Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ thông tin, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp; cũng như các tiêu chí bình chọn (tính đột phá, sự khác biệt, nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển) của các phân ngành năng lượng, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật trong năm 2024 của ngành năng lượng Việt Nam:
1. Tái khởi động lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân Việt Nam.
Tiếp theo kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII), ngày 25/11/2024 về thống nhất chủ trương phát triển điện hạt nhân Việt Nam, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã biểu quyết thông qua chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong khoảng thời gian rất ngắn, BCHTW Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách mạnh mẽ đối với dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của nguồn điện này trong “kỷ nguyên mới của dân tộc”. Nhưng để sớm hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Bước tiếp theo, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần phải hành động quyết liệt, cụ thể, chi tiết cho các hạng mục công việc đầu tiên. Cụ thể là:
Thứ nhất: Chuẩn bị ngân sách cho các hoạt động chuẩn bị bổ sung điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII.
Thứ hai: Hiện tại, 2 vị trí tại Ninh Thuận vẫn còn khả thi cho việc phát triển 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, để điện hạt nhân thực sự có vai trò nền tảng và đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp phụ trợ, cần phải có một tầm nhìn dài hạn cho 30-50 GW điện hạt nhân tới năm 2050, với dự kiến tối thiểu 10 vị trí khả thi. Do vậy, đây là công việc cần đánh giá (lại), tiếp nối các nghiên cứu trước đây.
Thứ ba: Lập cập nhật (lại) các báo cáo đánh giá công nghệ mới nhất về điện hạt nhân (bao gồm công nghệ, giá thành, vận hành, quản lý và xử lý chất thải phóng xạ...). Cần một báo cáo nghiên cứu nghiêm túc và độc lập để có thể cung cấp đầu vào cho Quy hoạch điện hiệu chỉnh và quyết định chủ trương đầu tư các dự án.
Thứ tư: Thiết lập liên lạc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ này ngay từ trước khi đưa vào Quy hoạch điện, đảm bảo tính khả thi sau khi đã đưa vào Quy hoạch điện hiệu chỉnh. Sự hỗ trợ này có thể dưới nhiều hình thức và đều có quy trình tiến hành chặt chẽ.
Thứ năm: Cần sớm thành lập “Ban Chỉ đạo Quốc gia về Điện hạt nhân Việt Nam” để điều phối công việc chuẩn bị, trước khi chương trình điện hạt nhân được bổ sung vào Quy hoạch điện, cũng như thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư dự án.
Thứ sáu: Thành lập “Nhóm chuyên gia tư vấn về công nghệ, an toàn, đào tạo và hợp tác quốc tế về điện hạt nhân” để tư vấn cho Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành... về những vấn đề liên quan trong quá trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam.
2. Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Luật Điện lực năm 2024 thay thế Luật Điện lực ngày 3/12/2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), sau gần 20 năm triển khai thi hành. Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025.
Theo các đánh giá, Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương, 81 Điều đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước, cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn (như quy hoạch, đầu tư công trình điện lực, thị trường điện, phát triển năng lượng tái tạo) bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan.
Đặc biệt, Luật bổ sung nhiều quy định để phần nào tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài như: Nội dung phương án phát triển điện lực cấp tỉnh; cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ; khung quy định cho phát triển nhanh và bền vững các nguồn năng lượng tái tạo...
3. Ban hành một số Nghị định quan trọng hỗ trợ năng lượng tái tạo: Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (tự sản xuất, tự tiêu thụ); Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
3.1. Chính sách điện mặt trời đã được người dân, doanh nghiệp chờ đợi gần 4 năm qua đã có hành lang pháp lý: Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (tự sản xuất, tự tiêu thụ).
Theo các nghiên cứu gần đây, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà của Việt Nam là trên 140 GW. Việt Nam hiện có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Trong đó, có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao có tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà ước tính gần 22 GW (nếu mỗi khu công nghiệp cho phép lắp đặt 50 MW).
Đặc biệt, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời sẽ mang lại lợi ích lớn khi số năm thu hồi vốn hiện nay có thể giảm còn hơn 3 năm. Trong đó, nhóm ngành điện tử, bán dẫn, dệt may, giày da, gỗ, chế biến chế tạo... đều muốn lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng, vừa để giảm tiền điện, vừa đạt các chứng chỉ xanh trong xuất khẩu.
Việc áp dụng các ưu đãi về thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính là những yếu tố giúp doanh nghiệp và hộ gia đình dễ dàng triển khai hệ thống điện mặt trời. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, mà còn là một bước tiến chiến lược trong việc chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
3.2. Với Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) - đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp lớn ký kết hợp đồng mua điện trực tiếp từ các nhà phát điện năng lượng tái tạo, hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. DPPA không chỉ tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh trong thị trường điện, mà còn hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh.
