Hàng loạt tên tuổi lớn như Masan, Thế giới Di động, FPT...đang tiếp tục đặt kỳ vọng tăng trưởng hai con số trong năm 2025.
Chuỗi siêu thị Winmart của Masan. Ảnh: Masan Group
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay đạt 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và tăng 30% so với năm 2024 (YoY). Nếu hoàn thành, đây sẽ là mốc doanh thu kỷ lục mới của Thế giới Di động, còn về lợi nhuận sẽ cao thứ hai trong lịch sử doanh nghiệp này, chỉ sau mức kỷ lục 4.900 tỷ đồng của năm 2021.
Trong định hướng kinh doanh năm 2025, ban lãnh đạo MWG nhận định, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tích cực hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, các rủi ro vĩ mô và biến động trên thế giới có thể ảnh hưởng đáng kể đến môi trường kinh doanh trong nước, sức mua và niềm tin tiêu dùng của người dân. Do đó, ngành bán lẻ đang phục hồi chậm và chưa đạt mức tăng trưởng trước đại dịch.
Mặc dù vậy, MWG vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số nhờ những chuyển biến từ nội tại sau giai đoạn tái cấu trúc theo hướng “giảm lượng tăng chất”. Sau quá trình tinh gọn bộ máy nhân sự, MWG sẽ tiếp tục tối ưu cơ cấu HĐQT thông qua cuộc bầu cử tại ĐHĐCĐ năm 2025, khi nhiệm kỳ của HĐQT cũ (2021-2024) chính thức kết thúc.
Giai đoạn 2023-2024, MWG đã “dọn dẹp” loạt cửa hàng Thế giới di động, Điện máy Xanh và nhà thuốc An Khang không hiệu quả, đồng thời bắt đầu mở mới lại chuỗi Bách hoá Xanh. Chuỗi liên doanh điện máy tại Indonesia cũng được mở rộng.
Năm 2025, MWG xác định Bách hóa Xanh là động lực tăng trưởng chính, đóng góp hơn 30% doanh thu (tăng trưởng doanh thu tối thiểu 7.000 tỷ đồng) và mang lại lợi nhuận đáng kể. Chuỗi dự kiến mở mới 200-400 cửa hàng ở cả vùng đang kinh doanh và các tỉnh mới khu vực miền Trung.
Năm 2024, MWG ghi nhận doanh thu thuần 134.341 tỷ đồng, tăng trưởng 14% YoY; lợi nhuận sau thuế 3.733 tỷ, gấp 22 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ. Kết quả khả quan của Thế giới Di động chủ yếu đến từ việc tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận.
Tập đoàn Masan (mã MSN) cũng lên kịch bản kinh doanh tích cực cho năm 2025 với mục tiêu doanh thu hợp nhất từ 80.000 tỷ đồng - 85.500 tỷ đồng, tăng từ 7-14% YoY; lợi nhuận sau thuế từ 4.875 tỷ đồng - 6.500 tỷ đồng, tăng từ 14-52% YoY. Động lực tăng trưởng lợi nhuận trọng tâm vẫn là các mảng kinh doanh bán lẻ cốt lõi (bao gồm Masan Consumer, WinCommerce, Masan MEATLife và Phúc Long Heritage).
Trong đó, WinCommerce được “giao nhiệm vụ” doanh thu từ 35.600 tỷ đồng - 36.900 tỷ đồng, tăng trường 8-14% so với năm 2024 và đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi việc mở rộng mạng lưới cửa hàng, với mục tiêu mới 400-700 siêu thị mini trong năm 2025.
Năm 2024, lần đầu WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Winmart/Winmart+ mang lợi nhuận về cho Masan, trong hai quý cuối năm. Tính đến tháng 12/2024, WinCommerce đang vận hành 3.828 cửa hàng Winmart/Winmart+.
Năm 2025, Masan cũng đặt mục tiêu giảm đòn bẩy tài chính hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính. Thực tế, nợ vay vẫn là “gánh nặng” với doanh nghiệp và khiến lợi nhuận bị “bào mòn” không ít. Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng vay nợ của doanh nghiệp ở mức hơn 65.500 tỷ đồng, chiếm 44% tổng nguồn vốn. So với đầu năm 2024, nợ vay của Masan giảm hơn 4.000 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, doanh nghiệp phải trả hơn 6.400 tỷ đồng lãi vay, giảm 8% so với năm 2023.
