Hãy là người đầu tiên thích bài này
HPW: Tỷ suất lợi nhuận chưa tương xứng với tiềm năng

Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng (HPW) là doanh nghiệp lớn thứ hai trong ngành ở phía Bắc, nhưng doanh thu và lợi nhuận sau thuế còn khiêm tốn.

HPW vừa công bố báo cáo tài chính quý II năm 2023. Theo đó, tại ngày 30/6/2023, HPW có đầu tư tài chính ngắn hạn 373 tỷ, tăng 24,3% so với đầu năm, các khoản phải thu ngắn hạn 33,5 tỷ, giảm 24% so với đầu năm, trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn là 1,2 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất đạt 284 tỷ đồng, tăng 5,6% so với quý II/2022, chi phí bán hàng tăng 6,8% lên 40,8 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6,7%.

Kết quả lợi nhuận lợi nhuận sau thuế quý II/2023 là 20,15 tỷ, tăng nhẹ 1% so với quý II/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 HPW đạt doanh thu hợp nhất 540,4 tỷ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 37,6 tỷ, tăng tương ứng 5,9% và 8,7% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2023 và Báo cáo thường niên 2022, năm 2022, HPW phát triển thêm được 9.203 hộ khách hàng, sản lượng nước sản xuất 86,2 triệu m3, sản lượng nước tiêu thụ 78,38 triệu m3 (tăng 2,2% so với kế hoạch), tỷ lệ thất thoát nước 11,7%, giá nước bình quân đạt 12.100 đ/m3, tổng doanh thu 1007 tỷ đồng. Năm 2023, HPW đặt kế hoạch nâng số khách hàng lên trên 360.000 hộ, sản xuất 89,1 triệu m3 nước, sản lượng nước tiêu thụ 80,96 triệu m3, doanh thu 1.022,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 86,3 tỷ đồng.

Được cổ phần hóa năm 2015, HPW có vốn điều lệ 742 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 80,6% do UBND TP. Hải Phòng quản lý. Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, đến nay địa bàn kinh doanh của HPW trải dài trên toàn bộ thành phố Hải Phòng với xấp xỉ 350.000 hộ khách hàng, lượng nước sản xuất năm 2022 đạt 86,2 triệu m3. Với sản lượng này, HPW là doanh nghiệp có quy mô lớn thứ 2 trong số các doanh nghiệp cấp nước ở miền Bắc (chỉ đứng sau Công ty nước sạch Hà Nội Hawacom), và là doanh nghiệp cấp nước lớn nhất ở miền Bắc đã cổ phần hóa.

Theo quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 117/2007/NĐ-CP), mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước. Điều này được đảm bảo bằng văn bản ký kết với UBND địa phương nên không có sự chồng chéo, cạnh tranh giữa các công ty cấp nước trên cùng một địa bàn. Đặc thù này của ngành cấp nước tạo thuận lợi lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cấp nước, trong đó có HPW.

Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương, là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cũng là một trong những trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Dự kiến dân số đô thị Hải Phòng đến năm 2025 khoảng 2,4-2,7 triệu người, đến năm 2035 đạt khoảng 3,5-4,2 triệu người. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp các ngành cung cấp dịch vụ sinh hoạt thiết yếu điện, nước nói riêng.

Sau khi cổ phần hóa, doanh thu của HPW đã tăng từ 689 tỷ năm 2016 lên tới 1.007 tỷ năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận của công ty vẫn còn khá khiêm tốn, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của HPW không hề cải thiện trong 4 năm qua. So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành cấp nước thì tỷ suất lợi nhuận /doanh thu và lợi nhuận/vốn điều lệ của HPW thuộc loại rất thấp.

Đơn cử như Công ty Cổ phần cấp nước Long Khánh (LKW) có EPS năm 2022 đạt 6.600 đồng (gấp 4 lần HPW) và có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt 31,5% (gấp 3 lần HPW). Hay như Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) có doanh thu hàng năm chỉ bằng nửa HPW nhưng lợi nhuận lớn gấp đôi HPW. Nói cách khác tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của VCW cao gấp 4 lần HPW. Một ví dụ khác là Công ty Cổ phần cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu có doanh thu nhỏ hơn HPW khá nhiều nhưng lợi nhuận lại lớn gần gấp 3 lần HPW.

Thực trạng chỉ số tài chính của HPW chưa phản ánh hết tiềm năng và lợi thế của công ty, đòi hỏi Ban Lãnh đạo Công ty cần nâng cao năng lực quản trị, hợp lý hóa chi phí, tinh giản bộ máy, tăng năng suất lao động. Theo số liệu của Báo cáo thường niên 2022, bộ máy của HPW gồm 5 thành viên HĐQT, 4 thành viên Ban Giám đốc, 10 phòng chức năng, 15 chi nhánh, xí nghiệp trực thuộc, công ty con với tổng cộng 987 lao động.

Tại thời điểm cổ phần hóa vào năm 2015, HPW đang quản lý và sử dụng 36 lô đất lớn với tổng diện tích 212.531 m2 ở nhiều vị trí vàng tại Hải Phòng, ví dụ như 2.205,5 m2 ở 54 Đinh Tiên Hoàng, Q. Hồng Bàng; 86.427,5 m2 ở 249 Tôn Đức Thắng-Q. Lê Chân; 2.688,7 m2 ở khu đô thị Cựu Viên-Q. Kiến An; 30.045m2 ở xã Thái Sơn, huyện An Lão, 12.668,8 m2 ở Phường Vạn Sơn-Quận Đồ Sơn, 658m2 ở 426 Lê Duẩn-Q. Kiến An… Đa số các lô đất này nằm ở mặt đường lớn tại  TP Hải Phòng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8, cổ phiếu HPW tăng sát trần 17.800 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu HPW èo uột cũng phản ánh dòng tiền trên thị trường chưa tìm được lý do để "mặn mà" với cổ phiếu này.

LONG PHI

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long