Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhận định ngành tôn, thép trong xu hướng đi xuống do nhu cầu trong nước yếu, xuất khẩu gặp khó. Hoa Sen sẽ phát triển hệ thống bán lẻ và bất động sản.
Ông Lê Phước Vũ chia sẻ tại đại hội. Ảnh: M.H
Sáng ngày 18/3, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính 2024 – 2025 để trình bày định hướng kinh doanh trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi.
Ngành tôn, thép xu hướng chung là đi xuống
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT chia sẻ thế giới đang thay đổi, xu hướng toàn cầu hóa bị đảo lộn. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như (Mỹ, châu Âu, Ấn Độ… ) đang áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất gay gắt. Ông Donald Trump lên làm Tổng thống khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại rất lớn. Do vậy, hoạt động xuất khẩu tôn – thép đối mặt với nhiều thách thức, khó đảm bảo ổn định thị phần.
Hoa Sen tăng trưởng các năm qua chủ yếu nhờ xuất khẩu, tỷ trọng lên khoảng 60%. Tuy nhiên, xuất khẩu đi Mỹ gặp nhiều vấn đề. Từ năm 2018 (nhiệm kỳ đầu của ông Trump) đã bị áp thuế xuất khẩu 25%, hiện nay có 2 vụ kiện thuế nữa (một vụ thuế trợ cấp Chính phủ đã có kết quả là Hoa Sen bị áp thuế 0% và một vụ khác chống bán phá giá dự kiến cuối năm nay mới có kết quả). Trước đây, Hoa Sen xuất khẩu 10.000 – 15.000 tấn/tháng vào Mỹ trên khối lượng 60.000 – 80.000 tấn thì hiện nay gần như không xuất khẩu được. Thị trường châu Âu cũng hết sức khó khăn, đã chính thức áp quota (hạn ngạch), thông thường Hoa Sen xuất khẩu 20.000 – 25.000 tấn/tháng thì giảm xuống 10.000 - 15.000 tấn/tháng. Ấn Đội, Malaysia cũng khởi sướng chống phá giá.
Với những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu như Hoa Sen thì đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp, nguồn cung dư thừa. Tổng công suất của tôn, thép gấp 3 lần nhu cầu trong nước.
Ông Vũ dự báo “ngành tôn, thép thời gian tới giỏi lắm chỉ đi ngang, còn xu hướng chung là đi xuống. Cổ phiếu HSG từ hai mươi mấy ba mười ngàn rớt xuống mười mấy ngàn là hợp lý, thị trường và nhà đầu tư đã nắm bắt nhanh và điều chỉnh phù hợp xu thế.”
“Cổ phiếu HSG hiện quá bèo, khoảng 18.000 đồng/cp trong khi giá trị sổ sách cũng tương đương. Như vậy, giá trị tài sản đã khấu hao, thương hiệu xây dựng hàng chục năm, năng lực điều hành… nằm ở đâu”, ông Vũ cảm thán.
Gom đất đón đầu hạ tầng
Chủ tịch Hoa Sen chia sẻ ngành thép muốn tăng trưởng phải làm tổ hợp thép, lò cao, sản xuất thép cán nóng. Năm 2020, tập đoàn đã nhìn ra và muốn làm tổ hợp thép Cà Ná, song không thể thực hiện được. “Giờ nhìn lại đó lại là điều may mắn, bởi nếu làm sẽ vay USD, với lãi suất và tỷ giá hiện nay thì chi phí tài chính rất nặng. Tình hình bảo hộ như hiện nay thì càng khó khăn.”
Thế nên, để giải bài toán tăng trưởng, tập đoàn cần tìm hướng khác. Theo đó, tập đoàn sẽ tập trung phát triển chuỗi bán lẻ Hoa Sen Home, mục tiêu thành hệ thống phân phối vật liệu xây dựng, nội thất lớn nhất và duy nhất Việt Nam.
Ông Vũ cho biết sau 2 năm chững lại để nhìn nhận, đánh giá, từ năm nay công ty sẽ đẩy mạnh chuỗi Hoa Sen Home, sẵn sàng mở các cửa hàng rộng để thử nghiệm.
“Không làm Hoa Sen Home thì xu hướng của doanh nghiệp là đi ngang, rồi giảm dần đến biến mất. Hệ thống cửa hàng truyền thống sẽ đóng cửa 80% trong vài năm tới. Đây là thời điểm tốt nhất để tập đoàn chuyển hướng”, vị Chủ tịch khẳng định.
Tập đoàn sẽ thành lập CTCP Hoa Sen Home để tập trung phát triển chuỗi bán lẻ. Trong giai đoạn đầu, Hoa Sen sẽ nắm 99% Hoa Sen Home. Sau 5 năm, tập đoàn chuyển dần hệ thống phân phối vào Hoa Sen Home, tăng thêm nhiều sản phẩm, đi vào kinh doanh ổn định. Khi đó, công ty lựa thời điểm thích hợp để lên phương án phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết.
Với mảng nhựa, trước đây, tập đoàn có kế hoạch niêm yết nhưng nhận thấy mảng này đã đạt mức tăng trưởng tối đa, cổ phiếu các công ty nhựa trên sàn hầu như không có thanh khoản. Bởi vậy, Hoa Sen xác định sẽ giảm tỷ lệ sở hữu để tập trung nguồn lực cho Hoa Sen Home, chuyển thành đơn vị liên kết.
Đối với lĩnh vực đầu tư mở rộng khác, tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến với các đối tác tiềm năng để mở rộng quỹ đất, nắm bắt lợi thế về đầu tư để đón đầu sự phát triển hạ tầng ở các tỉnh thành. Tổng mức đầu tư cho dự án bất động sản của tập đoàn tối đa là 5.000 tỷ đồng.
Theo ông Vũ, doanh nghiệp xin ngân sách 5.000 tỷ đầu tư bất động sản nhưng mới đầu tư vài trăm tỷ. “Hạ tầng phát triển nhanh chóng, sân bay Long Thành, cảng nước sâu Cái Mép, Cần Giờ, cao tốc... Trong khi đó, tập đoàn có dòng tiền, tín dụng tốt và có vật liệu xây dựng giá rẻ, tại sao không làm bất động sản? tập đoàn sẽ làm các khu độ thị 600 – 700 ha.”
Mua 50 – 100 triệu cổ phiếu quỹ
Tại đại hội, HĐQT trình phương án mua lại 50 – 100 triệu cổ phiếu. Ông Vũ chia sẻ công ty có nguồn tiền dồi dào, mỗi năm lãi 500 tỷ thêm khấu hao 900 tỷ thì dòng tiền dương khoảng 1.400 – 1.500 tỷ đồng nên muốn mua lại cổ phiếu là để bảo vệ lợi ích cổ đông. Nếu giá cổ phiếu xuống dưới giá trị sổ sách thì sẽ mua trong trường hợp lên cao thì không mua (giá trị sổ sách khoảng 18.000 đồng/cp).
Về kế hoạch kinh doanh, lãnh đạo HSG đưa ra 2 kịch bản lợi nhuận sau thuế 400 – 500 tỷ đồng, giảm đáng kể cho với mức 515 tỷ đồng thực hiện 2024. Ông Vũ tiết lộ qua nửa chặng đường đã thực hiện được 50% (khoảng 250 tỷ đồng).
Bình luận (25)





