Hãy là người đầu tiên thích bài này
Lường sớm khó khăn của doanh nghiệp thép

Đến thời điểm này, mặc dù các doanh nghiệp (DN) thép chưa công bố chính thức kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2024, nhưng nhiều thông tin đã cho thấy những tín hiệu khả quan so với năm 2023. Mặc dù vậy, dự cảm về triển vọng năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn, thách thức vẫn rất lớn với những biến số khó lường, vì thế ngành thép khó có thể bứt phá mạnh mẽ.

Thị trường thép dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng trong nửa đầu năm 2025 do nhu cầu phục hồi chậm. Ảnh: Nhã Chi

Tiêu thụ khá hơn về cuối năm

Trong thông tin phát đi cách đây ít ngày, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát vừa cung cấp 10.000 tấn ống thép cỡ lớn vào Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á tại Đông Anh (Hà Nội). Sản phẩm được sử dụng tại dự án là các loại ống thép cỡ lớn để gia công kết cấu thép.

Trước đó, Hòa Phát là nhà thầu cung cấp hơn 5.000 tấn thép xây dựng chất lượng cao (thép thanh vằn mác ASTM A615/615M Grade 60) cho Dự án Khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.

Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, trong bối cảnh cầu thị trường thế giới đang dần hồi phục, Hòa Phát tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu thép xây dựng. Tính đến hết quý III/2024, sản lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát đã vượt 1 triệu tấn, tương đương cả năm 2021.

Nhiều DN sản xuất thép khác như Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen… cũng chia sẻ thông tin tích cực về tình hình sản xuất và tiêu thụ.

Theo thông tin từ Tập đoàn Hoa Sen, từ đầu năm đến nay, DN này giữ vững được sản lượng và thị phần, bảo đảm được dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tất cả các nhà máy và chi nhánh - cửa hàng của Tập đoàn trên cả nước đều hoạt động ổn định.

Cuối tháng 11/2024, Hoa Sen đã thông qua chủ trương góp thêm 320 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ (công ty con) để bổ sung nguồn vốn cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Công ty CP Thép Nam Kim cho biết, trong quý III/2024, lợi nhuận của Công ty tiếp tục tăng mạnh, lãi gần 65 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm lãi hơn 434 tỷ đồng, tăng 296% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Nam Kim đang chuẩn bị chào bán hơn 131 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động vốn đầu tư cho Dự án Nhà máy Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 4.500 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, không ít DN cho rằng, nhiều khả năng kết quả hoạt động của ngành thép năm 2024 sẽ tích cực hơn so với năm 2023. “Tăng trưởng ngành thép năm 2024 cao hơn năm trước nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, 2023 là năm ngành thép tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm nên mức tăng năm 2024 không phải là đột biến”, đại diện một DN thép đánh giá.

Năm 2025 khó có bứt phá

Nhìn về triển vọng thị trường năm 2025, đại diện một DN kinh doanh thép lớn ở phía Bắc cho rằng, sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

“Các hoạt động đầu tư của Nam Kim, hay Hoa Sen, cũng như của Hòa Phát là chuẩn bị để nắm bắt cơ hội từ việc triển khai các dự án hạ tầng lớn của đất nước… Đây à những dự án có tính chất dài hạn để nắm bắt cơ hội phát triển. Về ngắn hạn, tôi cho rằng, tình hình tiêu thụ thép năm 2025 khó bứt phát mạnh mẽ”, đại diện DN thép nhìn nhận và phân tích, năm 2025, có một số yếu tố có thể làm cho hoạt động tiêu thụ thép chậm lại. Công suất sản xuất thép trong nước dư thừa, trong khi thép giá rẻ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tràn vào thị trường Việt Nam làm tăng áp lực cạnh tranh với thép trong nước.

Năm 2025, Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống mới với nhiều chính sách mới… có thể ảnh hưởng tới thị trường thép. Những ngày gần đây, giá thép cũng như các loại nguyên liệu sản xuất thép trên thế giới đang xuống rất sâu. Chưa kể, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do các DN vấp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các thị trường nhập khẩu dựng lên...

Dự cảm về thị trường thép năm tới, trong chia sẻ với báo chí mới đây, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, ngành thép chưa thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới và dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm 2025. Lý do được ông Quang đưa ra là nhu cầu tiêu thụ không thực sự đột phá. Các dữ liệu phục hồi chủ yếu vẫn so sánh dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Thêm vào đó, ngành thép thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng thép Trung Quốc…

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thép giá rẻ ồ ạt tràn vào cạnh tranh gay gắt với thép trong nước, cơ quan quản lý cần tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.

Với DN, giải pháp chính vẫn là cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải tiến máy móc, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh. “Sang năm, chúng tôi phải nâng công suất lò cao, đầu tư thêm các dây chuyền máy móc để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh”, một DN thép ở Thái Nguyên chia sẻ.

Việt Anh

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long