Hoàn thiện mô hình tổ chức, hướng tới xây dựng một cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm đảm bảo vị thế độc lập, hiệu quả và phù hợp với sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế hội nhập là hết sức cần thiết.
Đó là ý kiến của các doanh nghiệp, giới luật gia trước những hạn chế, bất cập trong quá trình xử lý và thực thi Luật Cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hữu Vinh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Nhật Quang: Hoàn thiện mô hình tổ chức, hướng tới xây dựng một cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm đảm bảo vị thế độc lập, hiệu qủa và phù hợp với sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế hội nhập là hết sức cần thiết.
Cần hoàn thiện mô hình tổ chức
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Nhật Quang, sau nhiều năm thi hành, Luật Cạnh tranh 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong qua trình thực hiện. Do đó, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, cũng như phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh nền kinh tế và hội nhập sâu rộng, Luật Cạnh tranh 2018 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tồn nhiều vấn đề, thậm chí là lúng túng trong thực thi ngay tại các cơ quan chức năng. Và mặc dù Luật Cạnh tranh 2018 được xây dựng trên cơ sở có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi, có những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Sửa đổi và bổ sung hành vi cấm đối với cơ quan nhà nước; Hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi… Song, những vấn đề này lại gây ra nhiều tồn tại và chưa thể đi vào cuộc sống là vấn đề hết sức lưu ý.
Cũng theo ông Vinh, đơn cử, khi bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền; Thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế; Hoàn thiện quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi và Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh. Thế nhưng khi áp dụng thì lại không thể thực hiện là vấn đề hết sức bất cập.
Dẫn chứng về cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền được coi là cạnh tranh không lành mạnh, ông Vinh cho rằng, một doanh nghiệp trong ngành vận tải muốn có thị phần lớn, chỉ cần có nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành phố nếu muốn chiếm lĩnh thị trường chỉ cần giảm giá vận tải (giảm giá cước, khuyến mại…) so với mặt bằng chung và lấy số đông để bù đắp hoặc lấy chiều đi, chiều về để chia sẻ thì các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chắc chắn sẽ không thể cạnh trạnh. Trong trường hợp này, nếu áp dụng tại Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018, thì doanh nghiệp này thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, bởi: Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan sẽ bị xếp vào nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường, gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này. Quy định là vậy thế nhưng để đưa vụ việc này ra khởi kiện sẽ là một vấn đề khó không chỉ đối với doanh nghiệp đi khởi kiện mà cơ quan quản lý cũng lúng trong việc tiếp nhận hồ sơ khởi kiện của doanh nghiệp.
“Do đó, việc hoàn thiện mô hình tổ chức, hướng tới xây dựng một cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm đảm bảo vị thế độc lập, hiệu quả, phù hợp với sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế hội nhập là hết sức cần thiết”, ông Vinh đề xuất.
Hình ảnh Tài xế Vinasun cầm biểu ngữ phản đối và yêu cầu Grab cạnh lạnh mạnh trong kinh doanh vận tải taxi tại phiên toà năm 2018, TPHCM.
Để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cho rằng rất khó để doanh nghiệp thực hiện theo Luật Cạnh tranh, mặc dù đã có Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Cạnh tranh 2018. Bên cạnh đó, ngày 26 tháng 9 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh và ngày 24 tháng 3 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh. Song, các quy định này vẫn chưa thể đi vào cuộc sống vì còn nhiều vấn đề, nội dung chồng chéo khiến cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng không thể thực hiện.
Nêu dẫn chứng một vụ việc cụ thể, ông Trương Đình Quý cho biết, trong vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab trong năm 2018, đáng lý ra nguyên đơn (Vinasun) hoàn toàn có thể khởi kiện Grab theo Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Vinasun buộc phải khởi kiện Grab theo Luật Thương mại để đạt hiệu quả cao hơn vì trong quan hệ tranh chấp này luật quy định chỉ có tòa án mới đủ thẩm quyền để giải quyết (mặc dù Luật Cạnh tranh cũng đề cập đến khởi kiện những vấn đề liên quan tới khuyến mại, giảm giá…).
“Một vụ kiện chưa có tiền lệ đã kéo dài suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có hồi kết? Nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc, nhiều luồng ý kiến trái chiều chưa được phân định đúng sai. “Bên bị đơn (Grab) cố thủ và khẳng định mình không phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi? Ngược lại bên nguyên đơn (Vinasun) cũng phải nỗ lực và cố gắng đưa ra mọi chứng cứ để chứng minh Grab chính là loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi, và chính hoạt động này đã làm ảnh hưởng tới tình hình hoạt động kinh doanh của taxi truyền thống nói chung và Vinasun nói riêng. Và đây chính là lý do Vinasun khởi kiện vụ việc ra toà án theo Luật Thương mại là vì “Luật tố tụng tòa án rõ ràng các bước hơn Luật Cạnh tranh”. ông Trương Đình Quý nêu.
Phân tích về tính thực thi tại Luật Cạnh tranh, Luật sư Nguyễn Hải Vân - Trọng tài viên (VIAC), Giám đốc Công ty Luật TNHH ALC, cho rằng: kể từ khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, việc triển khai tổ chức thực thi Luật Cạnh tranh 2018 gặp nhiều khó khăn, như: công tác điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh không thể triển được mặc dù Luật đã quy định.
Luật sư Nguyễn Hải Vân - Trọng tài viên (VIAC), Giám đốc Công ty Luật TNHH ALC: kể từ khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, việc triển khai tổ chức thực thi Luật Cạnh tranh 2018 gặp nhiều khó khăn, như: công tác điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh không thể triển được mặc dù Luật đã quy định.
Cũng theo Luật sư Vân, để Luật Cạnh tranh 2018 thực sự đi vào cuộc sống, đặc biệt là những điểm mới của luật được cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ, thực thi… thì công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cần được đẩy mạnh và bằng nhiều hình thức khác nhau để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác giám sát thị trường, kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế trên cơ sở những quy định mới về điều kiện, quy trình, thủ tục… góp phần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh để khẳng định vai trò, chính sách mới của Luật Cạnh tranh 2018 là tiền đề, động lực, góp phần trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
“Việc xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh có vị thế đủ mạnh, độc lập để thực hiện tốt vai trò là cơ quan tổ chức thực thi Luật Cạnh tranh nhằm duy trì, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế, xã hội, để phù hợp với sự thay đổi trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới hội nhập toàn cầu là nhiệm vụ tiên quyết, khẳng định vị thế Việt Nam trên thương trường quốc tế”, Luật sư Vân nói.
Hương Giang