Hội đồng quản trị (HĐQT) Saigonbank nhiệm kỳ 2024 - 2029 có 7 thành viên, trong đó ông Vũ Quang Lãm là Chủ tịch HĐQT và ông Trần Thanh Giang làm thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Tuần qua, VN-Index giảm 2,33 điểm về còn 1.252,56 điểm. Ngược lại, HNX-Index tăng 1,47 điểm lên 226,88 điểm. Thị trường chứng khoán tuần qua diễn biến giằng co, trong bối cảnh thanh khoản vẫn chưa có sự cải thiện.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp với tổng khối lượng 85,3 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 3.469 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 5 phiên với hơn 4 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 151 tỷ đồng.
Trên thị trường Upcom, khối ngoại mua ròng 850.560 đơn vị nhưng tổng giá trị là bán ròng hơn 19 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 4 - 8/11 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 88,44 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 3.640 tỷ đồng.
Nhiều gương mặt mới
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - mã chứng khoán: SGB) vừa công bố nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, bầu 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Trong HĐQT mới của Saigonbank có 2 thành viên từ nhiệm kỳ trước là ông Vũ Quang Lãm - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm và ông Trần Thanh Giang - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Saigonbank.
Năm thành viên mới gồm ông Nguyễn Thanh Long - Giám đốc Công ty TNHH MTV TPHCM chi Nhánh Cần Thơ, ông Phạm Hoài Nam - Trưởng phòng Kế hoạch Hội sở Saigonbank, bà Tôn Thị Nhật Giang - thành viên HĐQT độc lập Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre, bà Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn và chính sách Trường Đại học Kinh tế TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy - cán bộ hưu trí.
Ông Vũ Quang Lãm - Chủ tịch HĐQT Saigonbank.
HĐQT mới của Saigonbank đã họp và bầu ông Vũ Quang Lãm tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ông Lãm năm nay 55 tuổi, có trình độ tiến sĩ kinh tế. Ông Lãm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Saigonbank từ tháng 10/2019.
Saigonbank cũng bổ nhiệm ông Trần Thanh Giang giữ chức vụ tổng giám đốc, nhiệm kỳ 5 năm. Ông Giang năm nay 53 tuổi, là cử nhân luật, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ban Điều hành của Saigonbank có 5 thành viên với tổng giám đốc là ông Trần Thanh Giang và 4 phó tổng giám đốc.
Năm thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029, gồm: Ông Trần Thế Truyền, ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, ông Nguyễn Ái, bà Vũ Quỳnh Mai và bà Nguyễn Đào Phương Linh. Trong đó, bà Mai và bà Linh là hai thành viên từ nhiệm kỳ trước. Ông Trần Thế Truyền được bầu làm Trưởng ban kiểm soát.
Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) vừa miễn nhiệm chức vụ Người phụ trách quản trị công ty đối với ông Đặng Trọng Đức, thời gian miễn nhiệm từ ngày 6/11. Ông Đức năm nay 38 tuổi, trình độ chuyên môn thạc sỹ kinh tế xây dựng, kỹ sư xây dựng cầu - đường bộ.
Ở chiều ngược lại, Phục Hưng Holdings sẽ bổ nhiệm bà Tô Thị Hồng Điệp vào vị trí người phụ trách quản trị từ ngày 6/11. Bà Điệp năm nay 49 tuổi, trình độ chuyên môn là thạc sỹ quản lý kinh tế.
Trước đó, Phục Hưng Holdings đã thông báo sẽ miễn nhiệm chức vụ tổng giám đốc đối với ông Trần Hồng Phúc và bổ nhiệm ông Đặng Trọng Đức thay thế, hiệu lực từ ngày 6/11. Sau khi miễn nhiệm vị trí tổng giám đốc, ông Phúc sẽ giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Phục Hưng Holdings phụ trách công tác tài chính.
Phục Hưng Holdings có thay đổi tổng giám đốc.
Ông Phúc năm nay 52 tuổi, đang nắm giữ 1,33% vốn điều lệ tại Phục Hưng Holdings và được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc từ tháng 9/2020 tới nay. Ngoài ra, ông Phúc đang là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH PHK, thành viên HĐQT Công ty PHC M&E, Chủ tịch HĐQT Công ty PHC Econs.
Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng (mã chứng khoán: LBM) thông báo miễn nhiệm chức tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của LBM tại các công ty con đối với ông Nguyễn An Thái theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, miễn nhiệm chức phó tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Toàn. Các quyết định đều có hiệu lực vào đầu năm 2025.
Cổ phiếu TNA bị xem xét huỷ niêm yết
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa ra thông báo xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TNA của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam.
HoSE cho biết, cổ phiếu TNA hiện đang trong các diện theo dõi vi phạm, gồm đình chỉ giao dịch theo quyết định số 515 ngày 9/9 do tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Bị kiểm soát từ ngày 17/10 theo quyết định số 590 do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay, TNA chưa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.
Ngoài ra, cổ phiếu TNA bị cảnh báo theo quyết định số 148 ngày 3/4/2023 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán của tổ chức niêm yết.
“Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Căn cứ theo quy định, HoSE thông báo về việc sẽ xem xét huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TNA của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam”, HoSE cho biết.
Cổ phiếu TNA của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam bị xem xét huỷ niêm yết bắt buộc.
Quý III năm nay, TNA ghi nhận doanh thu giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 46 tỷ đồng và báo lỗ 10 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu TNA đạt hơn 718 tỷ đồng (giảm gần 82% so với cùng kỳ năm ngoái) và thua lỗ 36,5 tỷ đồng.
HoSE vừa nhắc nhở và đề nghị Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) nghiêm túc tuân thủ quy định về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Lý do, vào ngày 1/11, HoSE mới nhận được công bố thông tin bổ sung một số tài liệu năm 2022 và năm 2023.
HoSE cho biết, BaF Việt Nam đã chậm công bố thông tin đơn đề cử kèm sơ yếu lý lịch của ứng viên HĐQT, chậm công bố thông tin các nghị quyết HĐQT, trình bày không đầy đủ các nội dung tại báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2022, năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023 và năm 2023.