Bên cạnh kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ FPT, bầu thành viên HĐQT và tăng vốn điều lệ, Ngân hàng LPBank vừa bổ sung thêm một tờ trình ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/11 về việc chuyển địa điểm trụ sở chính.
LPBank lần thứ 3 liên tiếp tổ chức ĐHĐCĐ tại khách sạn Ninh Bình Legend, khu đô thị Xuân Thành. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN
ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank - HOSE: LPB) được tổ chức chiều 16/11, tại khách sạn Ninh Bình Legend, số 177 đường Lê Thái Tổ, khu đô thị Xuân Thành, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình.
Kể từ khi ông Nguyễn Đức Thụy trở thành Chủ tịch HĐQT LPB vào cuối năm 2022, khách sạn Ninh Bình Legend trở thành địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ quen thuộc của LPBank những năm vừa qua, gồm ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và 2024.
ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của LPB vốn được dự kiến tổ chức vào ngày 22/9. Đến ngày 21/9, HĐQT LPB quyết định lùi thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 sang ngày 15/11. Lý do được ngân hàng đưa ra là “để HĐQT hoàn thiện các hồ sơ trình ĐHĐCĐ”.
Cuộc họp dự kiến thảo luận về 3 nội dung chính, bao gồm: Điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024, bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), góp vốn, mua cổ phần của CTCP FPT (HOSE: FPT), và chuyển trụ sở chính của ngân hàng.
Trong số những nội dung kể trên, tờ trình chuyển trụ sở chính của ngân hàng vừa được LPBank bổ sung vào nội dung đại hội, được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy ký ngày 16/11.
Theo tờ trình của LPBank, ngân hàng sẽ chuyển trụ sở chính hiện tại của ngân hàng từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, đến một địa điểm khác – phù hợp với định hướng phát triển trong ngắn hạn, trung và dài hạn của ngân hàng này. Tờ trình này không đề cập cụ thể về địa điểm của trụ sở mới.
“Hiện nay, trong xu thế phát triển mới, cả nước đang tích cực và nỗ lực xây dựng quy hoạch tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương và khu vực,” tờ trình ĐHĐCĐ của LPBank viết.
Theo lãnh đạo LPBank, việc chuyển trụ sở phù hợp với định hướng phát triển của ngân hàng, tạo điều kiện cho LPBank mở rộng thị trường, đặc biệt gia tăng sự hiện diện tại các khu vực nông thôn, đô thị loại 2, thể hiện tầm nhìn “trở thành đối tác tài chính tin cậy nhất – là lựa chọn số 1 của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn và đô thị loại 2”.
Một trong những thông tin tâm điểm tại đại hội lần này của LPBank là kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ, tương đương 73 triệu cổ phiếu của CTCP FPT (HOSE: FPT) – một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam. Thương vụ ước tính có giá trị xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Theo tờ trình của HĐQT, đứng đầu bởi Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy, việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp ngân hàng đa dạng kênh đầu tư và tối ưu vốn góp của cổ đông. Trong đó, HĐQT nhận thấy cổ phiếu của FPT "có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản".
Về tờ trình điều chỉnh phương án tăng vốn, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên hồi đầu năm, cổ đông LPB thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, HĐQT LPBank đã thay đổi phương án này, chỉ tăng vốn lên 29.873 tỷ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%.
Nội dung đáng chú ý nữa tại ĐHĐCĐ lần này của LPBank, là việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, với 2 ứng viên là bà Vương Thị Huyền (SN 1974) và ông Phạm Phú Khôi (SN 1963), nâng số lượng thành viên HĐQT từ 7 lên 9 người.
Hai ứng viên trên đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trong đó, bà Huyền từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), còn Phạm Phú Khôi hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS).
Bình luận (16)