Hùng Vương (HVG) từng được biết đến trên thị trường chứng khoán là doanh nghiệp thủy sản có tiếng, doanh thu cao nhất năm 2017 đạt 17.900 tỷ đồng, lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, nhiều chứng khoán sắp bị điều chỉnh tình trạng giao dịch từ ngày mai, 28/2/2023.
Trong danh sách công bố, nhiều chứng khoán sẽ bị điều chỉnh từ trạng thái bị hạn chế giao dịch sang trạng thái bị đình chỉ giao dịch từ 28/2/2023 là HLG của Tập đoàn Hoàng Long; HVG của CTCP Hùng Vương; KAC của Địa ốc Khang An; NDF của Nông sản xuất khẩu Nam Định và SGO Dầu thực vật Sài Gòn.
Hùng Vương (HVG) – một thời vang bóng
Nhắc đến Hùng Vương (HVG), nhà đầu tư nhớ đến một doanh nghiệp thủy sản có tiếng cả trên sàn chứng khoán lẫn trên thương trường với số lãi hàng trăm tỷ mỗi năm.
Thủy sản Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, thành lập năm 2003, hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 2007 công ty chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần với vốn điều lệ 420 tỷ đồng.
Năm 2009 Hùng Vương đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán HVG, vốn điều lệ lúc đó xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Những năm đầu mới cổ phần hóa, doanh thu và lợi nhuận của Hùng Vương tăng mạnh. Nếu như năm 2007 doanh thu đang ở mức hơn 1.500 tỷ đồng thì năm 2009 đưa cổ phiếu lên sàn, doanh thu đạt gấp đôi lên gần 3.100 tỷ đồng. Chỉ 2 năm sau đó, năm 2011 đạt xấp xỉ 7.900 tỷ đồng doanh thu, năm 2013 vượt 11.000 tỷ đồng doanh thu. Và cao nhất, năm 2016 doanh thu đạt xấp xỉ 17.900 tỷ đồng.
Lao dốc nhanh chóng, lỗ lũy kế nghìn tỷ
Tuy vậy những năm sau đó doanh thu Hùng Vương lao dốc không phanh, năm 2018 doanh thu còn hơn 8.100 tỷ đồng, năm 2019 còn hơn 4.100 tỷ đồng – giảm một nửa so với năm 2018. Và từ đó Hùng Vương cũng rất ít công bố thông tin về tài chính.
Về lợi nhuận, năm 2007 sau khi cổ phần hóa, lợi nhuận sau thuế đạt 191 tỷ đồng. lãi cao nất ở năm 2011 đạt 485 tỷ đồng. Hùng Vương vẫn duy trì kinh doanh có lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đến năm 2015. Năm 2016 bất ngờ lợi nhuận giảm còn 10 tỷ đồng trong khi doanh thu đạt kỷ lục gần 17.900 tỷ đồng.
Khoản lỗ đầu tiên đến từ năm 2017 với số lỗ 705 tỷ đồng. Năm 2019 lỗ sau thuế hơn 1.100 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2019 lên đến 1.488 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 916 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 2.270 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến Hùng Vương lỗ nặng năm 2017 – năm đầu thua lỗ là do gánh nặng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tổng dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn là hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 7.070 tỷ đồng. Tuy vậy vấn đề của Hùng Vương cũng nằm ở khoản phải thu ngắn hạn hơn 5.600 tỷ đồng của khách hàng, trong đó công ty đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 974 tỷ đồng – khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí này gia tăng các năm tiếp theo, khiến công ty thua lỗ.
(Nguồn: BCTC năm 2017 của Hùng vương)
Còn đến hết năm tài chính 2019, các khoản phải thu của khách hàng còn hơn 3.300 tỷ đồng, nhưng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đã hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản công ty còn hơn 8.000 tỷ đồng trong khi đó tổng nợ phải trả đã 7.100 tỷ đồng.
HVG chính thức bị dình chỉ giao dịch, dấu chấm xuống dòng của 1 cổ phiếu
Thua lỗ, không công bố thông tin, tháng 8/2020 cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Cũng trong tháng 8, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang UpCOM. Tuy vậy việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến việc bị đình chỉ giao dịch lần này.
Trước đó, từ năm 2021 cơ cấu cổ đông của HVG đã có nhiều xáo trộn xáo trộn, cổ đông lớn bán tháo. Cổ đông kỳ vọng sự "giải cứu" từ Thadi, nhưng mọi chuyện lại vẫn không thành, Thadi và những người liên quan rút vốn.
Bị hạn chế giao dịch trước khi đình chỉ hẳn, một dấu chấm xuống dòng cho cổ phiếu HVG một thời "chiếm sóng" trên sàn chứng khoán. Liệu tương lai sẽ như thế nào, vẫn đang là một câu hỏi với nhà đầu tư.
Bình luận (5)