Cơ chế DPPA sẽ tạo thêm cơ hội với các quy định mới cho ‘người mua’ và ‘người bán’ trong thị trường điện, đa dạng hóa thị trường mua bán điện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát điện năng lượng tái tạo có điều kiện vay vốn đầu tư dự án, giảm rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp (khách hàng lớn) có thể đạt được Chứng chỉ năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ cho doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững.
4. Thi công kỷ lục dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) và lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước làm chủ thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500 kV có công suất lớn nhất trên lưới điện truyền tải Việt Nam.
4.1. Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh. Đây là dự án với lần đầu tiên có sử dụng kết cấu xây dựng cột thép ống hai mạch, dây dẫn phân pha tiết diện 4x500 mm2 và 4x400 mm2 (khác với đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2 trước đây). Dự án được thi công thần tốc trong hơn 6 tháng để hoàn thành đóng điện toàn tuyến, với chiều dài 519 km (từ Quảng Trạch - Quảng Bình đến Phố Nối - Hưng Yên).
Đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) là các công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, bổ sung công suất từ khu vực Bắc Trung bộ cho khu vực miền Bắc, giảm tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu, đảm bảo tiêu chí N-1.
Từ dự án đường dây 500 kV mạch 3, chúng ta đã rút ra được một số bài học về công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; sự chung sức đồng lòng các cấp chính quyền và người dân địa phương; nỗ lực, cố gắng của tất cả các lực lượng tham gia xây dựng và vai trò quan trọng của công tác truyền thông... Đây là những bài học quý để áp dụng cho các dự án trọng điểm tiếp theo, nhằm đảm bảo nguồn điện, lưới điện cho sự phát triển của đất nước trong tương lai tới.
4.2. Ngày 16/12/2024, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã xuất xưởng máy biến áp 500 kV - 900 MVA (3x300 MVA). Đây là thành quả của tinh thần lao động sáng tạo, sự nỗ lực vượt bậc của tập thể kỹ sư, công nhân lao động EEMC khi lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500 kV có công suất lớn nhất trên lưới điện truyền tải Việt Nam.
Từ năm 1995, EEMC đã chế tạo thành công máy biến áp (MBA) cao áp đầu tiên 110 kV-25 MVA mang thương hiệu Made in Vietnam. Năm 2003 EEMC tiếp tục chế tạo thành công MBA cấp truyền tải 220 kV - 125 MVA, và tháng 10/2010 EEMC cho ra lò MBA 500 kV - 450 MVA (3x150).
Việc thiết kế, chế tạo thành công MBA 500 kV - 3x300 MVA đã giúp EEMC đào tạo được đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư công nghệ, quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề để làm chủ dây chuyền thiết bị công nghệ chế tạo máy biến áp 500 kV. Thành công này cũng là tiền đề để EEMC tiếp tục phấn đấu nghiên cứu phát triển sản phẩm mới như: Biến dòng điện, biến điện áp, kháng điện 500 kV, trạm GIS cách điện bằng khí trơ, dao cách ly… từng bước nội địa hóa các thiết bị điện chính trên lưới điện Việt Nam.
5. Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam - PVN) hạ thủy, bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho nhà đầu tư điện gió số một thế giới và khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới.
5.1. Với việc hạ thủy, bàn giao chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án CHW2204 của khách hàng Orsted (Đan Mạch) - nhà đầu tư, phát triển điện gió ngoài khơi số một thế giới hiện nay - đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn và ghi danh trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới. Dự án gồm 33 chân đế, mỗi chân đế cao khoảng 85 mét và nặng khoảng 2.300 tấn, tạo hơn 3.000 việc làm cho Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và gần 100 nhà cung cấp trong nước.
5.2. Còn với dự án Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới - đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp điện gió ngoài khơi sang thị trường năng lượng châu Âu. Các cấu kiện chính của dự án sẽ được chế tạo tại công trường của PTSC tại TP. Vũng Tàu - một căn cứ cảng trọng điểm ở khu vực phía Nam Việt Nam.
Từ các sự kiện trên cho thấy, ngoài các lĩnh vực truyền thống, PVN đã lĩnh xướng vai trò tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Từ những cam kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài trước đây, năm 2024, đơn vị thành viên của mình là PTSC tiếp tục thúc đẩy, cụ thể hóa hoạt động đầu tư, thi công các dự án điện gió ngoài khơi ở trong và ngoài nước.
