Hãy là người đầu tiên thích bài này
Lộ diện ngân hàng được nới room tín dụng

Nhiều ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước nới room (hạn mức) tín dụng lên mức cao nhất hơn 20%.  Việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng mở rộng quy mô kinh doanh, khi mà nhu cầu tín dụng thường cao thời điểm cuối năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước chính thức nâng room tín dụng lên 18,4% cho năm 2024.

Cụ thể, trong năm nay, Nam A Bank đã hai lần được nới room tín dụng, lần lượt vào tháng 8 và tháng 11.

Tháng 8, Nam A Bank được nâng hạn mức tín dụng, giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng 15,8% vào cuối quý III. Kết quả này cao gấp 1,75 lần mức trung bình toàn hệ thống, đưa Nam A Bank vào nhóm 4 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất.

Nhiều ngân hàng được "nới" room lên hơn 20%.

Tháng 11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh room tín dụng lần thứ hai. Theo đó, hạn mức tín dụng của Nam A Bank được tăng lên 18,4%, củng cố khả năng cung cấp tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới.

Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) ước tính, có 5 ngân hàng được nới room tín dụng trong lần cấp tín dụng lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước trong ngày 28/11/2024.

Cụ thể, ngân hàng VietinBank (từ 14% lên 16%), ACB (từ 18,4% lên 20,69%), VIB (từ 18,4% lên 21,6%), Techcombank (từ 18,5% lên 20%) và MSB (từ 16,3% lên 18,27%).

Theo dự phóng của SHS, VIB là ngân hàng được nới nhiều room nhất trong lần này.

"Việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh, khi mà nhu cầu tín dụng thường cao hơn thời điểm cuối năm", báo cáo SHS cho hay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung hạn mức tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu quả trong phân bổ vốn tín dụng. Việc được cấp thêm room tín dụng sẽ giúp cho các ngân hàng có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, nhất là khi những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân tăng cao.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nợ xấu vẫn tiếp tục chịu áp lực gia tăng, tỷ lệ nợ xấu vượt 3% ở một số ngân hàng thì việc mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng có thể giúp các ngân hàng kiểm soát hoặc giảm tỷ lệ nợ xấu, từ đó cải thiện sức khỏe tài chính.

Ngược lại, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm khả năng cao sẽ bị giảm hạn mức. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng không đạt nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng”.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%; so với cùng kỳ năm 2023 tăng trưởng tín dụng được 9%. Tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 15.300.000 tỷ đồng; huy động vốn cũng đã đạt được khoảng 14.800.000 tỷ đồng, tốc độ tăng của huy động vốn là khoảng 7,36%.

Ngọc Mai-Link gốc

Bình luận (2)

Tuần sau xem ai giữ được hàng, giữ bao lâu và bao nhiêu ...
16:19
🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹Bài báo Lá cải-đến tên ngân hàng con viết sai - SHS là ngân hàng nào vậy trời???
10:01
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long