tiền
17:42
 3
Ăn nhậu
17:49

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long