6. Đoàn tàu mang theo 16 bồn ISO chứa LNG nhiên liệu đã hoàn thành hành trình 1.700 km trên tuyến đường sắt từ Nam ra Bắc an toàn.
Sau sự kiện chuyến hàng LNG đầu tiên cập cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2023 - đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng sạch Việt Nam; ngày 9/9/2024, đoàn tàu mang theo 16 bồn ISO chứa LNG nhiên liệu đã hoàn thành hành trình 1.700 km trên tuyến đường sắt từ Nam ra Bắc, về tới ga Đông Anh (Hà Nội) an toàn, đúng lịch trình. Tại đây, LNG được chuyển sang các xe bồn chuyên dụng để phục vụ các hộ tiêu thụ công nghiệp tại miền Bắc.
Sự khởi đầu thành công của hoạt động vận chuyển LNG Nam - Bắc đánh dấu một chương mới cho ngành công nghiệp khí, cũng như ngành vận tải đường sắt tại Việt Nam. Hoạt động này đã nâng cấp chuỗi cung ứng LNG của PV GAS nói riêng và hoàn thiện bản đồ năng lượng quốc gia nói chung. Đây là nền tảng quan trọng để PV GAS tiếp tục phát triển chuỗi giá trị sản phẩm khí và gói giải pháp năng lượng toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường khí Việt Nam.
7. Khởi công dự án Nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất thế giới (khi hoàn thành cả 3 giai đoạn) tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 20/7/2024, Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy đã khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa (tại Củ Chi, TP. HCM).
Giai đoạn 1 của nhà máy được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 có tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60 MW, sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm và giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2026-2027, công suất đốt rác được nâng lên đến 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện lên đến 130 MW.
Giai đoạn 3 của nhà máy dự kiến được triển khai từ năm 2027 đến 2029, công suất đốt rác lên tới 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW - trở thành nhà máy điện rác lớn nhất thế giới (khi hoàn thành cả 3 giai đoạn).
8. Sau hơn 10 năm chậm tiến độ, dự án mỏ khí Lô B chính thức được khởi công.
Bằng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam - PVN) đã chính thức khởi công Giàn công nghệ trung tâm (CCP) dự án Lô B. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu dự án thượng nguồn chính thức được triển khai, làm cơ sở cho các dự án thành phần, gồm trung nguồn (đường ống vận chuyển khí về bờ) và hạ nguồn (các nhà máy điện khí Ô Môn) triển khai đồng bộ theo chuỗi nhiên liệu.
Lô B, theo giá trị hợp đồng và công suất thiết kế, hiện là dự án dầu khí ngoài khơi lớn nhất tại Việt Nam. Giá trị tổng thầu trọn gói cho phạm vi thi công giàn xử lý trung tâm, các giàn khai thác dầu khí (đầu giếng khoan) và hệ thống ống ngầm nội mỏ lên đến 1,2 tỷ USD (tính đến giai đoạn hoạt động thương mại vào năm 2028). Từ thời điểm đó cho đến hết vòng đời dự án (hơn 20 năm), nhà điều hành sẽ tiếp tục triển khai gia công chế tạo thêm khoảng hơn 40 giàn khai thác, hơn 800 giếng khoan khai thác dầu khí và hàng trăm km hệ thống ống ngầm nội mỏ. Tổng chi phí đầu tư ngoài khơi ước tính khoảng 6,6 tỷ USD.
Về kỹ thuật và quản lý giao diện, việc đưa được phạm vi gia công, chế tạo khối thượng tầng về Cảng PTSC (Vũng Tàu) là những nỗ lực vượt bậc và là kỳ tích của PVN cũng như PTSC.
Theo thiết kế tổng thể, khối lượng, trọng lượng của giàn CPP Lô B rất lớn, nằm trong top 5 những giàn CPP trong khu vực ASEAN và lớn nhất tại Việt Nam. (Khối thượng tầng CPP Lô B là 24.000 tấn và chân đế là hơn 10.000 tấn).
Từ hướng tiếp cận chuyên nghiệp và nguồn lực sẵn có, kết hợp với công nghệ cao của đối tác liên danh McDermott (Hoa Kỳ), giải pháp gia công chế tạo CPP Lô B ở Vũng Tàu chính là giải pháp tối ưu của dự án Lô B nói riêng và Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn nói chung.
