Hãy là người đầu tiên thích bài này
Một tháng sau bão, thiệt hại trăm tỷ chưa được bảo hiểm bồi thường

Một tháng sau bão, việc cấp bách là nguồn tiền để duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất kinh doanh, tuy nhiên người dân và doanh nghiệp vẫn ngóng chờ tiền bồi thường bảo hiểm. Nếu được xử lý sớm, đây là một trong những nguồn lực phục hồi tốt nhất trong ngắn hạn

“Trông chờ nguồn tiền từ bồi thường bảo hiểm”

Ông Quang Huy (40 tuổi), chủ một du thuyền 5 sao bị chìm tại Cát Bà cho biết, cần thiết nhất với công ty bây giờ là nguồn tiền, sớm sửa chữa tàu, đưa vào khai thác. Doanh nghiệp có mua bảo hiểm tài sản mọi rủi ro của MIC, nhưng đến thời điểm này, công ty bảo hiểm vẫn đang trong quá trình giám định thiệt hại và làm các thủ tục bồi thường. Chi phí khắc phục là rất lớn, riêng tiền trục vớt được du thuyền về bãi sửa chữa đã là gần 3 tỷ đồng, tổng thiệt hại dự kiến gần 20 tỷ đồng.

“Chúng tôi vẫn phải gồng sức trả lãi hàng tháng và chi phí cho khoảng 30 nhân sự. Chỉ còn biết trông chờ nguồn tiền bồi thường bảo hiểm, để có thể duy trì hoạt động. Hiện không thể vay thêm”, ông Huy sốt ruột nói.

Du thuyền 5 sao của DN anh Huy bị chìm dưới biển, dự kiến thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Ảnh: NVCC

Theo ông Đỗ Việt Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Taseco, toà nhà khách sạn À La Carte của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sau bão. Nhiều căn hộ bị bay kính, nội thất trong nhà bị gió bão phá huỷ gây hư hỏng nặng, tổn thất lên đến hàng chục tỷ đồng. May mắn, toà nhà cũng có tham gia bảo hiểm tài sản.

Tuy nhiên, việc bồi thường bảo hiểm cho DN cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngay sau bão, ngày 8/9, công ty có văn bản gửi phía bảo hiểm kiểm tra, giám định thiệt hại. Doanh nghiệp bảo hiểm cử nhân viên xuống, làm thủ tục nhưng đến nay, chưa nhận được bồi thường, cũng như tạm ứng bồi thường. Điều này cũng làm chậm việc hồi phục sau bão của DN.

“Một tấm kính thay thế đặt ở nước ngoài, cũng phải mất ít nhất 30 - 45 ngày, chưa kể thời gian thay thế. Như vậy sau, khoảng 3 - 3,5 tháng mới có thể hoạt động. Rất mong phía bảo hiểm xử lý nhanh, DN có thêm nguồn tiền”, ông Thanh tâm tư.

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Ngô Minh Phương, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Việt Trường, Hải Phòng cho biết thiệt hại của doanh nghiệp sau bão số hơn 150 tỷ đồng. Dù DN có tham gia bảo hiểm của 3 hãng khác nhau là ABIC, VBI và PJICO nhưng cũng chỉ được bồi thường một phần 20 - 30 tỷ đồng. Hiện, DN đối mặt với muôn vàn khó khăn vừa phải lo chi phí để trả lương cho công nhân, đảm bảo sản xuất, cam kết với bạn hàng, vừa áp lực các khoản nợ trả lãi.

“Chúng tôi mới nhận được tạm ứng bồi thường 2 tỷ đồng từ bảo hiểm ABIC ngày 3/10. Với doanh nghiệp một đồng lúc này cũng quý. Rất mong các DN bảo hiểm sớm xác nhận thiệt hại và chi trả bồi thường ”, ông Phương mong muốn.

