Hãy là người đầu tiên thích bài này
MPC: “Vua tôm” hồi hương

Sau thời gian dài tập trung cho xuất khẩu, doanh nghiệp ngành hàng thủy sản đang nỗ lực tìm đường trở về thị trường trong nước.

Mỗi năm, “vua tôm” Minh Phú bán khoảng 50.000 tấn tôm tới hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: TL

Một ống ngầm có đường kính 1,8 m lấy nguồn nước biển ở vị trí cách bờ khoảng 3 km. Sau đó, nước biển được bơm cấp cho vùng nuôi tôm có diện tích khoảng 600 ha tại huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Khi hoàn thành, đây sẽ là đường ống ngầm khổng lồ đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long với đường kính mà người trưởng thành có thể đi lọt, lấy nước biển xa bờ có độ mặn cao, phục nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. 

Trước đó, tập đoàn này cũng đã vận hành một đường ống nước tương tự tại vùng nuôi tôm xã Lộc An (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi đầu tư cả ngàn tỉ đồng vào các đường ống, doanh nghiệp muốn mô phỏng môi trường nuôi tôm tự nhiên trong nước biển có sinh vật phù du, hàm lượng khoáng tốt.

“Kết quả các đợt thu hoạch tôm tại Lộc An cho thấy, tôm có độ ngọt thịt và màu sắc đẹp hơn khi được thả nuôi trong nước biển tự nhiên, không hóa chất, không kháng sinh”, ông Tạ Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thực phẩm xanh Minh Phú, chia sẻ với NCĐT về việc Công ty muốn bán những con tôm đang xuất ngoại này cho thị trường trong nước sau hàng chục năm đưa tôm ra thế giới

Mỗi năm, “vua tôm” Minh Phú bán khoảng 50.000 tấn tôm tới hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường nội địa lại chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu thuần hơn 10.000 tỉ đồng/năm của doanh nghiệp này. Đó là lý do vì sao Minh Phú quyết định bắt tay với Bách Hóa Xanh để tăng độ phủ trong nước. Tín hiệu tích cực là từ khi sản phẩm tôm tươi Minh Phú được phân phối tại hệ thống các điểm bán vào tháng 10/2023, sản lượng tiêu thụ tăng trung bình khoảng 20%/tháng. Năm 2024 chuỗi bán lẻ kỳ vọng lượng tiêu thụ tôm đạt khoảng 3.000 tấn, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hương Ngọc, Giám đốc Mua hàng ngành hàng thực phẩm tươi sống của Bách Hóa Xanh.

Không chỉ Minh Phú, trước đó, từ tháng 3/2023, công ty chuyên xuất khẩu cá tra, cá ba sa Nam Việt (Navico) cũng hợp tác với Bách Hóa Xanh để phân phối sản phẩm tại thị trường nội địa. Đại diện Navico cho hay, doanh thu xuất khẩu hiện chiếm 93% tổng doanh thu các sản phẩm từ cá của Công ty nhưng thị trường nội địa đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn. 

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của nhiều “ông lớn” thủy sản cũng ghi nhận doanh thu nội địa tăng như doanh thu của Camimex tăng tới 12 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại Vĩnh Hoàn, tỉ trọng doanh thu của thị trường trong nước trên tổng doanh thu cũng tăng dần qua các năm: 27,3% (năm 2022), 29,2% (năm 2023), 40,6% (6 tháng đầu năm 2024). 

Có thể thấy, trước đây doanh nghiệp chuyên xuất khẩu coi thị trường nội địa chỉ đóng vai phụ. Song khi nền kinh tế phát triển, sức mua người dân tăng, doanh nghiệp thủy sản đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển thị trường trong nước song song với hoạt động xuất khẩu. Phát triển hướng về thị trường nội địa là cách các doanh nghiệp tận dụng cơ hội kinh doanh, cải thiện khâu tiêu thụ, phòng trường hợp thị trường xuất khẩu truyền thống có những biến động trong tương lai, theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). 

Tuy nhiên, đường về này sẽ không dễ dàng sau bao năm bỏ qua thị trường nội địa, nơi các sản phẩm thủy sản nước ngoài đang dần quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Được biết, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam hiện đã đạt 2,5-2,7 tỉ USD mỗi năm. 

Một khó khăn khác, theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, là dù các doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trong nước để giành thị phần nhưng sức mua của người dân còn rất thấp. Ước tính, thị phần tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng cá tra 1,6 triệu tấn/năm của Việt Nam. 


 
Cũng theo ông Quốc, thị trường nội địa dường như “khó chiều” hơn xuất khẩu, mỗi vùng miền lại có sở thích khác nhau. Có nơi thích cá tra phi lê đông lạnh, có nơi lại thích cá tra cắt khúc… Hoạt động chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cũng chưa phát triển tốt để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn khi mua mặt hàng này. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn phân phối cá tra từ vùng sản xuất phía Nam ra miền Bắc tiêu thụ, hệ thống kho lạnh cũng chưa thể đáp ứng. Nếu chỉ bán được hàng với khối lượng ít mà doanh nghiệp đầu tư quá lớn sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế. Các yếu tố trên khiến ngành hàng cá tra có thể gặp trở ngại khi phân phối ngay trên sân nhà. 

Dẫu vậy, ở góc nhìn lạc quan, đại diện của VASEP cho rằng ngoài mục tiêu khả thi là xuất khẩu đạt 10 tỉ USD trong năm nay, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân còn rất tiềm năng khi người Việt cũng thích các mặt hàng thủy sản. “Điều quan trọng là doanh nghiệp có đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng hay không”, ông Hòe nói với NCĐT. 

Cũng theo ông Hòe, các doanh nghiệp thủy sản sẽ cần thời gian để đo lường, làm quen, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp thị trường trong nước. Hiện người tiêu dùng Việt vẫn chủ yếu tiêu thụ hàng tươi. Nếu doanh nghiệp muốn sản xuất hàng giá trị gia tăng, thủy sản chế biến sẵn, sẽ cần nghiên cứu kỹ thị trường, sở thích, thu nhập của người dân ở các vùng, miền.

Link gốc

Bình luận (1)

Ngày giao dịch v có 15-30 - 50 mà cũng gọi là vua và tập đoàn hả?
19:39

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long