Hãy là người đầu tiên thích bài này
Khi ngân hàng muốn tự kinh doanh bảo hiểm

Lợi ích từ việc hoàn thiện hệ sinh thái, cũng như những khó khăn từ hoạt động bán chéo đang thúc đẩy các ngân hàng thành lập các công ty bảo hiểm của riêng mình.

Ngày 14/10 vừa qua, Techcombank và Manulife Việt Nam chính thức dừng hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance). Theo đại diện của ngân hàng, việc chấm dứt hợp tác là do những thay đổi về điều kiện kinh doanh bảo hiểm.

Việc chấm dứt sớm 8 năm hợp đồng có kỳ hạn 15 năm khiến Techcombank chịu thiệt hại khá lớn. Ngân hàng cho biết sẽ bồi thường cho đối tác 1.800 tỷ đồng.

Thông thường, việc chấm dứt đối tác chiến lược giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm sẽ là khởi đầu của một thương vụ hợp tác khác – giữa ngân hàng và một đối tác bảo hiểm tiềm năng hơn.

Chẳng hạn, năm 2022, sau khi chi cho bảo hiểm FWD 240 tỷ đồng để chấm dứt hợp tác, ngân hàng ABBank đã nhanh chóng ký kết hợp tác chiến lược với bảo hiểm Dai-ichi Việt Nam.

Hợp tác mới đi kèm với một khoản hoa hồng mới cho ngân hàng. Cách làm này giúp ngân hàng nhanh chóng kiếm lợi nhuận bù đắp cho khoản bồi thường trước đó.

Tuy nhiên, với trường hợp Techcombank, dù phải chi trả tới 1.800 tỷ đồng cho việc kết thúc hợp đồng sớm, ngân hàng không vội đi tìm đối tác mới.

Thay vào đó, Techcombank quyết định mở công ty bảo hiểm riêng. Ngày 24/10, Công ty CP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TechcomIns) chính thức ra mắt, trở thành doanh nghiệp bảo hiểm thứ 31 tại Việt Nam.

Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Techcombank góp 11%, tương đương 55 tỷ đồng. Theo kế hoạch, TechcomIns sẽ đi vào hoạt động từ ngày 14/11.

"Chúng tôi rất muốn tham gia sâu hơn vào quá trình ‘sản xuất’ sản phẩm bảo hiểm, chứ không chỉ là đại lý phân phối”, ông Jens Lottner, CEO Techcombank chia sẻ.

Dù vẫn chưa trực tiếp ‘lấn sân’ sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nhưng với việc tự mình thành lập một công ty bảo hiểm, Techcombank cho thấy ý đồ muốn từng bước hoàn thiện hệ sinh thái tài chính của mình.

Hoàn thiện hệ sinh thái

Đầu năm nay, ngân hàng LPBank chính thức tiếp nhận Bảo hiểm Xuân Thành và đổi tên thành Bảo hiểm LPBank.

Trước đó, từ tháng 8/2020, LPBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với bảo hiểm Xuân Thành và sau 4 năm chính thức sáp nhập vào hệ sinh thái của mình. Trước đó, LPBank hợp tác các sản phẩm bảo hiểm với công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Hiện tại, khá nhiều các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank… đều đã sở hữu một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Hay trường hợp VPBank, dù vẫn là đối tác độc quyền của bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam tới năm 2029, song năm 2018, VPBank đã tham gia sáng lập công ty bảo hiểm OPES, nắm giữ 11% vốn điều lệ công ty này.

Để tránh xung đột lợi ích với AIA Việt Nam, OPES tập trung vào kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.

Với sự trợ giúp từ VPBank, OPES nhanh chóng ký nhiều hợp đồng hợp tác chiến lược với các đơn vị trong hệ sinh thái này như Ngân hàng số YOLO, FE Credit, CommCredit... cùng một số đối tác khác như Be, Tiki.

Đến tháng 11/2022, VPBank tiến hành thâu tóm Bảo hiểm OPES thông qua việc chi gần 600 tỷ đồng để sở hữu 98% vốn điều lệ. OPES trở thành công ty con của VPBank và tham gia vào hệ sinh thái của ngân hàng.

Đến nay, sau 5 năm gia nhập thị trường, OPES ghi nhận tới gần 19 triệu khách hàng và 365 triệu hợp đồng bảo hiểm được thực hiện trực tuyến, định hướng tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm số.

OPES cho biết mình đã nằm trong top 15 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2023, doanh thu của công ty bảo hiểm này đạt hơn 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 160 tỷ đồng.

Lấn sân?

Sự thuận lợi khi lấn sân sang lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có thể thúc đẩy VPBank tiến sâu hơn sang các lĩnh vực bảo hiểm khác.

Bản thân ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank từng chia sẻ việc mua công ty bảo hiểm OPES nằm trong chiến lược của ngân hàng theo hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính.

Các hoạt động bảo hiểm, bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ là những mảnh ghép cần thiết cho mô hình tập đoàn trong hệ sinh thái.

Dù các ngân hàng lớn đến nay đa phần đều tự bán các sản phẩm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ vẫn là thách thức lớn khi đây là sản phẩm khó bán, cấu trúc phức tạp và khó vận hành.

Các khoản trả trước từ các công ty bảo hiểm nhân thọ khi ký hợp đồng đối tác cũng là điều đáng cân nhắc. Giai đoạn 2019 - 2020, thời kỳ đỉnh cao của bancassurance, nhiều ngân hàng đã thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận ngay lập tức từ các khoản trả trước này.

Mặc dù vậy, những lợi thế kể trên đang dần giảm sút. Trong hai năm nay, doanh thu bancassurance bị sụt giảm khá mạnh sau một số vụ việc ồn ào liên quan đến kênh phân phối này và cơ quan quản lý đã đẩy mạnh thanh tra, siết lại hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Kết luận thanh tra được Bộ Tài chính công bố tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh bancassurance (Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife) cho thấy, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới.

Tuy nhiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng sau năm đầu tiên lên đến 70%. Điều này tác động trực tiếp tới nguồn thu của các ngân hàng.

Chẳng hạn, lãnh đạo ngân hàng MB cho biết, mảng kinh doanh bảo hiểm khó hồi phục trong năm 2024. Trước đó, MB ghi nhận doanh thu bán bảo hiểm giảm 5% trong quý II/2024 và giảm đến 19% trong cả năm 2023.

Tương tự, SeaBank ghi nhận doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm năm 2023 giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán MB nhận định, với những quy định mới thắt chặt hoạt động bán bảo hiểm, trong năm 2024 cũng như những năm tới, hoạt động bancassurance sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, từ đó khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập kênh này của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021.

Các chuyên gia cũng đánh giá, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng còn phải đối diện với những khó khăn từ hoạt động bancassurance, do đó nguồn thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm cần thêm thời gian mới có thể hồi phục.

Khi lợi ích thu về không như ý, việc thay đổi hoàn toàn có thể diễn ra. Trên thực tế, trong quá khứ, Techcombank cũng từng có tham vọng thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ của riêng mình.

Năm 2016, Techcombank từng lấy ý kiến cổ đông về việc thành lập công ty Bảo hiểm nhân thọ sở hữu 100% vốn, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Kế hoạch này đến nay vẫn chưa thực hiện, song hoàn toàn có thể khởi động lại khi thời điểm thích hợp.

Trần Anh

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long