Hãy là người đầu tiên thích bài này
HPG: Những chiếc vỏ container “made in Vietnam” tiêu tốn tới 2.200 tỷ đồng của ông chủ Hòa Phát

Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng vốn đầu tư tại dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát xấp xỉ 2.200 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này rót thêm khoảng 300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Đầu tư 2.200 tỷ đồng vào dự án container

Tháng 2/2021, Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ sản xuất container trong bối cảnh thế giới đang trong “cơn khát” container trầm trọng bởi Covid-19.

Chia sẻ lý do sản xuất container, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm container trên thế giới rất lớn, trong khi 90% sản lượng sản xuất mặt hàng này thuộc về Trung Quốc.

Tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container (không tính các doanh nghiệp làm dịch vụ), nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.

Trước tình trạng đó, Hòa Phát sở hữu nhiều lợi thế để sản xuất container và có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất của Trung Quốc.

Tính đến tháng 9/2024, Hòa Phát đã ghi nhận giá trị 2.196 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang vào dự án nhà máy container. Nguồn: BCTC HPG

Tháng 8/2023, lô hàng 100 container loại 20 feet đầu tiên đã được Hòa Phát tung ra thị trường sau 2 năm đầu tư sản xuất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, nhà máy vỏ container Hoà Phát được đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20 - 40 feet.

Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Với công suất này, Hòa Phát hiện đang là nhà sản xuất vỏ container lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Nhà sản xuất thép này cho biết, việc chọn Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đặt nhà máy sản xuất container do tỉnh này nằm trong khu vực động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ, gần các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải.

Nguyên liệu chính sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất.

Với công suất 500.000 TEU/năm, nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa - Vũng Tàu có thể tiêu thụ 1 triệu tấn Thép cuộn cán nóng HRC/năm. Đây là đầu ra tốt cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và dự án Dung Quất 2 dự kiến đi vào khai thác thương mại để ghi nhận doanh thu từ đầu quý 1/2025.

Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu sản xuất vỏ container từ năm 2021

Hiện tại, khoản tiền mà ông Trần Đình Long đổ vào dự án nhà máy vỏ container tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không hề nhỏ. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát đã rót thêm khoảng 300 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức đầu tư tại nhà máy vỏ container lên xấp xỉ 2.200 tỷ đồng.

Về giá vỏ container, hiện nhà sản xuất thép này chưa có báo giá cụ thể. Nhưng trên thị trường, giá vỏ container loại 20 feet mà Hòa Phát vừa xuất xưởng có giá khoảng từ 70 - 90 triệu đồng/chiếc.

Container “made in Vietnam” đắt khách

Về kết quả sản xuất kinh doanh, trong quý 3/2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần gần 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu 9 tháng đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 75% kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận của nhà sản xuất thép này cũng gia tăng nhờ cải thiện biên lợi nhuận. Hòa Phát lãi ròng tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tập đoàn báo lãi hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 140%. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với tỷ trọng 85%, còn lại là các mảng khác như nông nghiệp, điện lạnh, Bất động sản khu công nghiệp.

Cụ thể, 9 tháng năm 2024, doanh nghiệp này sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%.

Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, sản lượng ống thép đạt 503.000 tấn, tăng 3%. Tôn Hòa Phát Đạt sản lượng 344.000 tấn, tăng 43% và vượt số cả năm 2023. Bên cạnh đó, nhà sản xuất này còn cung cấp cho thị trường 93.000 tấn thép dự ứng lực các loại (PC Bar, PC Strand, PC Wire).

Đối với mảng container, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long cho biết đã nhận được nhiều đơn hàng từ những đối tác lớn như Hapag-Lloyd, SeaCube, Hải An…

Ở mảng nông nghiệp, Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần trong nhóm dẫn đầu về trứng gà sạch, heo thương phẩm cung cấp ra thị trường. Mảng điện gia dụng với các sản phẩm như điều hòa, tủ đông, tủ lạnh, máy rửa bát… tiêu thụ tốt trong giai đoạn mùa nắng nóng.

Đối với Bất động sản, nhà sản xuất thép này cũng tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam, tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật.

Mới đây, các sản phẩm vỏ container “made in Vietnam” đã được Hòa Phát giới thiệu đến thị trường thế giới tại Triển lãm Intermodal Europe 2024, diễn ra ở Rotterdam AHOY, Hà Lan.

Intermodal Europe 2024 là triển lãm B2B lớn nhất trong ngành container và vận tải đa phương thức, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp trong ngành logistics khắp nơi trên thế giới tham dự, giới thiệu sản phẩm.

Tại triển lãm này, nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới về vận tải biển, container như hãng tàu Hapag Lloyd và Công ty Leasing SeaCube, Triton, Textainer, CAI, CMA-CMG, Maersk…, các công ty thương mại đến từ Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia đã bày tỏ sự quan tâm tới sản phẩm container được sản xuất tại Việt Nam.

Link gốc

Bình luận (3)

Sơn hải phòng, HPP, nhà cung ứng duy nhất sơn container cho HPG. Doanh thu x2x3 năm sau trong lòng bàn tay
07:47
Sai lầm của a lonG
13:27
Sản xuất nhiều Container, nhưng gía thép vẫn lình xình, mong đầu tư năm sau 2025 với HOA PHÁT sẽ có lời 🙃
18:44

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long