Hãy là người đầu tiên thích bài này
Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Doanh nghiệp tìm cách thích ứng

Trước bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (dự kiến từ ngày 9-4), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành phẩm… Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục đàm phán với Mỹ để áp dụng mức thuế phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, xuất khẩu.

Xuất khẩu hàng may mặc là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Đa dạng hóa thị trường

Thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với các mặt hàng chủ lực như: May, đồ điện tử (điện thoại thông minh, máy tính bảng), phụ tùng ô tô, xe gắn máy, máy công nghiệp… Khi bị áp dụng mức thuế mới 46% vào thị trường Mỹ, tăng cao hơn từ 10-22% so với hiện nay (tùy loại sản phẩm), các DN đứng trước nguy cơ tuột mất thị trường Mỹ vào tay các đối thủ cạnh tranh, nhất là đối thủ đến từ các nước Ấn Độ, Indonesia.

Ngoài ra, việc Mỹ đánh thuế cao lên tất cả các thị trường có thể làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới sức tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng...

Ở một góc độ khác, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, nhận định: Hiện nay, các DN trong KCN tỉnh đang giải quyết việc làm cho gần 90.000 lao động, với mức thu nhập từ 9-15 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn DN có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, khi hàng xuất khẩu từ Việt Nam bị đánh thuế 46%, chi phí xuất khẩu bị đội lên quá cao, các tập đoàn này có thể xem xét chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia khác có ưu đãi thương mại tốt hơn, dẫn đến nguy cơ rút vốn hoặc ngưng mở rộng đầu tư tại tỉnh. Từ đó làm giảm cơ hội việc làm, thu nhập, tiêu dùng và nguồn thu ngân sách.

Trước bối cảnh trên, nhiều DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; nỗ lực hạ giá thành phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - đơn vị chuyên xuất khẩu các sản phẩm may sang thị trường Mỹ (chiếm 30% cơ cấu doanh thu), ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty, chia sẻ: Năm 2025, TNG đặt mục tiêu doanh thu 7.736 tỷ đồng (tăng 44% so với năm trước). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 358 triệu USD. Trước mắt, Mỹ tăng thuế không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Bởi ngay từ đầu năm, TNG đã nỗ lực tìm kiếm và xác lập các đơn hàng may đến hết quý II/2025. Trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng, chúng tôi đã làm việc với tất cả khách hàng tại Mỹ đang nhập hàng của TNG, họ đều trả lời rằng vẫn tiếp tục mua hàng của TNG.

Từ nay đến cuối năm, TNG chủ trương các thị trường xuất khẩu đều không vượt quá 30% thị phần, phân bổ đều, tránh rủi ro khi có biến động. Đơn cử như thị trường xuất khẩu Mỹ, tính đến thời điểm đơn hàng đến tháng 7-2025, TNG cũng chỉ đạt ngưỡng 26-30%. 

Tương tự tại một số DN may xuất khẩu khác, như: Công ty CP May Thành Hưng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT…, chúng tôi ghi nhận hoạt động sản xuất vẫn ổn định, duy trì mục tiêu tăng trưởng cả năm. Theo đó, các đơn vị này cũng đang tích cực mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á để giảm lệ thuộc vào Mỹ. 

Còn tại Công ty TNHH Minh Bạch (ở TP. Sông Công) - chuyên xuất khẩu thiết bị đối trọng xe nâng, bà Trịnh Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty, chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, Công ty xuất khẩu từ 2.000-2.500 tấn sản phẩm sang thị trường Mỹ. Nếu Mỹ tăng mức thuế lên 46% thì sản phẩm của Minh Bạch không thể cạnh tranh vì không có lợi nhuận. Hiện tại, chúng tôi đã tạm dừng các lô hàng xuất khẩu của tháng 4-2025 để chờ đợi kết quả đàm phán của Việt Nam và Mỹ. Trường hợp mức thuế giữ nguyên, đơn vị sẽ phải đàm phán với các bạn hàng để nhận được chia sẻ, hỗ trợ về chi phí sản xuất.

Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II). Ảnh: T.L

Tiếp tục đàm phán, hỗ trợ doanh nghiệp

Từ thực tế cho thấy, việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% vào các mặt hàng Việt Nam chủ yếu nhằm mục tiêu giảm thâm hụt thương mại. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không phải trực tiếp với DN của Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Do đó, cùng với các giải pháp tự thân của DN, Chính phủ đang nỗ lực đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế, từ đó hỗ trợ các DN.  

Tối 7-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để cập nhật tình hình với các diễn biến mới, tiếp tục thảo luận về các giải pháp sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là cuộc họp thứ 3 của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành trong 5 ngày qua.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam đề nghị Mỹ hoãn áp thuế với Việt Nam ít nhất 45 ngày để đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái. Việc này cũng giúp Việt Nam có thể tiếp cận và đàm phán với phía Mỹ để đạt thỏa thuận song phương, tiến tới cân bằng thương mại bền vững, có lợi cho cả hai bên, không ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trước đó (đêm 5-4), ngay sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã lên đường sang Hoa Kỳ để đàm phán đưa thuế suất về 0% với tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến". Phản ứng nhanh chóng của Chính phủ được kỳ vọng sẽ đem đến kết quả đàm phán có lợi hơn cho phía Việt Nam, trước mức thuế rất cao mà Chính phủ Mỹ tuyên bố áp dụng. Cộng đồng DN cũng kỳ vọng sẽ có những thông tin tích cực để lên kế hoạch ứng phó hợp lý.

Theo các chuyên gia, cùng với đàm phám điều chỉnh thuế suất, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ; cụ thể hóa việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, qua đó truyền tải thông điệp tích cực, minh chứng cho việc Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng cân bằng, hài hòa và cùng có lợi.

Về phía DN xuất khẩu nói chung, các chuyên gia khuyến nghị cần tăng cường nắm bắt, cập nhật thông tin để điều tiết chiến lược kinh doanh và phản ứng kịp thời; tuân thủ chặt chẽ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, an toàn lao động để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; xem xét khả năng đàm phán với các nhà nhập khẩu để chia sẻ gánh nặng thuế đối ứng, hỗ trợ DN nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này...

- Ngày 2-4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế đối kháng có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, theo đó thuế suất đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 46% 

- Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 30 tỷ USD (tăng 9% so với năm trước). Tính đến hết tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,7 tỷ USD. 

Hoàng Cường

Link gốc

Bình luận (12)

Trần đời chưa thấy cái báo nào có tính thời sự như này
07:10
 10
vẫn viết bài rồi vẫn thuế 46 . ng u dốt nó vừa thôi chứ , chim lợn bà con thất đức hả ?
07:12
 7
KAI viết bài nhưng quên đăng ấy mà , hài thật
07:13
 2

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long