Năm 2025, bức tranh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều biến động, thị trường ngành thép vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức và biến động to lớn. Vì thế, Chủ tịch Lê Phước Vũ mong nhận được sự chia sẻ, tín nhiệm và đồng thuận của cổ đông Tập đoàn Hoa Sen.
Thông điệp trên vừa được ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) gửi đến cổ đông trong báo cáo thường niên cho niên độ tài chính 2023 - 2024 của doanh nghiệp này.
Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ đánh giá năm 2025 tiếp tục là một năm đầy thách thức và biến động đối với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế trong nước có thể khả quan hơn nhưng thị trường ngành thép nói riêng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức và biến động to lớn.
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ gửi thông điệp tới cổ đông
Năm 2024 vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đối mặt với nhiều biến động, thử thách mang tính khách quan của nền kinh tế nói chung và thị trường ngành thép nói riêng.
Trên thế giới, tiến trình toàn cầu hóa gần như bị đảo ngược, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. Trong nước, nhu cầu tiêu thụ đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa đáng kể.
Đối với ngành thép, phòng vệ thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia; giá thép nguyên liệu biến động bất thường, không theo quy luật. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng nhái hoành hành càng làm cho mức độ cạnh tranh của thị trường thêm khốc liệt.
Trước bối cảnh đầy khó khăn nêu trên, trong quý 4 niên độ tài chính 2023 - 2024 (1/10/2023 - 30/9/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp suy giảm cộng với chi phí tăng mạnh khiến doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước có lãi 438 tỷ đồng.
Luỹ kế trong niên độ tài chính 2023 - 2024, nhà sản xuất tôn mạ này ghi nhận doanh thu đạt 39.271 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; công ty báo lãi sau thuế 510 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 30 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết lãi vay và dòng tiền đã được tối ưu hóa. Cụ thể, chi phí tài chính trong niên độ tài chính 2023 - 2024 đã giảm 19% xuống còn 254 tỷ đồng, từ mức 314 tỷ đồng trong trong niên độ tài chính trước đó.
Hiện tại, Hoa Sen đang nắm giữ hơn 30% thị phần tôn mạ và 20% thị phần ống thép cả nước với hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công, cho ra thị trường các sản phẩm tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện.
Tuy nhiên, HĐQT Hoa Sen xác định Hệ thống Hoa Sen Home là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp này trong 5 - 10 năm tiếp theo. Đến cuối năm 2024, toàn hệ thống có tổng cộng 120 cửa hàng được tổ chức theo mô hình Hoa Sen Home.
Dự báo cho năm 2025, bức tranh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều biến động. Do đó, HĐQT Hoa Sen đặt ra mục tiêu và định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh cho niên độ tài chính 2024 - 2025 với việc tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống sản xuất - kinh doanh tôn, thép truyền thống; nâng cao năng lực cung ứng nguyên liệu, hàng hóa, sản phẩm.
Tập trung triển khai và hoàn thiện các dự án cải tiến kỹ thuật; tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SSI đánh giá triển vọng của Hoa Sen trong năm 2025 sẽ lạc quan hơn nhờ những yếu tố thuận lợi từ cả thị trường trong nước và quốc tế.
SSI cho rằng biên lợi nhuận của Hoa Sen có thể phục hồi trong quý tới nhờ giá thép ổn định và đồng USD tăng giá. Giá thép đã phục hồi hơn 10% từ mức đáy vào tháng 9/2024 nhờ thông báo của Trung Quốc về một số biện pháp kích thích hỗ trợ nền kinh tế và thị trường Bất động sản.
Dù vậy, Hoa Sen cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng trong trung hạn. Các đối thủ như Thép Việt Pháp, Nam Kim và Tôn Đông Á đều đang mở rộng công suất, đe dọa thị phần của Hoa Sen. Tổng công suất của các dự án mới này có thể tăng thêm khoảng 14% tổng công suất nội địa hiện tại, tạo áp lực lớn lên giá bán và biên lợi nhuận.
Năm 2025, SSI dự báo lợi nhuận ròng của Hoa Sen sẽ đạt 700 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước. Tuy nhiên, với tiềm năng tăng trưởng đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu, SSI khuyến nghị "Trung lập" với giá mục tiêu 20.000 đồng/cp.
Bình luận (21)