Hãy là người đầu tiên thích bài này
MWG: Tiền nở ra tiền

Tính đến ngày 30/9/2024, Thế Giới Di Động đã phân bổ hơn 11.000 tỉ đồng vào trái phiếu và đầu tư khác có kỳ hạn dưới 1 năm.

Với khả năng kinh doanh tốt, việc các công ty bán lẻ hàng đầu tích lũy được nhiều tiền mặt không phải là điều mới mẻ. Ảnh: TL

Sau 9 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) báo lãi  trước thuế 3.700 tỉ đồng. Trong đó, hoạt động tài chính mang lại mức lãi hơn 700 tỉ đồng cho gã khổng lồ bán lẻ Việt Nam, bao gồm hơn 300 tỉ đồng từ chênh lệch vay tiền và gửi tiền tại các ngân hàng và đáng chú ý là hơn 410 tỉ đồng từ hoạt đồng đầu tư trái phiếu, trong khi cùng kỳ hoạt động này chỉ đem về 5 tỉ đồng lợi nhuận.

Càng có nhiều tiền thì càng có cơ hội kiếm ra nhiều tiền hơn. Điều này có lẽ đúng với MWG. Công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có khoản tiền và tương đương tiền lên tới hơn 1 tỉ USD và vấn đề đặt ra cho một nhà quản lý tiền mặt có năng lực là phải tìm được mức lãi vượt trội hơn lãi suất huy động, trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn cho khoản tiền đó, đồng thời cân đối được dòng tiền của Công ty.

Trong khi một số công ty khác, cũng có lượng tiền và tương đương tiền đáng kể, thường chỉ đầu tư vào tiền gửi thì theo tìm hiểu của NĐCT, MWG đã tham gia sâu hơn vào trái phiếu ngắn hạn và thị trường tiền tệ. Tính đến ngày 30/9/2024, MWG phân bổ hơn 11.000 tỉ đồng vào trái phiếu và đầu tư khác có kỳ hạn dưới 1 năm.

Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, MWG từng ghi nhận đầu tư 1.611 tỉ đồng vào trái phiếu ngắn hạn. Tại thời điểm đó, MWG đang nắm giữ trái phiếu của hơn 10 tổ chức phát hành. Công ty cho biết thêm, 80% không liên quan đến ngành bất động sản và là trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp tài chính, sản xuất, dịch vụ. Việc MWG ghi nhận lãi từ hoạt động trái phiếu lên tới 300 tỉ đồng trong quý III vừa qua có thể là vì Công ty thực hiện tất toán các trái phiếu đầu tư.

Trả lời NCĐT về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho biết: “Hoạt động kinh doanh nguồn là một hoạt động khá phổ biến đối với các doanh nghiệp sở hữu một lượng tiền mặt lớn bằng cách cho vay các công ty đối tác để hưởng chênh lệch lãi suất. Năm 2023 MWG ghi nhận thu nhập ròng từ hoạt động này là 610 tỉ đồng, con số cao nhất kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động với quy mô tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn tại thời điểm chiếm 40% cơ cấu tổng tài sản. Một cách khách quan, hoạt động này trong năm vừa qua đã đem lại một nguồn thu đáng kể giúp kết quả kinh doanh trong năm của Tập đoàn không bị âm khi mà doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ đi kèm theo chiến lược cạnh tranh giá”. 

Ông Trung phân tích thêm: “Một số doanh nghiệp có lợi thế lớn về quy mô và thương hiệu thì có lợi thế khi thương lượng với các ngân hàng trong việc vay vốn lưu động lãi suất thấp, đồng thời gửi tiền tiết kiệm với lãi suất tốt hơn. Điều này cũng giúp hoạt động “kinh doanh tiền” của các công ty vô cùng tối ưu và hiệu quả”.

Thời đại tiền rẻ, tiền liên tục được bơm vào thị trường. Với khả năng kinh doanh tốt, việc các công ty bán lẻ hàng đầu tích lũy được nhiều tiền mặt không phải là điều mới mẻ. Amazon, gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ, cũng nổi tiếng với khoản tiền mặt tích lũy được ngày càng phình to, dự báo lên đến 100 tỉ USD vào cuối năm nay. Đào sâu vào báo cáo tài chính của công ty do tỉ phú Jeff Bezos đứng đầu có thể thấy hoạt động đầu tư tài chính cũng diễn ra rất sôi động. Cụ thể, tổng giá trị mua - bán chứng khoán trong hoạt động tài chính của công ty này lên tới hơn 26 tỉ USD, đa phần là trái phiếu ngắn hạn và có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.

Ông Trung nhìn nhận: “Lượng tiền mặt dồi dào của những doanh nghiệp như Vinamilk, Thế Giới Di Động hay Hóa Chất Đức Giang là hệ quả của một quá trình doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn đầu tư phát triển mở rộng, sau đó bước vào giai đoạn kinh doanh ổn định mà không cần phải tốn thêm nhiều chi phí”.

Tuy nhiên, ông Trung cũng khuyến cáo, nếu xét trên phương diện lợi ích cho cổ đông, việc nắm giữ tiền mặt quá nhiều được xem là một tín hiệu không tích cực, điều này ngầm hiểu rằng doanh nghiệp có thể sẽ mất động lực tăng trưởng trong tương lai khi không được sử dụng để tiếp tục đầu tư phát triển. Về dài hạn, vị chuyên gia đến từ TCSC cho rằng: “MWG sẽ cần phải phân bổ lại nguồn tiền nhàn rỗi để tiếp tục tài trợ và mở rộng các mảng kinh doanh hiện tại bao gồm Bách Hóa Xanh và chuỗi cửa hàng EraBlue tại Indonesia cho đến khi đi vào giai đoạn mang lại lợi nhuận một cách ổn định”.

Thực tế, dù lợi nhuận năm 2024 của MWG có thể quay lại đạt mức 4.000-5.000 tỉ đồng như thời đỉnh cao của năm 2021, nhưng về EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) thì vẫn kém rất xa. Trong một báo cáo cập nhật mới nhất, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá kết quả kinh doanh quý III của MWG là thấp hơn kỳ vọng. BVSC đang nhìn thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo kết quả kinh doanh của MWG cho năm 2024, dù vẫn tin vào triển vọng tích cực cho năm 2025 với sự chuyển mình mạnh mẽ của chuỗi Bách Hóa Xanh.

Link gốc

Bình luận (2)

Bác nói với các cháu mãi... mà không thèm nghe...♥️🤣♥️
Tiền nở ra tiền đúng rồi...căn bản nó nở ra bao nhiêu...haha♥️🤣♥️
Để coi tụi bây..cho nó nở ra..35 hay giá 30 ...♥️🤣♥️🤣
07:00
59.20 cổ phiếu gần chạm sàn đáy củ 2024, tích cực hay không thì không biết đầu năm 2025 mà giá thế này thì chết NĐT Anh tài ơi 😗!
11:29

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long