Hãy là người đầu tiên thích bài này
IBC: Hoàn cảnh ngặt nghèo của những nạn nhân Shark Thủy

Liên quan vụ Shark Thủy, nhiều nhà đầu tư hiện nay rơi vào cảnh tiền mất tật mang, kinh tế gia đình suy kiệt vì tin vào những lời hứa hẹn cho mức lãi suất cao hơn nhiều so với việc gửi tiền vào ngân hàng.

Nhiều nhà đầu tư hiện nay đang rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi gửi tiền vào Egroup. Ảnh: Tùng Giang

Nhà đầu tư rơi vào cảnh khốn cùng

Bà Nguyễn Thị Tịnh (70 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đang nuôi em gái 60 tuổi nhưng bị tâm thần và bại liệt từ nhỏ. Trước đây, gia đình bà có nhà để ở nhưng sau đó được nhà nước thu hồi phục vụ dự án. Tính cả tiền đền bù và tiền gom góp từ một số người thân, bà Tịnh có trong tay số tiền gần 4 tỉ đồng, trong đó gần 3 tỉ đồng được dành riêng để lo cho em gái.

Bà Tịnh kể, sau khi tích góp được số tiền trên, chị em bà chưa thể mua nhà được ngay mà phải đi thuê trọ. Chứng kiến hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của em gái nên một người hàng xóm thân thiết và cũng là nhân viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (gọi tắt là Egroup) đã tư vấn bà gửi tiền vào doanh nghiệp này để hưởng mức lãi suất cao.

Em gái bà Tịnh bị bệnh tâm thần và bại liệt từ nhỏ. Ảnh: NVCC

“Họ giới thiệu là em ruột Shark Thủy nên nếu đồng ý, khách hàng sẽ được ưu tiên chăm sóc. Ngoài ra, vì biết tôi tuổi cao, không hiểu gì về hợp tác đầu tư, cổ phần hay cổ phiếu nên họ chỉ khẳng định việc gửi tiền vào doanh nghiệp của Shark Thủy sẽ nhận mức lãi suất cao lên đến 20% nếu gửi trong một năm và sẽ tăng lên 23% nếu gửi trong 2 năm”, bà Tịnh kể lại.

Đến thời điểm năm 2021, bà Tịnh quyết định gửi toàn bộ số tiền trên vào Egroup với niềm tin có thêm kinh tế lo cuộc sống cho em gái. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp này chỉ trả lãi suất cho bà trong 6 tháng đầu tiên rồi im bặt từ đó đến nay.

Bà Tịnh buồn bã chia sẻ, tiền lãi và gốc không được nhận, nên bà buộc phải bán chiếc xe máy mới mua và vay mượn người thân để trang trải cuộc sống nhưng cũng không đủ. Trong khi đó, bệnh em gái bà ngày một trầm trọng và bà Tịnh tuổi cao sức yếu không thể cầm cự được lâu.

“Phía Egroup có một vài lần yêu cầu những khách hàng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ chứng minh liên quan để làm thủ tục ưu tiên trả quyền lợi trước nhưng dù tôi có chuẩn bị đầy đủ như thế nào thì cuối cùng nhận về vẫn chỉ là lời hứa hẹn”, bà Tịnh tuyệt vọng nói.

Còn bà Phạm Thị Hồng Yến (trú tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) đã gửi vào Egroup số tiền khoảng 3,6 tỉ đồng. Bà cho biết, đây là khoản tiền tiết kiệm bà dự kiến để dành cho thời điểm về hưu và một phần không nhỏ trong đó là tiền của em gái bà - người đang bị bệnh tim và từng phải thay van tim.

Bà Yến cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư như bà rơi vào cảnh khốn cùng khi tiền tiết kiệm mất trắng, mang bệnh tật nhưng không có kinh tế để điều trị.

Nhiều người rơi vào cảnh trầm cảm, gia đình căng thẳng, vợ chồng tranh cãi vì trót gửi tiền vào Egroup của Shark Thủy. Họ cũng rất lo lắng và quan tâm liệu rằng có thể đòi lại số vốn đầu tư vẫn mắc kẹt trong hệ sinh thái của tập đoàn này không?

Đòi lại tiền không dễ

Nhiều nạn nhân từng đổ tiền vào Egroup chia sẻ với PV Lao Động rằng, từ thời điểm ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy) bị bắt, một số nhân viên tại doanh nghiệp này đã nhắn tin trấn an các nhà đầu tư không nên tiếp tục cung cấp thông tin, bởi việc này sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thể vực lại được, nhà đầu tư sẽ khó lấy lại được tiền.

Nhân viên tự xưng người nhà của Shark Thủy gửi tin nhắn cho nhà đầu tư. Ảnh NVCC

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần tại Egroup có trách nhiệm cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc nhận chuyển nhượng tới cơ quan điều tra để được đánh giá, xem xét.

Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, nhà đầu tư sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng đưa vào vụ án với vai trò bị hại hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo quan điểm của nhiều luật sư, đến thời điểm này nhà đầu tư khó có khả năng lấy lại tiền. Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, còn đơn thư tố giác về các hành vi huy động vốn trái pháp luật của doanh nghiệp ngày càng nhiều.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Lao Động, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu không có các công cụ, biện pháp đặc thù để cơ quan Nhà nước hỗ trợ mà chỉ đơn thuần sử dụng các công cụ về mặt dân sự, khởi kiện ra tòa để thu hồi tài sản thì thời gian giải quyết sẽ kéo dài, và khó thu hồi được tiền.

Để giải quyết một vụ việc tương tự, thời gian trung bình sẽ mất từ 6 tháng - 1 năm thì mới có được bản án, sau đó mới đến thi hành án. Việc có thể theo đuổi đến cùng đòi quyền lợi, các nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị rất nhiều và cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của họ.

TÙNG GIANG

Bình luận (7)

GIỜ NÀY MÀ CÒN XƯNG HÔ SHARK VỚI CHẢ XÁC, MẤY Ô NÀY KO CÓ KĨ NĂNG NGHỀ BÁO HỞ 😏
20:10
Rồi sẽ shark mõm nào tiếp đây? Hóng
20:20
Thằng Thủy này rất đáng phải đền tội, nó đã lừa đảo và đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, các cháu nhỏ học hành gián đoạn.
Cần cách ly thaengf này ra khỏi xã hội nêhs không nó sẽ tiếp tục lừa đ...Thêm
23:19

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long