Theo công ty chứng khoán, FPT có tình hình tài chính ổn định với tỉ lệ chi trả cổ tức duy trì ở mức khá, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Mirae Asset (MAS): Sau 2 phiên hồi phục từ vùng 1.200 điểm, VN-Index đã hướng đến vùng 1.230 điểm trong phiên 22/11. Về mặt kỹ thuật, đây là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số khi là vùng MA200 tuần, tuy nhiên sau khi bị xuyên thủng, hỗ trợ này có thể đã trở thành vùng kháng cự cho đà hồi phục.
Quan sát diễn biến hồi phục của VN-Index từ ngày 20/11 đến nay, thanh khoản là vấn đề lo ngại nhất khi dòng tiền vào thị trường đã suy yếu.
Để chinh phục mốc kháng cự 1.230 điểm trong ngắn hạn, VN-Index cần có sự đồng thuận của dòng tiền. Với diễn biến hiện tại, khả năng chỉ số cần có nhịp tích lũy thêm. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức 0 điểm (trung tính).
Vùng hỗ trợ tại ngưỡng 1.220 điểm đóng vai trò quan trọng trong xu hướng của VN-Index trong thời điểm hiện tại.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS): VN-Index tiếp tục hình thành một cây nến hồi phục sau tuần giảm điểm trước đó và đã gần chạm tới vùng giá 1.240 điểm. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi nhiều nhà đầu tư đã có lãi hoặc về lại vùng giá mua, tiến hành chốt lời hoặc hạ tỉ trọng.
Vùng hỗ trợ tại ngưỡng giá 1.220 điểm đóng vai trò quan trọng trong xu hướng của chỉ số trong thời điểm hiện tại.
TPS kỳ vọng thị trường có thể tìm được động lực tại vùng giá 1.180 - 1.220 điểm để tạo đà trở lại mức 1.300 điểm.
Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Về mặt kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện nến giằng co khi tiến về vùng gap quanh 1.230 điểm. Khối lượng thấp tiếp tục cho thấy lực cầu còn yếu, đang có phần ủng hộ cho khả năng chỉ là nhịp hồi ngắn. Chỉ số có thể còn rung lắc tại đây.
Nếu áp lực bán mạnh trở lại, thì khả năng cao là kết thúc nhịp hồi để quay lại xu hướng giảm. Trường hợp chỉ chịu áp lực bán yếu, nhịp hồi có thể vẫn còn tiếp diễn để hướng về cản gần quanh 1.240 điểm.
Chiến lược chung là giữ tỉ trọng trung bình, quan sát lực bán khi điều chỉnh để có hành động phù hợp.
Khuyến nghị đầu tư
- FPT (CTCP Tập đoàn FPT): Chờ bán.
Cập nhật kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2024, lũy kế doanh thu đạt 50.796 tỷ đồng (tăng 19,6% so với cùng kỳ), lũy kế lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 6.566 tỷ đồng (tăng 21,4% so với cùng kỳ).
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng đạt 1 tỷ USD (~25.516 tỷ đồng, +29% so với cùng kỳ) được dẫn dắt bởi cả 4 thị trường trong đó thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ tăng trưởng cao trên 30%.
Kết quả này sát với dự phóng của TCBS về kết quả kinh doanh của công ty, và TCBS khuyến nghị khả quan cho triển vọng tăng trưởng của công ty khi 10 tháng đầu năm khối lượng đơn hàng ký mới đạt gần 27.000 tỷ đồng.
Tình hình tài chính ổn định với tỉ lệ chi trả cổ tức duy trì ở mức khá, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này.
- BMP (CTCP Nhựa Bình Minh): Chờ mua.
Quý III/2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 1.407 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ) và 290 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ) nhờ sản lượng tiêu thụ phục hồi.
TCBS đánh giá, kết quả kinh doanh giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025 của Nhựa Bình Minh sẽ duy trì khả quan nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, cùng với kỳ vọng thị trường xây dựng hồi phục.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cổ tức tiền mặt ổn định, tỉ suất cổ tức khoảng 11%/năm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc các nhịp điều chỉnh của thị trường để giải ngân cổ phiếu.
- VGC (Tổng Công ty Viglacera - CTCP): Chờ mua.
Tổng Công ty Viglacera vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Trấn Yên tại Yên Bái với tổng diện tích ~55ha và tổng mức đầu tư ~2.184 tỷ đồng.
TCBS đánh giá mặc dù chưa thể tác động ngay vào kết quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, việc được triển khai khu công nghiệp này kì vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong tương lai.
TCBS kỳ vọng kết quả kinh doanh 2025 của công ty sẽ có sự hồi phục tốt, đặc biệt ở mảng BĐS khu công nghiệp, nhà đầu tư quan sát để tìm cơ hội giải ngân khi cổ phiếu có dấu hiệu tạo đáy trong các phiên tới.
Bình luận (9)
Chờ 122 cover lại