Năm 2024, Masan đạt doanh thu 83.178 tỷ đồng, tăng 6% YoY; lợi nhuận sau 4.272 tỷ đồng, gấp 2,3 lần YoY; lãi ròng đạt 1.999 tỷ đồng, gấp 4,8 lần YoY. Mức tăng trưởng lợi nhuận đến từ sự cải thiện biên lợi nhuận gộp và đóng góp lớn của doanh thu tài chính (hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ).
Tập đoàn FPT (mã FPT) tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh kỷ lục cho năm 2025, với doanh thu 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024 (YoY); lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21% YoY.
Giai đoạn từ 2019 đến nay, FPT luôn duy trì mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai chữ số. Năm 2024, doanh thu của tập đoàn đạt 62.849 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 11.071 tỷ đồng - tăng lần lượt hơn 19% và 20% YoY. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, FPT lập kỷ lục lợi nhuận.
Mức tăng trưởng hai con số của FPT được thúc đẩy chính bởi mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài, với tổng doanh thu đạt 30.953 tỷ đồng, tăng hơn 27% YoY; lợi nhuận trước thuế đạt 4.770 tỷ đồng, tăng 26% YoY.
FPT đạt cột mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài vào cuối năm 2023. Đây là “quả ngọt” bước đầu cho “ván cược” lịch sử đầu tiên của doanh nghiệp – xuất khẩu phần mềm cách đây 25 năm. Tập đoàn hướng tới mục tiêu lớn tiếp theo là 5 tỷ USD từ thị trường này vào năm 2030, đánh dấu cột mốc mới trong nhóm dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu.
Hướng tới mục tiêu đó, FPT đang dồn lực vào “ván cược” lớn thứ hai trong lịch sử doanh nghiệp, với 5 từ khoá: “AI, Bán, Xe, Số, Xanh”, viết tắt của trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Trong đó, doanh nghiệp đang có những động thái mạnh mẽ trong việc thúc đẩy AI - lĩnh vực được dự báo sẽ tăng từ 67 tỷ USD vào năm 2023 lên 1.304 tỷ USD vào năm 2032,theo báo cáo của Bloomberg Intelligence.
Nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2025, đa phần với góc nhìn lạc quan. Chứng khoán VPS đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 lên tới 3.500 tỷ đồng, tăng 11% YoY. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Năm 2024, công ty chứng khoán này đạt 6.466 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 1,45% YoY. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.157 tỷ đồng, gấp gần 4 lần YoY. Lợi nhuận được thúc đẩy bởi hoạt động tự doanh hiệu quả.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) đặt quyết tâm phục hồi sau 3 năm liền thua lỗ liên tiếp. Công ty đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ năm 2025 là 620.000 tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 30 tỷ đồng.
Năm 2024, doanh nghiệp thép đạt doanh thu 8.924 tỷ đồng trong năm 2024, giảm 35% YoY. Do biên lợi nhuận gộp thấp và các chi phí lớn nên công ty tiếp tục lỗ sau thuế 287 tỷ đồng, so với năm 2023 lỗ 925 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 652 tỷ đồng.
Mức lỗ của năm 2024 giảm hơn 2 năm trước là nhờ công ty tiết giảm chi phí quản lý và tăng doanh thu tài chính từ hoạt động bán chứng khoán, cổ tức được chia; thanh lý, bán tài sản cố định.
Thua lỗ 3 năm liên tiếp nên cổ phiếu SMC đang đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) đặt mục tiêu tổng doanh thu (bao gồm tiêu thụ nội bộ) 28.759 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.108 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.007 tỷ đồng - tăng 31% YoY. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của DBC, sau năm 2020.
CTCP Viglacera (mã VGC) đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 14.437 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 21% YoY, lợi nhuận trước thuế 1.743 tỷ đồng, tăng 9% YoY.





