Với nhiều tiềm năng và lợi thế từ hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi... Việt Nam và Mông Cổ cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 500 triệu USD.
Chia sẻ trong khuôn khổ Kỳ họp Ủy ban liên chính phủ (UBLCP 19) Việt Nam – Mông Cổ, diễn ra tại chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, việc xuất khẩu sản phẩm dê, cừu Mông Cổ sang Việt Nam sẽ sớm được thúc đẩy, trở thành biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Mông Cổ - Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế - AgroViet 2024, chiều 21/11.
Theo Bộ trưởng, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu kinh doanh với Mông Cổ, với thế mạnh về công nghệ và có thị trường cho sản phẩm thịt chế biến, Bộ sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp này và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác với phía Mông Cổ. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ có thể tổ chức cho đoàn doanh nghiệp sang Mông Cổ để trực tiếp chứng kiến tiềm năng, trao đổi cơ hội hợp tác cũng như hiểu rõ hơn về quy định từ phía Mông Cổ.
Với thế mạnh về chăn nuôi dê, cừu của Mông Cổ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các doanh nghiệp Mông Cổ hợp tác với phía Việt Nam trong lĩnh vực này khi các tỉnh miền Trung Việt Nam cũng có địa hình và điều kiện gần giống phía bạn.
Bộ trưởng cho rằng, với việc hiện thực hóa các biên bản ký kết còn khó khăn, hai bên đã ký kết nhiều nghị định thư và tạo cơ chế đưa nông sản, đặc biệt là thịt chế biến Mông Cổ vào Việt Nam và ở chiều ngược lại Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê, nông sản sang Mông Cổ.
Ông Doãn Khánh Tâm - Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ- cho biết, do thời tiết khí hậu của Mông Cổ thuộc xứ hàn đới nên chăn nuôi đại gia súc phát triển hơn nhiều so với ngành trồng trọt. Đặc điểm chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ là chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên rộng lớn, gia súc được ăn khoảng 3.000 loại thảo dược trên thảo nguyên mênh mông, chất lượng thịt thơm ngon. Mông Cổ đã gia nhập Tổ chức Thú y thế giới từ năm 1989. “Dù vậy, giao thông vận tải là vấn đề gây cản trở trong giao thương Việt Nam – Mông Cổ”... – ông Tâm thông tin.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp nhẹ Jadamba Enkhbayar cho biết hai nước đã hợp tác thực chất, nhất là với các sản phẩm thịt gia súc của Mông Cổ được đón nhận tại Việt Nam và ở chiều ngược lại sản phẩm nông sản như gạo của Việt Nam được ưa thích tại Mông Cổ.
Các quốc gia thành viên khối ASEAN, Đông Nam Á đang đề xuất các cơ hội hợp tác như cây ăn quả, thịt theo tiêu chuẩn Halal, các giống, gia súc từ Mông Cổ, phía Mông Cổ sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy trình, logistics của Việt Nam, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Hiện lĩnh vực giao thông vận tải đang là "rào cản" đối với giao thương hai bên, do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ đề xuất tổ chức cuộc họp ba bên gồm Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn.
Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đạt 120 triệu USD. Trong thời gian tới, phía Mông Cổ đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Mông Cổ lên hơn 500 triệu USD.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, chị Sầm Thị Tình, Hợp tác xã (HTX) làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), cho hay, cơ sở của chị chuyên bán các sản phẩm chính là túi, ví, khăn, vải thổ cẩm,... có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên và được sản xuất thủ công bởi bà con dân tộc tại địa phương. Các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và đang được bán tại thị trường Mỹ.
Mong muốn mở rộng và phát triển các sản phẩm tại thị trường mới như Pháp, Úc, Mông Cổ, Malaysia,... chị Tình bày tỏ: “Qua tìm hiểu, được biết khá nhiều khách hàng quốc tế thích thú và hài lòng về các sản phẩm thủ công của HTX Hoa Tiến. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường tại các nước bạn sẽ là hành trình dài. Rất mong các cơ quan chức năng, Chính phủ hỗ trợ các chính sách thực tế hơn như tổ chức các triển lãm, xúc tiến thương mại tại các nước có tiềm năng để các HTX như chúng tôi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa các thị trường nước bạn”...
Chị Sầm Thị Tình, Hợp tác xã (HTX) làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến bên những sản phẩm thổ cẩm được sản xuất bởi người dân địa phương.
Với mong muốn mở rộng hoạt động xuất khẩu gia cầm sang thị trường Mông Cổ, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn San Hà cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu chính là cung cấp sản phẩm chất lượng cao và an toàn, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các địa phương và nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng để điều chỉnh mục tiêu phù hợp. Bên cạnh thị trường Mông Cổ, San Hà cũng hướng đến các quốc gia khác trong khu vực và toàn cầu, nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng và khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo bà Hà, mặc dù ngành gia cầm có nhiều thuận lợi phát triển, nhưng hiện vẫn gặp khó khăn và rào cản kỹ thuật về hồ sơ pháp lý và thủ tục xuất khẩu, khiến sản phẩm chăn nuôi Việt Nam yếu thế trên thị trường quốc tế.
"Chúng tôi mong các cơ quan quản lý Nhà nước đơn giản hóa hồ sơ pháp lý để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn, gói vay đặc biệt cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn hợp tác nhập khẩu các sản phẩm từ Mông Cổ", bà Phạm Thị Ngọc Hà kiến nghị.
Chia sẻ thêm về câu chuyện hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Đây là câu chuyện liên quan tới các doanh nghiệp và chúng ta cần phải nghiên cứu làm sao để vừa mở cửa được thị trường nhưng vẫn phải thúc đẩy để các doanh nghiệp tìm đến với nhau”.
Một trong những giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp hai bên tìm đến với nhau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất hai bên xúc tiến thành lập Hiệp hội chế biến thịt để cùng làm việc với nhau, giúp hiện thực hóa các chủ trương và thúc đẩy mở cửa thị trường hai bên.