Hãy là người đầu tiên thích bài này
Luật Chứng khoán sửa đổi: Bước tiến cải cách thúc đẩy minh bạch TTCK với mục tiêu NÂNG HẠNG

Luật Chứng khoán sửa đổi là một bước tiến quan trọng giúp cải cách và thúc đẩy tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA đã có những trao đổi với Tạp chí Tài chính về một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và những tác động tích cực tới thị trường trong thời gian tới.

Phóng viên: Trong năm 2024, một số quy định trong Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung. Với góc nhìn của luật gia, bà đánh giá như thế nào về khung khổ pháp lý mới này trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh: Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã ban hành Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật, trong đó có nhiều nội dung sửa đổi đáng chú ý liên quan đến Luật Chứng khoán. Luật Chứng khoán sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. Đây là một bước tiến quan trọng giúp cải cách và thúc đẩy tính minh bạch trên thị trường chứng khoán. 

Tự chung lại, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán hướng tới mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA.

Phóng viên: Bà có thể nêu ra một số điểm nhấn trong Luật Chứng khoán sửa đổi?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh: Lần đầu tiên, Luật Chứng khoán sửa đổi đưa ra khái niệm chi tiết về các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán, bổ sung nhiều hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán.

Những quy định này được bổ sung và luật hóa dựa trên cơ sở thực tế các hành vi vi phạm gần đây. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu các hành vi gian lận mà còn tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đây là bước tiến quan trọng so với luật cũ, khi các quy định về thao túng thị trường còn khá chung chung và thiếu tính răn đe. Việc củng cố khung pháp lý này tạo điều kiện để thị trường phát triển minh bạch và bền vững hơn.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung thêm điều kiện để doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng. Với việc bổ sung thêm điều kiện về vốn chủ sở hữu phải có từ 30 tỷ đồng trở lên, Luật mới nhấn mạnh vào yếu tố năng lực tài chính của công ty đại chúng, gián tiếp thắt chặt các điều kiện của tổ chức tham gia vào giao dịch và hoạt động chứng khoán.

Bên cạnh đó, đáng chú ý lần này, Luật cũng đã bổ sung thêm nhiều các trường hợp công ty đại chúng bị hủy tư cách công ty đại chúng so với quy định cũ trước đây.

Điểm đáng chú ý, những trường hợp hủy tư cách này đều được thực hiện ngay mà không cần 1 khoảng thời gian chờ 1 năm như đối với trường hợp không đáp đủ điều kiện của công ty đại chúng như nội dung cũ.

Phóng viên: Vậy, những quy định mới này sẽ có tác động như thế nào tới thị trường chứng khoán?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh: Các quy định mới này là hoàn toàn mới và là một bước cải cách đáng kể của Luật, góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế tối đa các hành vi gian lận, nâng cao trách nhiệm của các công ty đại chúng trong việc công bố thông tin và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định.

Hơn nữa, Luật số 56/2024/QH15 cũng đã trao thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được phép căn cứ danh sách cổ đông do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp hoặc Báo cáo tài chính năm gần nhất của công ty được kiểm toán để tự hủy tư cách công ty đại chúng mà không cần nhận được thông báo từ doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, quy định này cũng đã “gỡ khó” cho các công ty đại chúng hiện nay vì rất nhiều trường hợp không thể huỷ được do sự ko phối hợp của cổ đông và/hoặc có những công ty không tự giác nghiêm chỉnh chấp hành quy định, gây ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư.

Phóng viên: Còn những nhà đầu tư nước ngoài thì sao, họ sẽ nhìn nhận như thế nào về Luật Chứng khoán sửa đổi?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh: Rõ ràng là các quy định sửa đổi, bổ sung trong Luật Chứng khoán đang hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch.

Luật cũng đã bổ sung thêm đối tượng là cá nhân người nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là điểm mới so với quy định cũ tại Luật Chứng khoán 2019. Điều này góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư chứng khoản nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Link gốc

Bình luận (24)

Cái cần sửa đầu tiên là điều kiện phát hành giấy. Và cổ đông lớn k đc bán hàng sau khi mua phát hành. Kể cả hàng có sẵn cũng bị bạn chế. Vốn phải đang ký sd và có giám sát. Còn về Tt thì vất cái t2.5 ...Thêm
18:49
 7
Tin ra là xịt à
18:49
Tao không đọc bài viết.nhưng cứ thấy nâng hạng là vào chửi trước đã
18:54
 6

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long