CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I luôn nằm trong top doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, trong quý I, doanh thu thành phẩm từ cá tra (chiếm tỷ trọng lớn nhất 39%) giảm 21%. Đáng chú ý, trong Báo cáo phân tích của FPTS đã nêu ra những quan ngại khi IDI đã dành tới 17% tài sản để đầu tư ngoài ngành và cho công ty mẹ là Tập đoàn Sao Mai (ASM) vay.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Hà Lan là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU, với giá trị NK gần 2 triệu USD trong nửa đầu tháng 6/2024, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/6/2024, xuất khẩu cá tra sang Hà Lan đạt gần 21 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Hà Lan từ tháng 1/2024 đến tháng 5/2024 gồm: CTCP Vĩnh Hoàn, CTCP Thủy sản Vinh Quang, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I, Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy sản Hoàng Long, CTCP Nam Việt, Công ty TNHH Đại Thành, CTCP thủy sản Trường Giang, CTCP Thủy sản NTSF, Công ty TNHH Thủy sản Quốc tế và Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương.
CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I: Doanh thu từ cá tra giảm 21%
IDI là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của IDI kỳ tài chính vừa qua không quá khả quan. Trong quý I/2024, doanh thu bán thành phẩm cá tra (chiếm tỷ trọng lớn nhất 39%) hơn 643 tỷ đồng, giảm 21%. Trong khi đó, doanh thu từ bán bột cá, mỡ cá tăng 5% lên 697 tỷ đồng và bán thức ăn chăn nuôi tăng 2,5% lên 280 tỷ đồng.
IDI là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam
Với biến động các mảng kinh doanh như trên và loại các khoản giảm trừ, IDI có doanh thu thuần 1,630 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lãi gộp ghi nhận 119 tỷ đồng, giảm 17%, biên lãi gộp tương ứng 7%.
Trừ chi phí bán hàng tăng 9%, các chi phí đều giảm so với cùng kỳ, lớn nhất là chi phí lãi vay 63 tỷ đồng, giảm 25%.
Sau cùng, IDI lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt 17 tỷ đồng và 14 tỷ đồng, giảm 5% và 6%. So với kế hoạch doanh thu thuần 8.499 tỷ đồng và lãi sau thuế 276 tỷ đồng được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua, Công ty thực hiện được lần lượt 19% và 6%.
Trong báo cáo gần đây của Chứng khoán FPT (FPTS) IDI, chuyên gia đưa ra đánh giá tích cực về hoạt động kinh doanh của Công ty. Theo FPTS, trong năm 2024, FPTS kỳ vọng của kết quả kinh doanh của IDI sẽ ghi nhận sự phục hồi tích cực với doanh thu thuần và LNST công ty mẹ lần lượt đạt 8.064 tỷ đồng (tăng 12% svck) và 285 tỷ đồng (tăng 394% svck).
Động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu cá tra tại 2 thị trường chủ lực là Trung Quốc và Mexico từ nửa sau năm 2024, kết hợp với bối cảnh nguồn cung cá tra toàn ngành thắt chặt sẽ hỗ trợ giá xuất khẩu sang các thị trường này phục hồi trong năm 2024.
Theo FAO, nhu cầu thủy sản đầu người tại Trung Quốc dự báo tăng 1,27%/năm trong giai đoạn 2021 - 2032, đạt 46kg/năm vào năm 2032 nhờ thu nhập người dân cải thiện. FPTS kỳ vọng đây sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu lớn thứ 2 sang thị trường này là IDI mở rộng xuất khẩu trong dài hạn.
Tuy nhiên, FPTS cũng đưa ra lưu ý về tính hiệu quả của các khoản đầu tư lớn ngoài ngành, và giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ ASM và IDI (chiếm tổng cộng 17% tổng tài sản của IDI năm 2023).
Chuyên gia FPTS đưa ra những lý do sau:
Thứ nhất, IDI thực hiện góp vốn vào CTCP điện mặt trời Europlast Long An trong năm 2023, giá trị góp vốn đạt 246 tỷ đồng tại khoản mục “Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác”, và IDI cũng ghi nhận khoản cổ tức 11,4 tỷ đồng từ công ty này cùng năm. Tại T12/2023 theo kết luận thanh tra số 3166/TB - TTCP được công bố bởi Thanh tra Chính phủ, CTCP Europlast Long An được cho là vi phạm luật đất đai khi khởi công dự án điện mặt trời khi chưa được UBND tỉnh Long An cho thuê đất từ năm 2019.
"Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể đánh giá ngay tác động của sự kiện vi phạm này đối với HĐKD của Europlast Long An do thông tin tiếp cận còn hạn chế. Tuy nhiên, do Europlast Long An cũng là một công ty con trong hệ sinh thái ASM, và hệ thống điện năng lượng mặt trời của doanh nghiệp này đã vận hành ổn định từ T6/2019 và tạo ra nguồn doanh thu và LNST đều đặn 160 tỷ đồng và 70 tỷ đồng mỗi năm. Do đó trong các BCTC công ty mẹ ASM công bố trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham chiếu mốc KQKD này để đánh giá thêm tác động của sự kiện vi phạm này đối với Europlast Long An", báo cáo nêu quan điểm.
Thứ hai, IDI thực hiện mua lại công ty CTCP Đầu tư Vĩnh An Đắk Nông vào năm 2022 với lĩnh vực kinh doanh chính là trồng cây cao su. Trong giao dịch này, IDI đã trích ra 392 tỷ đồng để mua lại 98% cổ phần từ công ty con, đáng chú ý 317 tỷ đồng được ghi nhận vào khoản mục “Lợi thế thương mại” vào cuối năm 2022. Việc ghi nhận khoản lợi thế thương mại lớn trong khi doanh thu và LNST tính đến năm 2023 vẫn chưa ghi nhận khiến chúng tôi quan ngại về tính hiệu quả của khoản đầu tư này.
Thứ ba, IDI thực hiện đầu tư xây dựng dự án khu đô thị Bình Long tại tỉnh An Giang từ năm 2020. Tính đến cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư cho dự án này ghi nhận đạt 401 tỷ đồng tại khoản mục “Tài sản dở dang dài hạn”. Tuy nhiên, giá trị khoản mục không đổi so với thời điểm cuối năm 2022, và doanh thu từ kinh doanh bất động sản ghi nhận không đáng kể trong năm 2023 khiến các chuyên gia FPTS quan ngại về tiến độ thực hiện dự án này của IDI.
Thứ tư, IDI thực hiện cho công ty mẹ ASM vay vốn dài hạn ghi nhận lên đến 457 tỷ đồng cuối năm 2023. Theo đó, lãi suất IDI áp dụng với ASM kết hợp giữa cố định 10%/năm và thả nổi một phần. Ở thời điểm hiện tại, FPTS chưa nhận thấy rủi ro đáng kể đối với khoản cho vay này, và cần theo dõi thêm do (1) lãi suất mà IDI đi vay trong năm 2023 ước tính ở mức thấp hơn, đạt 8,5%/năm và (2) khả năng thanh toán lãi vay của công ty mẹ ASM đánh giá qua chỉ số lợi nhuận từ HĐKD / chi phí lãi vay trong năm 2023 đang duy trì ở mức tối thiểu là 1,08x.
Bình luận (29)