Kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Khoáng sản Núi Pháo) ngày càng sụt giảm, trong khi nợ phải trả ngày một lớn.
Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Khoáng sản Núi Pháo) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên năm 2024 gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và người sở hữu trái phiếu.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, Khoáng sản Núi Pháo tiếp tục kinh doanh "bết bát" khi lỗ sau thuế lên tới 1.063 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ 2023 chỉ lỗ hơn 447,7 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp ghi nhận 10.061 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh sụt giảm, khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Khoáng sản Núi Pháo trong 6 tháng đầu năm 2024 âm 0,11%.
Nguồn: HNX
Trước đó, doanh nghiệp này đã trải qua một năm kinh doanh đầy khó khăn, khi ghi nhận lỗ sau thuế năm 2023 lên tới 1.409 tỷ đồng (ROE âm 0,13%), con số này ở năm 2022 là lãi 213 tỷ đồng (ROE đạt 0,02%).
Trong năm tài chính 2021, Khoáng sản Núi Pháo báo lãi 360 tỷ đồng (ROE là 0,032%).
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2024 ghi nhận 2,62 lần, tương ứng dư nợ phải trả hơn 26.350 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 6.650 tỷ đồng.
Qua số liệu có thể thấy, nguồn vốn tại Khoáng sản Núi Pháo ghi nhận hơn 36.411 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 72% nguồn vốn doanh nghiệp.
Như vậy, kết quả kinh doanh của Khoáng sản Núi Pháo ngày càng sụt giảm mạnh, trong khi nợ phải trả của doanh nghiệp ngày một “phình to”.
Về nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Tỷ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn. Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn, có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ.
Khoáng sản Núi Pháo được thành lập năm 2014, có trụ sở tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại. Hiện tại, Công ty CP Masan High-Tech Materials (MSR) sở hữu 100% vốn điều lệ tại Khoáng sản Núi Pháo. Đây là công ty con do Tập đoàn Masan sở hữu 86,4% vốn,
Mỏ Núi Pháo - một mỏ đa kim nằm tại ba xã Hùng Sơn, Hà Thượng và Tân Linh của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại thời điểm năm 2014, trữ lượng đã được xác nhận của mỏ Núi Pháo là khoảng 66 triệu tấn, với vòng đời mở ước tính là 20 năm.
Trữ lượng của mỏ này ước tính chiếm tới gần một phần ba trữ lượng vonfram toàn thế giới bên ngoài Trung Quốc, có khả năng sản xuất tới 6.000 tấn vonfram tinh chế mỗi năm.
Dự án Núi Pháo được xem như nguồn cung vonfram an toàn và đáng tin cậy cho các nhà sản xuất (ô tô, máy bay, thậm chí là điện thoại IPhone), mà không có khoáng chất hay chất hóa học khác có thể thay thế.
Từ giữa năm ngoái, hoạt động nổ mìn tại mỏ Núi Pháo bị gián đoạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng quặng được khai thác và chế biến. Điều này khiến chi phí hoạt động của công ty Núi Pháo tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2023.
Nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo của Masan High-Tech Materials (Ảnh nguồn: Internet).
Đáng chú ý, CTCP Masan High-Tech Materials (mã CK: MSR) sở hữu 100% vốn tại Khoáng sản Núi Pháo cũng đang kinh doanh thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024, MSR mang về hơn 6.741 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với cùng kỳ 2023. Do giá vốn chiếm đến 96%, ghi nhận hơn 6.494 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp tại MSR giảm mạnh 68% xuống còn hơn 247 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm 25% so với cùng kỳ, chỉ thu về gần 184 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ, công ty khoáng sản của Masan Group lỗ sau thuế lên tới 1.046 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 chỉ lỗ sau thuế hơn 486 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2023, doanh thu tại Masan High-Tech Materials đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng ở mức rất cao, lên tới 13.308 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, Masan High-Tech Materials ghi nhận mức lỗ kỷ lục từ khi hoạt động cho đến nay, lỗ sau thuế hơn 1.529 tỷ đồng trong khi năm 2022 lãi hơn 105 tỷ đồng.
Huy Tùng - Lê Thanh