Cơ sở vật chất của Công ty Việt Trường hư hại sau bão, đang rất cần nguồn tiền để sớm sửa chữa. Ảnh: Phương Ngô

Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận khoảng 12.000 thông báo thiệt hại của người tham gia, chủ yếu đến từ mảng phi nhân thọ, ước tính thiệt hại là khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.

Sau khi xác định được thiệt hại, các DNBH như Bảo Việt, PVI, MIC, PTI… cũng đã nhanh chóng chi hàng chục tỷ đồng để tạm ứng bồi thường, giúp người tham gia có thêm nguồn vốn, sớm bắt đầu khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bồi thường bảo hiểm là cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn hạn

Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ gần 82.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái…

Trao đổi với VietnamFinance, Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng, với các doanh nghiệp, Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước để thông qua hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính cho phục hồi.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, bản thân lĩnh vực ngân hàng cũng cần đảm bảo an toàn hệ thống và cũng chịu nhiều thiệt hại khi các khách hàng có rủi ro, nên để tìm được cơ chế hỗ trợ thêm cho phục hồi cũng không dễ. Ông Hùng lưu ý, có 1 phần ít được nói đến là bảo hiểm. Thông thường trên thế giới, sau thiên tai lớn phần nguồn lực đóng góp cho tái thiết đầu tiên là Bảo hiểm.

Ví dụ, cơn bão Katrina tại Mỹ, gây thiệt hại 120 tỷ USD, riêng đóng góp từ lĩnh vực bảo hiểm là 40 tỷ USD, là giá trị bảo hiểm đóng góp trực tiếp vào phục hồi tài sản và phục hồi thu nhập với các đối tượng bị ảnh hưởng.

"Hiện nay, tôi vẫn cho rằng cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn tới trung hạn, một là dựa vào bảo hiểm, hai là dựa vào các nguồn hỗ trợ từ ngân sách", ông Hùng khẳng định.

Hàng loạt tàu du lịch bị chìm tại càng Tuần Châu, thiệt hại nhiều tỷ đồng, cũng đang mòn mỏi chờ tiền bồi thường bảo hiểm. Ảnh: Xuân Thạch

Một vị đại diện DNBH phi nhân thọ trong top 5 cho biết, các DNBH cũng đang nỗ lực nhanh nhất để có thể sớm bồi thường cho các khách hàng. Tuy nhiên, với các loại hình bảo hiểm liên quan đến hàng hải, tài sản, kỹ thuật con số bồi thường là rất lớn, hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng nên cần phải hoàn thành các thủ tục, có giám định thiệt hại, xác nhận của đơn vị giám định độc lập, đồng thời được duyệt chi phí hợp lệ. Chưa kể các hồ sơ giấy tờ còn liên quan đến việc thanh kiểm tra và nhận tiền từ các nhà tái bảo hiểm.

“Sau khi hoàn tất hồ sơ thủ tục, các DNBH sẽ có tạm ứng bồi thường để hỗ trợ khách hàng, tuỳ từng trường hợp cụ thể”, vị đại diện này cho biết thêm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng DN và người dân bị thiệt hại, có tham gia bảo hiểm thì DNBH cũng rất “căng”, con số chi trả dự kiến lên gần 10.000 tỷ đồng. Thời gian bồi thường đã có quy định của pháp luật, việc cần làm hiện nay là người bị thiệt hại phải nhanh chóng cung cấp thông tin, chứng từ, cùng với DN bảo hiểm xác định thiệt hại, hoàn tất hồ sơ theo điều khoản hợp đồng.

“Tổn thất lớn, giám định thiệt hại phức tạp, công ty bảo hiểm cũng phải xem xét mua bảo hiểm những gì, thiệt hại đến đâu, duyệt giá sửa chữa thế nào, thì bồi thường đến đó”, ông Thịnh nói.

Đại diện của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trong công văn gần nhất gửi đến các doanh nghiệp bảo hiểm, Cục đã đề nghị các công ty bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Xuân Thạch

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long