Đà bán ròng mạnh của khối ngoại vẫn được tiếp diễn trong tháng 4.2025 với tổng giá trị lên tới hơn 14.500 tỉ đồng.
Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực từ việc duy trì bán ròng mạnh của khối ngoại. Ảnh: Lê Toàn
Không nằm ngoài xu hướng chung của toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng lớn từ những chính sách thuế quan đối ứng và dòng vốn ngoại vẫn chưa thấy dấu hiệu quay lại.
Trong bối cảnh thị trường chung có những biến động mạnh, nhà đầu tư ngoại (khối ngoại) cũng giao dịch kém tích cực và duy trì trạng thái bán ròng mạnh gần như xuyên suốt 4 tháng đầu năm, ngoại trừ chỉ có hơn 10 phiên mua ròng.
Tính từ đầu năm 2025, tổng giá trị bán ròng của khối này đã xấp xỉ 42.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 1,6 tỉ USD. Áp lực bán của khối ngoại ngày càng tăng trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn duy trì sự ổn định, thanh khoản cải thiện và nhiều nhóm ngành có kết quả kinh doanh tích cực. Nếu so với năm 2024 bán ròng kỷ lục lên tới hơn 92.000 tỉ đồng, thì chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị bán ròng đã đạt gần bằng một nửa con số đó.
Cổ phiếu lớn của nhóm công nghệ là FPT dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh với giá trị đạt 8.662 tỉ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt hơn 67 triệu đơn vị. Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi bluechip khác, gồm VIC bị bán ròng 5.550 tỉ đồng và VNM bị bán ròng hơn 3.330 tỉ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm thuộc về nhóm chứng khoán, đồng thời cũng là mã duy nhất được khối này giải ngân nghìn tỉ đồng. Cụ thể đó là VCI được mua ròng xấp xỉ 1.382 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 36,2 triệu đơn vị.
Theo đánh giá của giới phân tích, tình hình vĩ mô toàn cầu biến động khó lường, khả năng cao là nguyên nhân tác động tới quyết định dòng vốn ngoại. Rủi ro được quan tâm nhất trong năm nay vẫn là thuế quan. Câu chuyện này rõ ràng hơn thì mọi thứ sẽ đơn giản, bởi thị trường chứng khoán ghét sự thiếu thông tin, các yếu tố không chắc chắn. Khi thông tin được đưa ra thì nhà đầu tư nước ngoài có khả năng dừng bán, các quỹ đầu tư trong nước cũng mua vào mạnh hơn.
Theo nhận định của TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư chiến lược của DG Capital, áp lực bán ròng mạnh khiến tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện đã dưới 15%, trong đó 90% là các quỹ đầu tư chiến lược nắm giữ cổ phiếu lâu dài, không có nhu cầu giao dịch thường xuyên. Phần còn lại thuộc về các quỹ đầu tư tài chính, ETF còn giao dịch thường xuyên. Do đó, khối ngoại có thể tiếp tục bán ròng nhưng áp lực sẽ không còn mạnh như năm 2024.
Chuyên gia này dự đoán, khối ngoại có thể quay trở lại thị trường Việt Nam từ tháng 6.2025. Mấu chốt nằm ở câu chuyện từ ngày 5.5 khi hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) sẽ chính thức đi vào vận hành. Đây được xem là bước ngoặt lớn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với chuẩn quốc tế về giao dịch, qua đó nâng cao tính minh bạch và hấp dẫn với dòng vốn ngoại.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng để gỡ bỏ những nút thắt còn lại trong lộ trình nâng hạng thị trường. Khi được chuyển từ thị trường cận biên lên mới nổi, Việt Nam có thể thu hút hàng tỉ USD từ các quỹ chỉ số thụ động và chủ động. Đây là yếu tố từng tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho nhiều quốc gia trong quá khứ.
Gia Miêu
Bình luận (8)





