Hãy là người đầu tiên thích bài này
Mỗi ngày người Việt góp 2 tỉ đồng lợi nhuận cho Aeon, các ông lớn bán lẻ khác thu ra sao?

Sức tiêu dùng nội địa đang hồi phục giúp các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm thu về hàng nghìn tỉ đồng.

Nhân viên cửa hàng Bách Hóa Xanh trưng bày trái cây - Ảnh: HỒNG PHÚC

Thu nghìn tỉ từ rau, củ, thịt, cá

Trong 11 tháng đầu năm nay, các tập đoàn lớn ngành bán lẻ trong nước và nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Thế Giới Di Động, Masan Consumer… đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, thị trường Việt Nam mang về gần 55 triệu USD cho Tập đoàn Aeon, theo báo cáo nửa đầu năm tài chính 2024 (từ tháng 3 đến tháng 8), tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, lợi nhuận hoạt động giai đoạn này đạt khoảng 16,2 triệu USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.

Nếu tính bình quân mỗi ngày trong giai đoạn trên, người tiêu dùng tại Việt Nam góp phần mang về hơn 2 tỉ đồng lợi nhuận cho tập đoàn này.

Mở siêu thị đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2014, đến nay Aeon tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh khi gần đây khởi công xây dựng trung tâm Aeon Mall Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư gần 164 triệu USD.

Một nhà bán lẻ khác cũng ghi nhận doanh thu lớn tại Việt Nam là Central Retail (Thái Lan).

Tập đoàn này có bốn ngành hàng chính là thực phẩm, thời trang, điện tử - gia dụng và bất động sản.

Trong 9 tháng đầu năm nay, họ ghi nhận doanh thu hơn 1 tỉ USD tại Việt Nam, trong đó phần lớn đến từ ngành hàng thực phẩm thông qua các chuỗi như Tops Market, Family Mart, Go!...

Các nhà bán lẻ nội địa cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Với Digiworld, "ông trùm" bán buôn thiết bị điện tử, trong khi doanh thu ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ thì ngành hàng tiêu dùng lại tăng đến 15%.

Ban lãnh đạo công ty cho biết trong quý 3-2024, mảng máy tính xách tay giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng chậm lại chủ yếu do thị trường laptop đã bão hòa, cùng tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng hạn chế nâng cấp sản phẩm.

Trong khi đó, ngành hàng tiêu dùng của Digiworld tăng 15% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 197 tỉ đồng. Mức tăng trưởng đến từ đóng góp doanh thu của các nhãn hàng sẵn có như Nestlé, Lion, AB InBev, Lotte Chilsung và các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế.

Còn với công ty hàng tiêu dùng Masan, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3 năm nay tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu thuần 9 tháng đạt gần 21.000 tỉ đồng, lãi ròng hơn 5.500 tỉ đồng, lần lượt tăng hơn 11% và 13,5% so với năm ngoái.

Thế Giới Di Động cũng không kém cạnh khi tổng doanh thu lũy kế 10 tháng đạt 74.600 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Trong đó, chuỗi Bách Hóa Xanh đạt gần 33.900 tỉ đồng, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng đều có mức tăng trưởng hai chữ số, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng.

Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết dự kiến sản lượng hàng hóa Tết năm nay tăng trưởng nhẹ ở hầu hết ngành hàng; riêng ngành bia - nước - bánh kẹo sẽ tăng trưởng mạnh hơn khoảng 30% - 50% so với tháng trước Tết.

Đồng thời, giá cả sau Tết được dự đoán sẽ tăng khi nguyên liệu hàng hóa trong, ngoài nước đang thiếu hụt và trên đà tăng giá.

Cần chú ý xu hướng tiêu dùng

Theo RedSeer Consulting, Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và khoảng 9.000 chợ truyền thống.

Mạng lưới này lần lượt chiếm khoảng 70% thị phần và phục vụ khoảng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi chỉ chiếm khoảng 20% doanh số nhưng có mức tăng trưởng ổn định khoảng 10% mỗi năm.

Theo dự báo từ Statista, thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến tăng trưởng kép khoảng 7,5% giai đoạn 2024 - 2028.

Đô thị hóa nhanh và sự xuất hiện của các khu tổ hợp nhà mới sẽ thúc đẩy hình thành các cửa hàng bán lẻ hiện đại, phục vụ lượng lớn khách hàng.

Ngoài ra, hơn 60% dân số, tương đương 60 - 65 triệu người sống tại nông thôn đang tạo ra một thị trường lớn mà doanh nghiệp bán lẻ không thể bỏ qua.

Sự phục hồi của sức tiêu dùng không chỉ đến từ tâm lý tích cực của người tiêu dùng mà còn được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ.

Một yếu tố được kỳ vọng tác động tích cực đến sức tiêu dùng nội địa là cuối tháng 11-2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết 174, bao gồm việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng một số nhóm hàng hóa.

HỒNG PHÚC

Link gốc

Bình luận (5)

Thị trường có vẻ không ổn rồi
14:31
Moderator xin bác chia sẻ thêm và nói rõ hơn
14:33
Ho Lee Sheet Lực mua yếu quá đành phải chờ sang năm mới xem thế nào bác ạ
14:37
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long