Hãy là người đầu tiên thích bài này
Lực cầu vẫn tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán

Áp lực bán đang hiện hữu trên TTCK, nhưng chỉ số VN-Index duy trì ổn định trong vùng 1.270–1.300 điểm cho thấy lực cầu vẫn tiềm ẩn và sẵn sàng quay lại khi có thông tin tích cực.

Áp lực bán gia tăng

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đang dần bước vào giai đoạn trầm lắng sau những tháng đầu năm sôi động, tâm lý của nhà đầu tư đang trở thành một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến xu hướng ngắn hạn của thị trường. Sau giai đoạn đầu năm với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng và bất động sản, hiện tại, áp lực bán dần gia tăng và triển vọng của thị trường ngày càng trở nên khó lường.

TTCK đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp, với dòng tiền có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành thay vì tập trung mạnh vào một vài trụ cột

Theo quan sát, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, TPB. Áp lực bán mạnh không chỉ khiến các mã này suy giảm đáng kể về giá trị, mà còn tác động tiêu cực lên các chỉ số chính như VN-Index. Tính đến ngày 27/3/2025, VN-Index ghi nhận ở mức 1.276 điểm, giảm khoảng 40 điểm so với đỉnh gần nhất vào đầu tháng 3, cho thấy tín hiệu điều chỉnh rõ nét.

Không chỉ khối ngoại, dòng tiền nội cũng bắt đầu chuyển hướng. Trong suốt quý I/2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ chính, với những mã như CTG, VCBTCB tăng trưởng tốt, liên tục lập đỉnh mới. Tuy nhiên, gần đây, nhóm này đã có dấu hiệu chững lại do nhà đầu tư tạm ngưng giải ngân mới để chờ đợi kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch cổ tức từ các kỳ đại hội cổ đông sắp tới. VCBCTG được kỳ vọng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao nhất trong lịch sử, khiến giá cổ phiếu sau chia có thể trở nên hấp dẫn hơn. Mặc dù vậy, việc giá cổ phiếu tăng mạnh trong quý I cũng đồng nghĩa với rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn khi nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.

Ông Lê Ngọc Nam, chuyên gia chứng khoán cho biết những thông tin tiêu cực từ nhóm cổ phiếu liên quan đến BCG Capital sau các diễn biến pháp lý đã tạo ra làn sóng lo ngại trên diện rộng, đặc biệt với các nhà đầu tư cá nhân. Một số mã lớn trên sàn có liên đới đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh, càng củng cố tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay. Điều này thể hiện qua thanh khoản toàn thị trường sụt giảm mạnh, khi giá trị giao dịch trung bình trong tuần qua chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn đáng kể so với trung bình tháng 2.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản lại có sự bứt phá đáng kể trong vài tuần gần đây. Những cái tên quen thuộc như VIC, Vinhomes (VHM), và Vincom Retail (VRE) đều ghi nhận mức tăng từ 25 - 30% chỉ trong khoảng 10 ngày giao dịch. Sự phục hồi này đến từ kỳ vọng chính sách nới lỏng tín dụng, động thái hạ lãi suất huy động từ các ngân hàng và niềm tin vào khả năng hồi phục của thị trường bất động sản sau thời gian dài suy yếu. Tuy nhiên, dù nhóm bất động sản sôi động trở lại, giới phân tích vẫn cho rằng mức độ lan tỏa chưa đủ mạnh để tạo ra một xu hướng tăng bền vững cho toàn thị trường.

“Bức tranh tổng thể cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp, với dòng tiền có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành thay vì tập trung mạnh vào một vài trụ cột. Nhà đầu tư đang tạm ngưng các quyết định lớn để chờ đợi thêm thông tin từ báo cáo tài chính quý I, dự kiến được công bố rộng rãi từ giữa tháng 4. Ngoài ra, các kế hoạch kinh doanh, tỷ lệ chia cổ tức và chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp tại đại hội cổ đông cũng sẽ là yếu tố quan trọng giúp xác định xu hướng thị trường trong quý II”, ông Nam nhận định.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang dao động trong vùng 1.270–1.320 điểm, với kháng cự mạnh tại vùng 1.325 điểm và hỗ trợ quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có động lực mới từ kết quả kinh doanh quý I hoặc chính sách vĩ mô, chỉ số có thể tiếp tục giao dịch giằng co và điều chỉnh trong biên độ hẹp. Mức điều chỉnh tối đa được dự báo không quá 40 điểm, tương ứng với khoảng 3% giá trị chỉ số.

Chiến lược đầu tư phù hợp

Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược đầu tư phù hợp nhất là chọn lọc cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng trong quý I. Đồng thời, nhà đầu tư cần kiểm soát tốt tỷ trọng margin và quản trị rủi ro, tránh trạng thái "full margin" trong thời điểm thị trường thiếu xu hướng rõ rệt.

Trong mọi hoàn cảnh, tư duy chiến lược và kỷ luật tài chính vẫn là hai trụ cột giúp nhà đầu tư tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán

Ông Nam cũng chia sẻ thêm dù áp lực bán đang hiện hữu, TTCK Việt Nam vẫn cho thấy nền tảng tích cực về dài hạn. Việc duy trì ổn định của chỉ số trong vùng 1.270–1.300 điểm cho thấy lực cầu vẫn tiềm ẩn và sẵn sàng quay lại khi có thông tin tích cực. Với sự cải thiện dần của môi trường kinh doanh và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025, cơ hội vẫn hiện diện với những nhà đầu tư kiên nhẫn và có chiến lược rõ ràng.

Bên cạnh phân tích định lượng và kỹ thuật, yếu tố con người, cụ thể là trình độ và phương pháp đầu tư của từng nhà đầu tư, cũng đóng vai trò lớn. Một trong những điểm được nhấn mạnh là sự khác biệt giữa đầu tư ngắn hạn và dài hạn không chỉ nằm ở thời gian nắm giữ mà còn ở cách nhìn nhận cơ hội và rủi ro. Những nhà đầu tư thiếu kiến thức hoặc sử dụng margin quá mức có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thị trường điều chỉnh.

“Ngược lại, những người có nền tảng tốt, lựa chọn chiến lược phù hợp, biết kiểm soát cảm xúc và quản lý danh mục thông minh sẽ tìm thấy cơ hội giữa làn sóng biến động. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, tư duy chiến lược và kỷ luật tài chính vẫn là hai trụ cột giúp nhà đầu tư tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Diễm Ngọc-Link gốc

Bình luận (7)

😱😱😆
10:48
27/3/2025 Index 1276 ? báo như ***?
11:48
😅 nói như ko nói, câu này ai chẳng biết, dư thừa!
12:36

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long