Hãy là người đầu tiên thích bài này
Lộ trình để Việt Nam đạt mục tiêu thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045

Để trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045, World Bank cho rằng Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa phát hành báo cáo với tựa đề "Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao", trong đóđưa ra lộ trình giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Theo World Bank, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động nhưng đem lại giá trị gia tăng tương đối thấp, tuy đem lại thành công, nhưng chưa đủ để đưa quốc gia lên nhóm thu nhập cao.

Như được chứng minh qua kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị, nhằm chuyển sang các dịch vụ và chế tạo chế biến mang lại giá trị gia tăng cao hơn, qua cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

"Trong 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu," theo Ngân hàng Thế giới.

Với nền tảng thành công sẵn có, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới.

Thành công của mục tiêu này phụ thuộc vào việc nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải thực hiện quá trình chuyển đổi này trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động sâu sắc.

Hiện thực hóa tiềm năng của Việt Nam thông qua cải cách và đầu tư

Cũng như với những thành tựu trước đây, tiềm năng của Việt Nam chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua liên tục cải cách cơ cấu và đầu tư chiến lược cho kết cấu hạ tầng và vốn nhân lực. Để nâng cao vị thế tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu, vượt qua những hạn chế mới phát sinh trong nước và giảm nhẹ rủi ro trên toàn cầu, World Bank khuyến nghị 5 gói chính sách bổ trợ nhau như sau:

Thứ nhất, nhóm chính sách hội nhập thương mại sâu hơn, để thực hiện cần tập trung khai thác các hiệp định thương mại đã có như CPTPP, RCEP; giảm rào cản phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ, đẩy mạnh kết nối khu vực; phát triển thương mại số và cải thiện quản lý biên giới.

Thứ hai, nhóm chính sách giúp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). World Bank khuyến nghị, Việt Nam cần tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để nâng cao năng suất và tạo giá trị gia tăng nội địa. Triển khai các cơ chế tài chính chuỗi cung ứng và chương trình phát triển nhà cung cấp.

Thứ ba, nhóm chính sách chuyển đổi mô hình sản xuất sang công nghệ cao. Theo World Bank, Việt Nam cần tăng cường dịch vụ hóa xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào gia công, lắp ráp giá trị thấp. Cần hạ rào cản đầu tư vào dịch vụ viễn thông, tài chính và vận tải; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại.

Thứ tư, nhóm chính sách nâng cấp lực lượng lao động. Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục đại học, đào tạo kỹ thuật và phát triển kỹ năng chuyên sâu. Việt Nam cần khuyến khích đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Việt Nam cần cải cách giáo dục hướng đến nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Thứ năm, nhóm chính sách phát triển bền vững, giảm thải carbon. Các chuyên gia World Bank khuyến nghị, Việt Nam cần chuyển sang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cần đầu tư hạ tầng năng lượng sạch và tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu; định giá carbon và khuyến khích áp dụng công nghệ xanh.

Kiều Chinh-Link gốc

Bình luận (1)

Toàn ăn bánh vẽ .tham nhũng bắt dến hàng nghìn thằng toàn chức to
17:59

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long