Hãy là người đầu tiên thích bài này
Khép kín bậc thang thủy điện trên sông Chảy

Sông Chảy - 1 trong 3 dòng sông lớn của vùng Tây Bắc bắt nguồn từ vùng núi tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), dài hơn 300 km, trong đó phần lớn chảy qua địa bàn tỉnh Lào Cai từ huyện Si Ma Cai đến Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên.

Do chảy qua vùng núi cao, địa hình hiểm trở nên lòng sông có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh… tạo cho dòng sông tiềm năng thủy điện lớn. Dự án thủy điện Si Ma Cai đang được triển khai xây dựng sẽ là thủy điện cuối cùng để hình thành hệ thống liên hoàn các bậc thủy điện trên dòng chính sông Chảy.

Chúng tôi ngược sông Chảy lên vùng cao Si Ma Cai đúng vào đợt nắng nóng đầu tiên của năm nay, sự nhiễu động của thời tiết đã gây ra cơn mưa dông tối qua khiến mặt đường từ trung tâm huyện lỵ đến xã Bản Mế vẫn còn đầy cành cây, đất, đá vung vãi. Cơn mưa lớn bất ngờ cũng khiến lũ trên thượng nguồn sông Chảy đột ngột dâng cao, nước sông xối xả qua đê bao trút xuống hố móng nhà máy thủy điện Si Ma Cai.

Tranh thủ mưa ngớt, kỹ sư Phạm Trung Tuyến (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Si Ma Cai - chủ đầu tư dự án) trực tiếp ra công trường chỉ đạo công nhân đưa thêm máy bơm công suất lớn khẩn trương bơm nước ra; một tổ đội khác gia cố thêm phần hố móng đã đào bằng những cọc thép lớn.

Dự án thủy điện Si Ma Cai có công suất 18 MW, gồm 2 tổ máy, được Công ty Cổ phần Si Ma Cai khởi công đầu tháng 1/2023. Đến nay, hạng mục quan trọng nhất của dự án là đập dâng - đập tràn đã cơ bản hoàn thành, trong đó phần đập dâng đã đạt 100% khối lượng; đập tràn thi công đến cao trình đỉnh đập 193,5 m, đạt 95% khối lượng; hạng mục kênh dẫn bắt đầu thi công từ tháng 3/2023 đến nay cũng đã được 90% khối lượng.

Từ cuối năm 2023, chủ đầu tư tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy, đến nay, phần hố móng đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, dự kiến cuối tháng 3/2025 sẽ hoàn thành phần xây dựng. Đối với hệ thống đường dây đấu nối và trạm biến áp, chủ đầu tư đang khẩn trương xin phê duyệt hướng tuyến, giải phóng mặt bằng.

Theo tiến độ cam kết của chủ đầu tư, đến tháng 5/2025 sẽ lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị công nghệ cơ điện và chậm nhất sẽ hoàn thành, phát điện vào tháng 6/2025.

Kỹ sư Phạm Trung Tuyến cho biết: Cơn mưa lớn bất thường chiều qua đã ảnh hưởng phần nào đến việc thi công nhà máy, tuy nhiên khó khăn này chưa thấm vào đâu so với những ngày đầu thi công thân đập. Do khu vực này địa hình phức tạp, dòng chảy thất thường, lũ lên nhanh nên gần như vào mùa mưa không thể thi công. Bởi vậy, ngay từ khi khởi công dự án, chúng tôi đã đặt ra các mốc thời gian cụ thể phải hoàn thành đối với từng hạng mục, nhất là các hạng mục thi công dưới lòng sông luôn phải chạy đua trước khi lũ về.

Dự án thủy điện Si Ma Cai sau khi hoàn thành sẽ đóng góp một phần quan trọng sản lượng điện vào lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trong hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Chảy qua địa bàn tỉnh Lào Cai, đây cũng là thủy điện thứ 8 được xây dựng. Như vậy đến nay, các bậc thang thủy điện trên sông Chảy đã khép kín từ thượng nguồn đến hạ du, trong đó bậc thang trên cùng là thủy điện Pa Ke, công suất lắp máy 26 MW, xây dựng tại xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai và xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Tiếp đến là thủy điện Si Ma Cai, công suất 18 MW, xây dựng tại xã Bản Mế. Sau đó đến thủy điện Bắc Hà (Cốc Ly) công suất lắp máy 90 MW, xây dựng tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, đây là thủy điện lớn nhất tỉnh Lào Cai hiện nay.

Các bậc thang tiếp theo lần lượt là: Thủy điện Bảo Nhai (bậc 1) công suất lắp máy 14 MW, xây dựng tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà hoàn thành cuối năm 2023; thủy điện Bảo Nhai (bậc 2) công suất lắp máy 14,5 MW, xây dựng tại xã Cốc Lầu và xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà; thủy điện Nậm Lúc, công suất lắp máy 24 MW, xây dựng tại xã Bản Cái, huyện Bắc Hà; thủy điện Vĩnh Hà, công suất lắp máy 21 MW, xây dựng tại xã Tân Dương và xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên; thủy điện Phúc Long, công suất lắp máy 22 MW, xây dựng tại xã Phúc Khánh và xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên.

Các thủy điện nối tiếp trên dòng chính sông Chảy hầu hết sử dụng công nghệ cột nước thấp đã khai thác hiệu quả nguồn thủy năng, đồng thời hệ thống hồ liên hoàn không chỉ góp phần hạn chế ngập lụt cho vùng hạ lưu vào mùa mưa lũ, mà với mực nước hồ thay đổi nhỏ trong ngày còn tạo cảnh quan đẹp, mở ra cơ hội phát triển du lịch và nuôi thủy sản cho người dân.

Theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh có 130 dự án thủy điện với tổng công suất 1.613,55 MW. Hiện có 73 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 1.148,85 MW; 7 dự án đang triển khai thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy 87,1 MW; 12 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy 107 MW và 1 dự án thủy điện đã được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng công suất; 38 dự án đang được nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy 234,6 MW.

Mạnh Dũng - Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long