Hãy là người đầu tiên thích bài này
Lỗ lũy kế nghìn tỷ, một doanh nghiệp không thể trả khoản vay vàng

Khoản vay 5.833 lượng vàng SJC của CTCP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) phát sinh từ hợp đồng tín dụng từ năm 2009, đến nay được Sacombank đấu giá để xử lý nợ xấu. Đáng chú ý, nhà băng này đưa ra giá khởi điểm chỉ còn hơn 846 tỷ đồng - chưa bằng 1/2 tổng nghĩa vụ nợ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa tổ chức đấu giá khoản nợ của APT để xử lý nợ xấu.

Thông tin chi tiết, bên tổ chức đấu giá cho biết khoản nợ phát sinh từ hợp đồng tín dụng từ năm 2009. Tổng nghĩa vụ khoản nợ lên tới 1.768 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ gốc gần 530 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 823 tỷ đồng và lãi quá hạn hơn 415 tỷ đồng. Tức là sau 15 năm, lãi trong hạn và quá hạn phải trả đã gấp hơn 2,3 lần vốn vay.

Sau vài lần rao bán không thành công, mức khởi điểm lần này thấp hơn tới 200 tỷ đồng so với lần gần đây nhất Sacombank rao bán khoản nợ này vào ngày 12/7 với mức giá khởi điểm 1.044 tỷ đồng.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là mức khá cao bởi khoản nợ này thực tế nợ lãi cao hơn rất nhiều lần nợ gốc.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của APT: Các gói tín dụng do Công ty vay tại Sacombank từ năm 2009 gồm một hợp đồng vay hạn mức 103 tỷ đồng và một hợp đồng vay bằng vàng với hạn mức 5.833 lượng vàng SJC.

Với hợp đồng tín dụng bằng tiền, giá trị hợp đồng này có giá 103 tỷ đồng. Lãi suất cho vay là 12%/năm.

Hợp đồng thứ 2 có hạn mức 5.833 lượng vàng SJC, tương đương hơn 249,3 tỷ đồng theo tỷ giá vàng ngày 31/12/2020. Lãi suất cho vay là 10,8%/năm. Số dư nợ gốc tính đến thời điểm cuối năm 2023 đã tương đương hơn 435,1 tỷ đồng.

02 hợp đồng vay này đều có thời hạn là 12 tháng kể từ ngày 8/1/2009 đến 8/1/2010. Tuy nhiên, cả 2 hợp đồng này đều đã quá hạn tới 14 năm nhưng Công ty chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Thế khó của APT là giá vàng liên tục tăng cao. Giá vàng vàng thời điểm 2008, 2009 khi bắt đầu vay chỉ khoảng 18 triệu đồng/lượng, nay là khoảng 80 triệu đồng/lượng. Riêng lãi tiền vay và đánh giá lại chênh lệch mỗi năm khiến số nợ gốc của công ty liên tục tăng.

Đề cập lý do chưa thanh toán nợ quá hạn, APT cho biết do "không có khả năng thanh toán". Thực tế, doanh nghiệp này làm ăn bết bát, thua lỗ nặng.

Trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023, APT ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 246,8 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 11,2% xuống 40,3 tỷ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,2% xuống 16,4%.

Công ty tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 135,9 tỷ đồng - ghi nhận chuỗi 16 năm liên tiếp ghi nhận thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2023 lên đến 1.354 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 1.264 tỷ đồng. Như vậy, số lỗ lũy kế đang lớn gấp 15,39 lần vốn điều lệ công ty (88 tỷ đồng).

Ngoài ra, các khoản ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 1.328 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả là 1.435 tỷ đồng, lớn gấp 16,3 lần vốn điều lệ công ty, trong đó tổng số nợ quá hạn thanh toán lên tới 1.415 tỷ đồng. Riêng nợ quá hạn liên quan đến ngân hàng chiếm 1.374 tỷ đồng.

Các vấn đề nêu trên cùng với những vấn đề APT đề cập liên quan đến các khoản vay quá hạn tại Sacombank cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty, kiểm toán nêu ý kiến.

Thanh Hoa-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long