Chúng ta cần biết, trong trường hợp bất khả kháng (chiến tranh, dịch bệnh), việc không thể huy động chuyên gia và thiết bị từ nước ngoài về là chuyện bình thường. Nhưng ngay cả trong tình trạng bình thường như hiện nay, việc dùng xà lan lớn để vận chuyển, lai dắt một khối thượng tầng nặng 24.000 tấn qua một chặng đường rất xa từ nước ngoài về (nếu trong trường hợp có bão) sẽ có rủi ro rất cao, thậm chí có khi lật, đổ, sẽ là thảm họa cho cả Chuỗi dự án. Do vậy, việc PVN và PTSC triển khai EPCI ở trong nước, không chỉ giảm thiểu những rủi ro và phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài, mà còn tiết giảm chi phí đầu tư, thời gian để tích hợp với tiến độ của các dự án điện trên bờ.
Về thu ngân sách và xã hội, việc triển khai gia công chế tạo tại Vũng Tàu không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo được hơn 3.000 việc làm trong suốt gần 4 năm. Chưa kể, phạm vi công việc sẽ gia tăng sau khi hoàn tất giai đoạn 1, đi vào giai đoạn phát triển mở rộng.
Nhìn xa hơn, việc gia công chế tạo giàn CPP Lô B lớn nhất lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam và là một trong những giàn khai thác dầu khí lớn nhất trong khu vực ASEAN là điểm nhấn khẳng định năng lực vượt trội của PTSC, không chỉ là nhà thầu đáp ứng các giải pháp tối ưu cho các dự án EPCI dầu khí trong nước, mà còn vươn tầm ra thị trường khu vực và thế giới. Từ đó, tái khẳng định và là cơ sở vững chắc để PVN và PTSC triển khai Trung tâm Năng lượng Bà Rịa - Vũng Tàu, làm điểm tựa cho các chuỗi dự án hỗn hợp năng lượng trong nước và nước ngoài sắp tới.
9. Năm thứ 2 liên tiếp, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ghi nhận doanh thu kỷ lục (kể từ khi thành lập) và khánh thành tuyến băng tải (hai chiều) đầu tiên ở Việt Nam.
9.1. Năm 2024, mặc dù chi phí sản xuất tăng do biến động đầu vào và gián đoạn khai thác than do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), nhưng TKV đã hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Năm 2024, TKV khai thác đạt trên 38 triệu tấn than; than tiêu thụ đạt 46,7 triệu tấn; doanh thu đạt 167.230 tỷ đồng (năm 2023 là gần 166.000 tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước 25.500 tỷ đồng và đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, TKV đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đảm bảo cung cấp đủ than theo nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Đây là tiền đề để hướng tới kế hoạch khai thác 50 triệu tấn than và doanh thu 172,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2025.
9.2. Ngày 18/9/2024, Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin tổ chức khánh thành công trình hệ thống băng tải than từ kho G9 đi Cảng Hóa Chất - Mông Dương. Đây là công trình chào mừng 30 năm thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (10/10/1994 - 10/10/2024).
Dự án hệ thống băng tải than từ kho G9 đi Cảng Hóa Chất - Mông Dương được khởi công ngày 25/4/2024 và hoàn thành vào cuối tháng 8/2024. Tuyến băng tải có điểm đầu tuyến là tháp chuyển tải TCT2 (có sẵn) và điểm cuối là tháp nhận than TCT1 (đầu tư mới) tại kho than mặt bằng Cảng Hóa Chất. Đây là tuyến băng tải được đầu tư lắp đặt hai chiều đầu tiên trong Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Tuyến băng tải có chiều rộng băng 1.200 mm; chiều dài tuyến hơn 1.348 m. Năng suất vận chuyển 3 triệu tấn than/năm. Trong đó, vận chuyển 1,5 triệu tấn than/năm theo chiều đi và 1,5 triệu tấn than/năm theo chiều ngược lại.
Sau khi đi vào hoạt động, tuyến băng tải than từ kho G9 đi Cảng Hóa Chất - Mông Dương sẽ phục vụ vận chuyển than thương phẩm từ kho G9 ra Cảng Hóa Chất- Mông Dương và vận chuyển than cám đã pha trộn tại cảng cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1. Qua đó, đáp ứng cho sản xuất, tiêu thụ than trong điều kiện nhu cầu than tiêu thụ tăng, đảm bảo công tác môi trường, bảo vệ tài nguyên than, an ninh trật tự khu vực Cảng Hóa Chất - Mông Dương.
10. Chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) từ EVN về Bộ Công Thương.
Ngày 1/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) trực thuộc Bộ Công Thương.
Việc tách A0 ra khỏi EVN, thành lập NSMO là bước đi đúng đắn, quan trọng để phát triển một thị trường điện bền vững, không chỉ thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ đối với ngành điện, mà còn là quá trình phát triển tất yếu phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, đảm bảo sự minh bạch trong điều hành hệ thống điện và thị trường điện, là bước tiến quan trọng trong phát triển thị trường cạnh tranh.
Theo Năng lượng Việt Nam
Bình luận (11)